Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bàn tiếp chuyện dùng "Lu chống ngập", góc nhìn của một người làm báo

(DS&PL) -

Sáng kiến dùng "Lu chống ngập" mới đây của đại biểu Phan Thị Hồng Xuân tại kì họp Hội đồng Nhân dân TP HCM mới đây đã trở thành một đề tài gây xôn xao dư luận.

PGS, TS. Phan Thị Hồng Xuân phát biểu tại hội trường

1. Mọi ý tưởng cần được nhìn nhận khách quan

Rất nhiều người không ủng hộ thì cho rằng những ý kiến của đại biểu Phan Thị Hồng Xuân là quá dông dài, không có tính khả thi, thậm chí còn cho rằng đây là phát ngôn thiếu cẩn trọng trong một hội nghị quan trọng của Hội đồng nhân dân thành phố lớn nhất nước và điều đó không nên được phát ngôn bởi một nhà khoa học có học hàm học vị, một "bà Nghị" được dân cử làm đại diện của tầng lớp trí thức để có những ý kiến thực sự có giá trị về khoa học.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cảm thông chia sẻ và phần nào ủng hộ lại cho rằng "bà Nghị" Phó giáo sư đã trình bày giải pháp dùng "Lu chống ngập" theo nghĩa bóng nhưng lại không giải thích rõ nghĩa khiến người nghe hiểu câu chuyện theo nghĩa đen một cách quá trần trụi.

Trên thực tế đã có nhiều ý tưởng được diễn đạt theo "nghĩa đen" trong khuôn khổ một cuộc hội nghị, một hội thảo sẽ khó có thể chấp nhận được khi áp dụng vào thực tế. Nhưng cũng có những ý tưởng như thế được cộng đồng, giới khoa học khai thác chúng theo nghĩa bóng lại trở thành những ý tưởng độc đáo.

Còn nhớ khi đi học, chúng tôi được thầy giáo kể lại câu chuyện phát minh ra vòi rồng trên tàu chiến lại bắt nguồn từ những ý tưởng rất "ngây ngô" trong một cuộc hội thảo gồm nhiều thành phần tham gia.

Đó là việc làm thế nào để vô hiệu hóa thủy lôi đánh chìm tàu chiến trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Các nhà khoa học, quân sự, quản lý đưa ra nhiều ý kiến cao siêu về hóa giải vấn đề này, tuy nhiên không có ý kiến nào thực sự khả thi có thể áp dụng được ngay trong tình huống khẩn cấp trên biển. Riêng người bơm xe được mời làm đại biểu danh dự của hội thảo lại có ý kiến rất ngây ngô tưởng như để giải trí cho hội thảo. Ông cho rằng, nhìn thấy thủy lôi thì chỉ còn nước "tè" ra chứ làm gì có giải pháp nào hiệu quả hơn trong tình huống như vậy. Cả hội thảo cho rằng đó là ý kiến thiếu nghiêm túc, nhảm nhí, bồng bột thiếu suy nghĩ. Riêng một kỹ sư lại khen "đây là ý kiến rất hay" và trách bản thân mình tại sao lại không nghĩ ra.

Về sau từ những ý tưởng trên, vị kỹ sư này đã cải tiến hệ thống vòi rồng phun nước trên tàu chiến để chống thủy lôi rất hiệu quả. Mỗi khi nhìn thấy thủy lôi di chuyển, thủy thủ chỉ cần dùng hệ thống vòi rồng phun vào cánh của thủy lôi làm chúng đổi hướng và nổ trước khi va vào mạn thuyền. Từ đây hệ thống vòi rồng được trang bị trên tất cả các tàu chiến, tàu cứu hộ...

Thực hư, câu chuyện trên chính xác đến mức độ nào thì chưa thể khẳng định được. Nhưng rõ ràng câu chuyện khuyên chúng ta trước mỗi ý kiến của người khác dù ngây ngô hay sắc xảo nếu xuất phát từ tinh thần xây dựng thì cũng cần bình tĩnh, trân trọng lắng nghe và hãy cho nó một cơ hội chứng minh tính khả thi, hiệu quả sau đó...!

Thực tế cách tư duy "Độc quyền chân lý - Áp đặt tư duy - Quy kết tùy tiện" sẽ chỉ làm giới hạn vấn đề định thảo luận trao đổi. Trong thực tế và cả trong khoa học không có gì là tuyệt đối đúng như nhà bác học Einstein đã chứng minh. Mọi thứ là tương đối và chỉ có sự tuyệt đối "tương đối" trong một giới hạn về thời gian, không gian cụ thể. Sự chuyển hóa, vận động giữa các vấn đề liên tục xảy ra không có điểm kết thúc. Chính vì vậy nên nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng mở và sự vận động như bản chất không đứng im của nó.

2. "Lu" chống ngập cần được khai thác dưới góc độ khoa học

Trở lại việc dùng "Lu chống ngập" của đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cũng cần được nhìn lại nhiều chiều và khai thác ý tưởng ấy dưới góc độ mở của một vấn đề khoa học hơn là việc "phê phán" khép vấn đề trong giới hạn "nghĩa đen".

Trên thực tế, mỗi hộ gia đình hoặc một cộng đồng dân cư hình thành ao, bể, lu chứa nước để điều tiết dòng chảy là giải pháp đã được ông cha áp dụng từ lâu. Cũng bởi vì những cơ sở khoa học và thực tiễn của giải pháp này nên từ năm 1989, cộng đồng quốc tế đã hình thành tổ chức hứng nước mưa với tên gọi: Hiệp hội Hệ thống hứng nước mưa Quốc tế.

Nhờ kinh nghiệm từ mạng lưới hứng nước mưa quốc tế, Ấn Độ đã triển khai thành công ngoài mong đợi chiến dịch thu hoạch nước mưa trên mái nhà, bắt đầu từ năm 2014 thành phố Chennai thực hiện xây 50.000 bể chứa nước cho các hộ gia đình, hơn 4000 ngôi đền ở bang Tamil Nadu xây dựng các phuy téc chứa nước mưa để phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo.

Chính phủ Úc hỗ trợ người dân bằng cách cung cấp thông tin về dụng cụ chứa nước mưa cho từng hộ, như kích thước, vật liệu, hình dáng, độ bền. Cách làm này của Úc đã khuyến khích người dân hứng nước mưa trên mái nhà.

Ở Đài Loan, hiệp hội hứng nước mưa đã nghiên cứu xây dựng hệ thống máy tính cho phép tính lượng mưa ở tại mỗi điểm trong thành phố, từ đó tư vấn thiết kế những dụng cụ chứa nước có kích thước và kiểu dáng phong phú, phù hợp với từng hộ gia đình.

Đến nay, hệ thống thu hoạch nước mưa ở Đài Loan không chỉ dừng ở các căn hộ cá nhân trong thành phố, mà đã phát triển mạnh mẽ đến khối căn hộ, tổ hợp văn phòng thương mại, tổ hợp công nghiệp, nhà hàng khách sạn, khuôn viên trường học.

Singapore phải tận dụng tối đa những gì họ có, người dân trong các tòa nhà cao tầng đã tận dụng triệt để lượng nước mưa, có những hệ thống lắp đặt ngay tại gia đình để xử lí nước mưa trở thành nước uống.

Tương tự ở Hà Lan, Trung Quốc, Brazil..., những thành công ở nhiều thành phố thí điểm bể chứa nước mưa, mục tiêu trong những năm tới sẽ triển khai đồng bộ hệ thống thu gom nước mưa ở các thành phố, mỗi gia đình sẽ lắp đặt song song hai hệ thống nước.

Ngay cả các nước có hạ tầng và quy hoạch đô thị tốt như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức hay Israel đều coi trọng việc hứng nước mưa bởi lợi ích về mặt sinh thái và giảm tình trạng úng lụt, ô nhiễm sông hồ.

Là một quốc gia phải sống chung với sự khắc nghiệt của thiên tai, Nhật Bản rất coi trọng việc xử lý dòng chảy bằng việc xây bể chứa với các quy mô khác nhau. Như ở Tokyo – Nhật Bản xây hẳn một bể chứa nước ngầm cao 25,4m, dài 177m, rộng 78m chỉ để chứa nước một khi lượng mưa tăng cao hay nước lũ dâng lên. Đây là công trình xả nước ngầm lớn nhất thế giới, được xây dựng để giảm thiểu ngập nước của thành phố trong mùa mưa bão.

Các công ty của họ khi đi đầu tư ở nước ngoài cũng khai thác triệt để những lợi ích của giải pháp khoa học này trong việc xử lý môi trường, điều hòa khí hậu, phòng chống cháy nổ. Tiêu biểu như đại lí Honda ở Machester xây bể chứa nước mưa 30 ngàn mét khối, thu gom nước mưa từ 13.000 mét vuông các mái nhà, lượng nước đủ cung cấp cho 40% nhu cầu sử dụng.

Các chuyên gia về lĩnh vực này cho rằng, hệ thống thu hoạch nước mưa ở thành thị có tác dụng làm giảm lượng nước mưa trên đường phố, còn gọi là làm phẳng dòng chảy, giúp khắc phục tình trạng úng lụt, giảm ô nhiễm sông hồ. Khi dòng chảy sau cơn mưa giảm, đó cũng là cách để phân phối lại lượng nước, giúp trái đất bảo vệ nguồn nước ngầm và có cơ hội hấp thụ nhiều hơn lượng nước đã rơi.

Hơn nữa các chuyên gia còn cho rằng, lợi ích sinh thái của việc sử dụng nước mưa là rất lớn. Chỉ riêng việc xả vệ sinh đã chiếm tới 35% lượng nước sử dụng trong các hộ gia đình. Chưa kể lượng nước giặt quần áo, tưới cây, lau nhà, rửa các vật dụng. Đối với các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khách sạn con số nước sử dụng còn tăng hơn rất nhiều.

3. Quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị

Mở rộng việc bàn luận về đề tài dùng "Lu chống ngập"., ngay từ lúc này các đô thị lớn của Việt Nam cần phải quan tâm thích đáng đến việc quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị một cách hệ thống, bài bản, khoa học tránh việc xử lý chắp vá, chạy theo sự cố đơn lẻ.

Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng thế giới kết hợp với một số cơ quan và chuyên gia Việt Nam (trong đó có Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM) về quá trình đô thị hóa ở Việt Nam trong những năm gần đây thể hiện ở 5 lĩnh vực: kinh tế, hành chính, dân số, không gian và phúc lợi xã hội khẳng định: Quá trình chuyển đổi của 5 lĩnh vực nêu trên có hiệu quả tích cực, làm tăng thu nhập, giảm mức đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với vai trò trung tâm của các đô thị. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế và tiềm tàng nguy cơ đáng lo ngại trong quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cũng đã thống nhất đánh giá, quy hoạch và quản lý đô thị ở nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng của quán tính bao cấp, chủ yếu dựa vào các nguyên tắc thiết kế tĩnh, thiếu linh hoạt theo hướng thị trường. Trong khi đó, đô thị ngày càng khẳng định vai trò động lực then chốt trong nền kinh tế, do đó cần cải cách công nghệ và quy trình lập quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng chuyển từ quy hoạch tĩnh sang quy hoạch động, với cách tiếp cận đa ngành mà Quy hoạch chiến lược là một ví dụ.

Đô thị ngập úng sau mưa là nỗi ám ảnh của người dân ở nhiều đô thị lớn của Việt Nam

Một trong những vấn đề cấp thiết trong quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị hiện này là vấn đề quản lý thoát nước và chống ngập úng đô thị. TP. Hồ Chí Minh và nhiều đô thị lớn của Việt Nam thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng khi xảy ra mưa lớn do hệ thống thoát nước đã cũ kỹ và trở nên quá tải.

Số liệu thống kê từ Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cuối năm 2018 cho thấy, TP Hồ Chí Minh là địa bàn có nhiều điểm ngập úng nhất cả nước với khoảng 220 điểm, TP Hà Nội gần 190 điểm, TP Cần Thơ 107 điểm, TP Đà Nẵng 50 điểm. Một số TP chịu ảnh hưởng mạnh của triều cường như Nha Trang, Hạ Long, Đà Nẵng... một số TP ở khu vực cao cũng bị hiện tượng ngập úng do mưa lớn như Đà Lạt, Biên Hòa.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập úng khi mưa lớn do hạ tầng thoát nước đã trở nên cũ kỹ, quá tải, thiếu cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, hệ thống thoát nước vẫn là hệ thống cống dùng chung cho việc thoát nước thải và nước mưa, đa phần hệ thống tiêu thoát nước vẫn đang hoạt động theo hình thức tự chảy, nên thường xuyên xả ra ngập úng khi có mưa lớn. Hệ thống tiêu thoát có hiện tượng tắc nghẽn và chảy ngược khi xảy ra trường hợp nước biển kết hợp triều cường làm cho mực nước sông dâng cao.

Bên cạnh đó, ở các vùng đệm, hồ điều tiết do quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm. Ngoài ra, vấn đề về quy hoạch và ý thức cộng đồng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng thoát nước công cộng. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các tỉnh, TP của Việt Nam đã triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải. Đã có 44 dự án thoát nước và xử lý nước thải quy mô lớn đi vào vận hành và trên 50 dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Tại Hội thảo “Quản lý nước mưa và chống ngập đô thị” diễn ra tại Hà Nội ngày 15/11/2018 do Bộ xây dựng và tổ chức JICA (Nhật Bản) tổ chức, các chuyên gia Nhật Bản đã trình bày kinh nghiệm thoát nước và chống ngập úng đô thị tại TP Yokohama, Osaka...Trong đó tập trung vào việc phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức tư nhân, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong công tác đầu tư hạ tầng và quản lý hệ thống thoát nước thải...

Như vậy có thể thấy, những vấn đề mà đại biểu Phan Thị Hồng Xuân nêu tại kì họp Hội đồng Nhân dân TP HCM tháng 7 năm 2019 về giải pháp chống ngập tại TP. HCM bằng giải pháp thu gom, điều tiết nước thải mưa từ các hộ gia đình đến cộng đồng dân cư và trên địa bàn toàn Thành phố là có cơ sở khoa học, thực tiễn dân gian và bài học kinh nghiệm Quốc tế rất rõ ràng. Nhưng có lẽ trong khuôn khổ thời gian có hạn và sự chuẩn bị của người trình bày chưa thật khoa học và chu đáo, cộng với áp lực tâm lý nghị trường dẫn tới những ý tưởng hay chưa được trình bày thoát ý đã phần nào tác động không tốt đến hiệu quả thông tin xung quanh vấn đề này...!?

Thiết nghĩ, sau "lùm xùm" liên quan đến phát ngôn gây "sốc" trước công chúng của những người có địa vị, danh tiếng trong xã hội nhiều bài học cần được rút ra. Với những người của công chúng nên cẩn trọng trong những phát ngôn của mình, không nên phát ngôn kiểu khoa trương cường điệu, càng không nên phát ngôn kiểu ẩn dụ đa nghĩa. Với tư cách người nghe có quyền tiếp nhận thông tin theo góc cạnh và nhận thức của riêng mình nhưng cũng rất cần bình tĩnh xét soi bản chất vấn đề người nói trình bày, không nên suy diễn sự việc theo hiện tượng, hình thức, càng không nên thụ động chạy theo những phản ứng trong cộng đồng.Với cơ quan truyền thông, báo chí cần coi trọng những giá trị cốt lõi trong truyền thông: Đưa tin chính xác và khách quan; Tránh gây phương hại; Khách quan - không bị thao túng; Trách nhiệm và minh bạch...

Trong những ngày này, nhiều người bồi hồi thương nhớ Giáo sư Hoàng Tụy "cha đẻ của thuyết tối ưu toàn cục" ra đi về với cõi vĩnh hằng. "Tối ưu toàn cục" là một lý thuyết theo chia sẻ của nhiều nhà khoa học có sự ứng dụng vô cùng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống mà sinh thời Giáo sư đã trình bày trước nhiều hội thảo quốc tế, nhiều quốc gia và nhiều hãng sản xuất công nghiệp điện tử. Cũng có ý kiến cho rằng, bài toán tối ưu toàn cục của Giáo sư Hoàng Tụy đã từng được ứng dụng trong tính toán và xử lý dòng chảy.

Trong các vấn đề xã hội, người ta cũng thấy Giáo sư Hoàng Tụy cũng luôn đưa ra những ý kiến xây dựng mang tính "tối ưu trong một cục diện cụ thể" hay "sự thống nhất trong đa dạng khác biệt". Rất nhiều vấn đề Giáo sư đưa ra không phải lúc nào cũng trùng khớp với số đông. Những ý kiến đó vẫn được mọi người trân trọng như Giáo sư trân trọng những ý kiến trái chiều của mọi người. Chúng ta có thể thấy rõ, những vấn đề đó qua 50 bài viết tâm huyết của ông trong tập sách "Hoàng Tụy: Xin nói thẳng".  

Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta luôn cần phải nhìn nhận, đánh giá và hành động mọi việc một cách công bằng, sòng phẳng không chỉ bằng cảm tính mà còn bằng cả "sự thật khách quan không thể chối cãi được" để mọi phản ánh phải đúng với bản chất, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng vẫn đạt được hiệu lực, hiệu quả trong những vấn đề đặt ra với cộng đồng. 

Vương Xuân Nguyên

* Bài viết có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp và thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Tin nổi bật