Giấy phép lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, cho phép người đó vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên đường bộ.
Căn cứ Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe gồm:
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước.
- Sở Giao thông vận tải: Cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa bởi Thông tư 01/2021/TT-BGTVT đã chỉ rõ thời hạn của giấy phép lái xe như sau:
- Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.
- Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi (nữ) và đủ 60 tuổi (nam); trường hợp người lái xe trên 45 tuổi (nữ) và trên 50 tuổi (nam) thì Giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
- Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
- Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
Thời hạn này được ghi trực tiếp trên giấy phép lái xe được cấp cho mỗi cá nhân.
Theo quy định mới có hiệu lực từ 1/6/2024 thì thông tin giấy phép lái xe đã xác thực trên VNeID cũng là giấy tờ hợp lệ. (Ảnh: Dân trí)
Theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với người tham gia giao thông không có bằng lái xe như sau:
- Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng: Người điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh dưới 175 cm3.
- Phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng: Người điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên.
- Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng: Người điều khiển ô tô.
Tuy nhiên, nếu có bằng lái xe nhưng quên mang theo thì mức phạt đối với người vi phạm sẽ nhẹ hơn rất nhiều. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng: Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự.
- Phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng: Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại tương tự.
Có thể thấy, mức phạt đối với hành vi “không có” cao hơn gấp nhiều lần hành vi “quên mang” bằng lái xe.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái. Thông tư này được ban hành ngày 31/3 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2024.
Theo đó, quy định mới có nêu: "Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET hợp lệ là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp, có số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn in trên giấy phép lái xe trùng với số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe hoặc có thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên VNeID".
Như vậy, kể từ ngày 01/6/2024 khi Thông tư 05/2024/TT-BGTVT chính thức có hiệu lực, nếu các thông tin giấy phép lái xe bằng vật liệu PET đã được xác thực trên VNeID thì sẽ được xem là giấy phép hợp lệ.