(ĐSPL)- Trên nền giấy sắc phong tuy đã mục nát theo thời gian nhưng chữ và hoa văn trên đó vẫn còn rất rõ ràng. Đặc biệt, dấu triện của vua Quang Trung vẫn còn rất rõ.
Sắc phong của vua ban được coi là báu vật nên phải được làng xã giao cho người uy tín trong vùng cất giữ, hoặc để ở trong đền của làng. Trải qua nhiều năm tháng, có những sắc phong đã cũ và nhàu nát nhưng nó là minh chứng trung thực nhất truyền tải cho hậu thế các tư liệu quý giá về nhân thân cũng như công lao của một số nhân vật lịch sử.
Sắc phong hơn 200 tuổi do vua Quang Trung ban tặng
Cách thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) về hướng Bắc hơn 10 cây số là ngôi làng Minh Lệ. Đây được xem là một trong những nơi còn lưu giữ nhiều nhất những sắc phong của vua ban từ thời xưa. Theo thống kê, gần như huyện, xã nào của tỉnh Quảng Bình cũng vinh dự được vua ban tặng sắc phong qua các triều đại phong kiến. Và cho đến tận ngày nay, không ít các sắc phong đó vẫn còn tồn tại và trở thành báu vật của làng, xã, được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Minh Lệ là vùng đất nằm bên nhánh sông Rào Nan về phía sông Gianh, thuộc xã Quảng Minh (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, rau quả. Đến làng trong một buổi chiều, chúng tôi tìm đến chủ nhân đang lưu giữ một bức sắc phong. Đó là ông Trương Minh Đức (SN 1952, ngụ xã Quảng Minh). ông chính là hậu duệ đời thứ 17 của Trung Lang Thượng tướng quân Trương Công Trấn.
|
Ông Trương Minh Đức bên sắc phong hơn 200 tuổi. |
Chậm rãi lấy từ trong tủ ra một chiếc ống dài, vật dụng ông dùng để cất giữ bức sắc phong mà xưa nay vốn được ông xem như báu vật của dòng họ mình. ông từ tốn mở cho chúng tôi xem bức sắc phong hơn 200 tuổi. Trên nền giấy sắc phong tuy đã mục nát theo thời gian nhưng chữ và hoa văn trên đó vẫn còn rất rõ ràng. Đặc biệt, dấu triện của vua Quang Trung vẫn còn rất rõ. Theo gia phả của dòng họ Trương Công ở làng Minh Lệ, Trung lang Thượng tướng quân Trương Công Trấn là con trai thứ hai của ông Trương Công Lang, một vị tướng tài của Lê Lợi.
Khi Lê Lợi tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Minh, thì ở phía Nam, quân Chiêm Thành (còn gọi là giặc Lồi) thừa cơ quấy nhiễu, cướp phá vùng biên giới và lúc này Trương Công Lang được Lê Lợi tin cậy sai đem quân vào Nam trấn thủ. Nối nghiệp cha, ông Trương Công Trấn đã lập nhiều chiến công hiển hách trong cuộc chiến chống quân Chiêm Thành. Năm 1493, trong trận chiến khốc liệt ở Thành Lồi (nay thuộc xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch), ông bị trọng thương, phi ngựa về đến quê nhà ở làng Minh Lệ thì tạ thế và đó là ngày 24 tháng 4 năm Quý Sửu.
Vua Lê Thánh Tông và triều đình vô cùng thương tiếc đã sắc phong cho ông làm Thượng đẳng thần, Thành hoàng làng và cho lập đền thờ. Theo ông Trương Minh Đức, Trương Công Trấn cùng với các họ Nguyễn, Hoàng, Trần đã chiêu dân khai phá đầm lầy, sáng lập ra xã Thị Lệ gồm 5 thôn: Minh Lệ (Quảng Minh), Đoài (Diên Trường, Quảng Sơn), Vĩnh Ninh (Hoà Ninh, Quảng Hoà), Vĩnh Phước, Vĩnh Lộc (Quảng Lộc).
Trong sắc phong năm 1790, vua Quang Trung ghi nhận ông là "người đã cần mẫn tích trữ giềng mối nên ba nên năm, sẵn sàng có ngay quân ngũ cả trăm cả nghìn, đã biết giữ oai thần võ khiến cho mọi rợ nước ngoài sợ hãi; đã có công cao trong binh nghiệp mà vẫn giữ được hào khí trung trinh, đặc tính cần mẫn tỏ rõ đức độ của người rạng rỡ sâu xa; đã linh thông thống lĩnh quân dân phù hộ bao trùm tại địa phương do người được nhà vua sai khiến cai quản". Lăng mộ và nhà thờ Trung lang Thượng tướng quân vẫn còn đến tận ngày nay.
Dân hai xã Quảng Minh, Quảng Hoà ngày nay vẫn còn lưu truyền câu ca: "Mồng một xủi mả Tổng lang, Mồng hai xủi mả cả làng nhà ta". Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, hậu duệ các đời của dòng họ Trương ở Minh Lệ vẫn nỗ lực lưu giữ tấm sắc phong, cùng lăng mộ và nhà thờ của ông, như một sự tri ân nghiêm cẩn của thế hệ con cháu với công lao, đức độ to lớn của Trung lang Thượng tướng quân Trương Công Trấn.
|
Những sắc phong đã nhàu nát theo thời gian. |
Vùng đất sản sinh nhiều hiền tài
Không chỉ dòng họ Trương ở làng Minh Lệ có sắc phong. Cách đó không xa, đình Hòa Ninh (xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn), ngôi đình được xây dựng từ đời vua Bảo Đại thứ 11 (năm 1936), cũng còn lưu giữ 10 sắc phong của triều đình nhà Nguyễn. Làng Hòa Ninh là ngôi làng cũng nằm bên tả ngạn sông Gianh. Đây là vùng đất sinh ra nhiều vị hiền tài, giúp dân, giúp nước lúc bấy giờ.
Theo ông Đoàn Tiến Lực (80 tuổi, thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa), người chuyên nghiên cứu về các đạo sắc phong của làng thì làng Hòa Ninh xưa có cả thảy 13 sắc phong, nhưng hiện nay chỉ giữ được 11 sắc phong. Trong đó hiện giờ người ta chỉ đọc và dịch được 10 sắc phong.
Bên cạnh một vài sắc phong còn nguyên lành, không ít sắc phong đã bị rách mục, màu mực và giấy đã ngả màu. Các sắc phong của vua Tự Đức năm 1852 và năm 1874, sắc phong của vua Đồng Khánh năm 1887 phong thần cho Thành hoàng làng. Vua Thành Thái, vua Duy Tân, vua Khải Định cũng có nhiều sắc phong cho những người con ưu tú, có nhiều công lao cho làng nước như "Trung đẳng thần", "Thượng đẳng thần". Riêng vua Khải Định đã bốn lần cấp sắc phong cho làng Hòa Ninh, trong đó, nổi bật với sắc phong cho vị tiến sỹ Nguyễn Sum nổi tiếng "thanh liêm chính trực", có công vệ quốc, an dân; sắc phong cho ông Tùng Giang Văn Trung là "Trung đẳng thần là Thành hoàng làng".
Đặc biệt, vùng đất Quảng Bình còn sản sinh ra những nhân vật kiệt xuất mà tài đức, công thần của họ vẫn còn được lưu giữ qua nhiều triều đại. Thành hoàng làng Tiên Lệ, Đoàn Đức Mậu (xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn) là một trong những người con ưu tú đó. Theo gia phả dòng họ Đoàn làng Tiên Lệ, ông Đoàn Đức Mậu là con thứ hai của Quản Giáp Nghi Trung Bá. Thuở nhỏ, ông rèn luyện võ nghệ, tuổi nhỏ tài cao, có tài bơi lội hơn người.
Dưới thời vua Lê Trung Tông, với diện mạo khôi ngô, khí phách hùng dũng, ba quân không đối địch được, ông đã hộ giá đánh tan quân Mạc, được phong là An Cảo Bá, giữ chức Phủ vệ hầu. Sau đó, ông tiếp tục được phong làm Hậu nội thủy cơ-Phó tướng lãnh đô đốc phủ-Tả đô đốc Lập quận công. Dưới thời vua Lê Thế Tông, ông lập công lớn được phong "Thái tử Thái bảo".
Ông qua đời ngày 16 tháng 8 năm Tân Sửu (năm 1601) trong niềm tiếc thương vô hạn của vua Lê Kính Tông. Vua đã sắc phong cho ông là "Bản cảnh thành hoàng đại vương, quảng hậu chính trực, hữu thiện đông ngưng, dục bảo trung hưng, lệ phong đăng trật tôn thần". Đến đời nhà Nguyễn, cảm phục trước người con kiệt xuất của làng Tiên Lệ, vua Tự Đức và vua Khải Định đều có sắc phong cho ông. ông Đoàn Như Kiệt (80 tuổi, Quảng Tiên), hậu duệ của dòng họ Đoàn ở làng Tiên Lệ, hiện đang lưu giữ nguyên vẹn hai sắc phong của nhà Nguyễn, còn sắc phong của nhà Lê nay đã thất truyền.
Chuyện về các sắc phong ở Quảng Bình vẫn còn nối dài. Đó là các sắc phong của vua triều Nguyễn cho một người không phải là quan nhưng có công khai phá ruộng nương, gây dựng xóm làng là "Thượng đẳng thần" độc nhất vô nhị ở làng Lệ Sơn (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa). Ngoài ra, còn có tám sắc phong của vua triều Nguyễn cho Tuần vũ Lê Di (ngụ xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa)... Đây là minh chứng cho bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đất nắng cháy miền Trung.
Người dân lưu giữ và xem như báu vật Ông Hoàng Đăng Lẫm, cán bộ ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa của xã Quảng Hòa cho biết: "Làng Minh Lệ là một nơi còn lưu giữ nhiều nhất các loại sắc phong được ban phát lúc xưa. Đây là nét riêng, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Họ luôn xem những sắc phong như báu vật linh thiêng và cất giữ cẩn thận". |