Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bàng hoàng vụ thảm sát rừng di sản

(DS&PL) -

“Lâm tặc phá rất tự tin” - ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói thẳng, khi trực tiếp luồn rừng thực địa để chứng kiến số lượng, mức độ tàn phá rừng.

“Lâm tặc phá rất tự tin” - ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói thẳng, khi trực tiếp luồn rừng thực địa để chứng kiến số lượng, mức độ tàn phá rừng gỗ Pơ mu quý hàng trăm năm tuổi tại khu vực vành đai biên giới Việt-Lào huyện Nam Giang chiều 20/7.

Từ trung tâm huyện Nam Giang lên tới khu vực cửa khẩu biên giới Việt - Lào gần trăm cây số. Đường chỉ vừa tầm cho 1 người đi, hiểm trở bởi dốc núi và suối đá lởm chởm, có đoạn chúng tôi phải bám theo dây rừng cheo leo trên vách.

Đây là khu vực được kiểm soát nghiêm ngặt, là khu bất khả xâm phạm không cho người lạ lai vãng. Chính vị lãnh đạo tỉnh này cũng không tin được khối lượng lớn gỗ Pơmu lại được đốn hạ, vận chuyển và tập kết xung quanh khu vực này với số lượng lớn như vậy.

Ông Lê Trí Thanh bàng hoàng trước hiện trường Pơmu bị lâm tặc đốn hạ.

“Đây là khu vực biên giới, nằm trong vùng “lõi” được kiểm soát chặt chẽ, nhất cử nhất động phải được sự cho phép của bộ đội biên phòng. Biên phòng có tuần tra, có phối hợp tuần tra định kỳ với nước bạn, chủ rừng cũng tuần tra kiểm tra tại sao không phát hiện được mà từ tin báo người dân?

 Các phách gỗ lâm tặc cưa ra có quy cách, vận chuyển về nơi cất giấu giữa bao nhiêu tai mắt, bao nhiêu lực lượng mà vận chuyển ra được? Tại sao lâm tặc lại tự tin đến mức độ như vậy?” - ông Thanh đặt hàng loạt câu hỏi với các đơn vị liên quan.

Đoàn công tác sau đó đã “đột kích” ngay nhà kho ở khu vực vùng đệm của Việt Nam và Lào được cho là có chứa gỗ Pơmu. Cửa kho vẫn khóa chặt nhưng số gỗ đã không còn trong kho. Dấu vết xe vận chuyển còn in rất mới.

Theo Thượng tá Nguyễn Trung - Phó phòng Cảnh sát Kinh tế PC 46, sau khi có tin báo của người dân, ngày 19/7, Phòng phối hợp với Công an huyện đưa tổ trinh sát lên kiểm tra thì phát hiện hàng trăm phách gỗ Pơmu trong nhà kho. Sau đó đề nghị lực lượng biên phòng phối hợp làm việc, nhưng phía biên phòng nói đây là vùng cấm nên không cho lực lượng vào mà phải đợi có ý kiến cấp trên. Đến hôm nay lên lại thì số gỗ đã không cánh mà bay.

Mở rộng điều tra khu vực xung quanh 500m, lực lượng chức năng phát hiện 20 phách gỗ ở lề đường, lấy cây rừng lấp lại, ngoài ra theo nguồn tin còn có gỗ bên trong nhà kho thuộc địa phận Lào.

Ngay tại hiện trường, ông Lê Trí Thanh trực tiếp gọi điện cho tỉnh trưởng Sê Kông (Lào) đề nghị phối hợp để điều tra sự việc. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng đã gửi công văn đến tỉnh này đề nghị phối hợp làm rõ vụ khai thác gỗ trái phép ở khu vực biên giới. “Sở Ngoại vụ hai nước đang làm các thủ tục để hai bên sẽ có cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp vào thời gian tới” - ông Thanh cho hay.

Cận cảnh “di sản” trăm năm tuổi bị đốn hạ

Lần theo con đường tuần tra biên giới, từ khu vực cửa khẩu đến để đến khu vực rừng Pơmu bị phá, cả đoàn phải lội bộ suốt hơn hai giờ đồng đồ đường rừng. Đây được xem là con đường duy nhất dẫn vào khu rừng Pơmu.

Tại khoảnh 5, tiểu khu 351 vẫn còn hai phách gỗ được xẻ rất đúng quy cách còn nằm bên lề đường mà lâm tặc chưa kịp vận chuyển ra. Tại khoảnh 10, tiểu khu 135 hàng chục gốc Pơmu trăm năm tuổi cùng những phách gỗ còn ngổn ngang nơi hiện trường. Nhìn những gốc Pơmu còn thơm mùi nhựa, nhưng thân cây đổ ngổn ngang, chính vị Phó Chủ tịch tỉnh phải thốt lên “quá khủng khiếp”.

Chỉ mới đây thôi tại Tây Giang, lãnh đạo và nhân dân vinh dự đón nhận quyết định chứng nhận rừng Pơmu thành di sản, thì tại đây hàng trăm gốc “di sản” ấy nằm la liệt. Đây cũng là vị trí Pơmu bị đốn hạ nhiều và tập trung nhất. Thống kê ban đầu có tới hơn 60 gốc Pơmu tại đây bị chặt hạ, ngoài 280 phách pơmu được cơ quan chức năng thu giữ tập kết ra khu vực Chà Vàl thì tại hiện trường có cả thân cây, nhiều phách vẫn còn nằm ngổn ngang.


Hiện trường rừng Pơmu bị lâm tặc chặt phá.

Từ sau khi khởi tố vụ án, mở rộng điều tra phát hiện thêm 6 điểm tập kết. Lực lượng chức năng trực tiếp kiểm tra các điểm tập kết gỗ, trong đó nhiều điểm tập kết gần Trạm Kiểm soát biên phòng Đắc Ốc và nằm trong khuôn viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang. Ông Thanh thẳng thắn nhận định, dù chưa có kết quả điều tra nhưng vị trí gỗ tập kết thì rõ ràng nhìn vào “rất có vấn đề”.

Theo ông Đỗ Tuấn, Giám đốc BQL rừng Nam Sông Bung, vụ việc xảy ra trong thời gian ngắn nhưng phát hiện ra số lượng gỗ quá lớn, hẳn phải có đường dây từ tổ chức khai thác, vận chuyển, tiêu thụ.

Chỉ mới là “phát súng đầu tiên”

Chiều muộn 20/7, ngay sau khi thị sát, ngay tại bìa rừng Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Việt - Lào diễn ra cuộc họp khẩn với sự có mặt của tất cả cơ quan, ban ngành liên quan, truy vấn làm rõ trách nhiệm và chỉ đạo điều tra vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này.

Đại tá Lê Quang Vịnh, Trưởng Công an huyện Nam Giang, cho biết ngày 9/7, công an phối hợp với BQL Rừng phòng hộ Nam Sông Bung kiểm tra khu vực biên giới, phát hiện thu giữ 280 phách, cần được tập kết gần trạm cửa khẩu Nam Giang khoảng 500 m. Vào cuộc điều tra, công an liên tục phát hiện nhiều phách gỗ Pơmu ở sát khu vực trạm biên phòng và trong khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang. Hiện tại, tổng số gỗ đã tạm giữ là 591 phách Pơmu và một số loại gỗ khác, ước tính hơn 44,3 m3.

Cơ quan điều tra cũng đặt nghi vấn về số lượng gỗ nằm tại nhà kho khu vùng đệm Việt - Lào bị tẩu tán trước đó.

Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - Đại tá Nguyễn Viết Lợi cho rằng vụ phá rừng nằm trên khu vực biên giới với nước bạn Lào nên việc điều tra phá án khá phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, cần nhiều lực lượng tham gia phá án.

Do đó, UBND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ tạo thuận lợi cho lực lượng điều tra phá án thâm nhập, sớm làm sáng tỏ vụ việc. Lực lượng kiểm lâm cũng cần hỗ trợ về chuyên môn lâm sản. Thực địa và chứng cứ gỗ Pơmu thu được đến nay cần có sự thẩm định chủng loại, khối lượng, đặc điểm, thời gian…để có thêm chứng cứ củng cố hồ sơ.

Đại tá Nguyễn Viết Lợi - GĐ Công an tỉnh Quảng Nam trực tiếp theo dấu vết vụ phá rừng. Ảnh: Hoài Văn.

Ông Thanh đề nghị sớm lập Ban chuyên án điều tra, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp để sớm làm rõ vụ việc. Phải  có có cơ chế đặc biệt, cần thiết sẽ làm việc với Bộ Tư lệnh Biên phòng để các điều tra viên thuận lợi ra vào khu vực biên giới giúp sớm phá vụ án này. Cử lực lượng tinh nhuệ nhất tham gia phá án, không để bất kỳ áp lực nào, bất kỳ ai can thiệp vào.

“Phải làm cho rõ vụ việc, sai đến đâu xử lý đến đó, kiên quyết loại trừ những phần tử phá hoại. Đây mới chỉ là phát súng đầu tiên trong chiến dịch truy quét khai thác lâm khoáng sản” - ông Thanh khẳng định.

Ông A Lăng Mai – Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng dù là đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ rừng nhưng việc kiểm tra truy quét thường bị lực lượng biên phòng làm khó, đưa ra hàng loạt quy định, quy chế ngay cả khi vụ việc rất gấp. Họ chưa tích cực trong công tác phối hợp đấu tranh tố giác tội phạm. “Ma túy nhỏ tí trong túi còn bị phát hiện mà khai thác hàng trăm cây Pơ mu, cưa xẻ rầm rộ thế sao lại không biết? Dân rất phẫn nộ, đi truy quét lâm tặc hay vàng tặc, ma túy cũng vậy. Cứ đi là lộ, cứ vào đến nơi thì lâm tặc, vàng tặc bỏ chạy, cất giấu phương tiện hết, nhưng khi về họ lại làm tiếp. Khi sự việc xảy ra thì trách nhiệm lại chung chung” – ông Mai nói.

Đình chỉ công tác 3 chỉ huy Đồn Biên phòng Nam Giang

Liên quan tới việc cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam vừa phát hiện hàng chục phách gỗ Pơmu được giấu dưới một con suối, ngay sau lưng Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc, ngày 21/7, trao đổi với PV Tiền Phong, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho biết, chiều cùng ngày, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh BĐBP chủ trì cuộc họp của Bộ Tư lệnh BĐBP về vụ việc này. Tham gia cuộc họp có Chỉ huy trưởng và Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam.

Tại cuộc họp, Bộ Tư lệnh BĐBP xác định đây là sự việc nghiêm trọng xảy ra trên khu vực biên giới, nên BĐBP Quảng Nam phải có trách nhiệm phối hợp với địa phương, kiểm lâm làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có các đối tượng lâm tặc. Đồng thời, ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ của Đồn biên phòng Cửa khẩu Nam Giang gồm Đồn trưởng, Chính trị viên và Phó đồn trưởng kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc để làm kiểm điểm và phục vụ quá trình điều tra làm rõ vụ việc; yêu cầu Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam cử người thay thế 3 cán bộ này.

Bộ Tư lệnh BĐBP cũng phê bình Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam trong thực hiện kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị để xảy ra vụ việc trong khu vực biên giới nhưng đã không kịp thời phát hiện và báo cáo chậm. Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng cho biết thêm, Bộ Tư lệnh đã cử cơ quan Điều tra hình sự BĐBP vào ngay Quảng Nam phối hợp với các lực lượng kiểm lâm, công an làm rõ vụ việc, để kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác nhất về vụ việc.

* Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng Pơmu.            

HOÀI VĂN

Nguồn: Tiền Phong

[mecloud]ZB9Klz2pUF[/mecloud]

Tin nổi bật