Nhà thầu “ruột”
Theo thông tin công khai trên mạng đấu thầu Quốc gia, từ tháng 12/2018 đến tháng 12/2021, nhà thầu có tham gia 14 gói thầu của bên mời thầu là ban QLDA ĐTXD trong đó đã trúng thầu 13 gói, trượt thầu 0 gói, 1 gói chưa có kết quả.
Trong 13 gói đã trúng thầu, có 7 gói nhà thầu tham dự thầu với vai trò độc lập, 6 gói liên danh. Với hình thức lựa chọn nhà thầu, có 9 gói đấu thầu rộng rãi và 4 gói đấu thầu trực tiếp. Với 7 gói dự thầu độc lập, tổng giá trị trúng thầu là 33.926.133.000 đồng, so với giá dự toán 34.199.095.000 đồng, tiết kiệm 272.962.000 đồng, đạt tỉ lệ 0,78%.
Đơn cử, gói thầu số 12: Mua sắm, lắp đặt thiết bị không thuộc danh mục mua sắm tập trung của thành phố Hà Nội có tỉ lệ tiết kiệm là 0,82% (tức 47.817.000 đồng so với giá dự toán là 5.822.630.000 đồng, giá trúng thầu là 5.774.813.000 đồng).
Gói thầu số 4: Mua sắm và lắp đặt thiết bị ứng dụng CNTT chỉ tiết kiệm vỏn vẹn 0,44% (tức 20.055.000 đồng), giá dự toán là 4.574.602.000 đồng, giá trúng thầu là 4.554.547.000 đồng.
Phần lớn những gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm thấp cho ngân sách Nhà nước.
Một gói thầu khác có tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu chỉ 0,66% là gói thầu số 14: Mua sắm và lắp đặt thiết bị bổ sung (thiết bị không thuộc danh mục mua sắm tập trung) thuộc dự án Xây dựng trường mầm non.
Cũng thống kê từ 13 gói thầu này, 9 gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu chưa đến 1%, tỉ lệ tiết kiệm cao nhất có 1 gói đạt 2,03%, còn 2 gói có tỉ lệ 1,08% và 1 gói đạt 1,13%.
Ngoài ra, trong 2 năm 2020-2021, theo rà soát ngẫu nhiên của phóng viên với 17 gói thầu do ban QLDA ĐTXD làm chủ đầu tư, tỉ lệ tiết kiệm chỉ loanh quanh ở mức trên dưới 1%, có gói về mức 0 đồng.
“Nếu tỉ lệ tiết kiệm quá thấp thì không đạt mục tiêu đấu thầu”
Trao đổi với phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc nhà thầu Luật Nguyên Khang và Cộng sự) nêu quan điểm: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Mục đích là tìm được nhà thầu đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, chất lượng với chi phí thấp nhất, mang lại lợi ích cho chủ đầu tư, tiết kiệm tối đa cho ngân sách Nhà nước.
Dựa trên những số liệu thống kê, có thể thấy tỉ lệ tiết kiệm trong các gói thầu do ban QLDA ĐTXD làm chủ đầu tư là rất thấp. Với mục tiêu tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước thì chưa thật sự đạt được hiệu quả. Đồng thời việc nhiều gói thầu trúng thầu sát giá, với tỉ lệ tiết kiệm “khiêm tốn” (đỉnh điểm có gói bằng 0%, tiết kiệm được 0 đồng) sẽ tạo nên những bức xúc trong dư luận. Khiến dư luận hoài nghi về sự minh bạch trong quá trình đấu thầu của các gói thầu này.
Tỉ lệ tiết kiệm sẽ là thước đo đánh giá cho mục tiêu về tính hiệu quả, tiết kiệm trong đấu thầu. Khi gói thầu đạt được tỉ lệ tiết kiệm cao sẽ phần nào phản ánh được sự cạnh tranh giữa các nhà thầu tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, để đạt được điều này thì quá trình đấu thầu phải thực sự minh bạch, rõ ràng mới có thể thúc đẩy các nhà thầu tham gia cạnh tranh công bằng.
Từ đó thấy được sự minh bạch, rõ ràng trong hoạt động đấu thầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ tiết kiệm. Ngược lại, tỉ lệ tiết kiệm cũng phần nào phản ánh được tính minh bạch, rõ ràng trong hoạt động đấu thầu.
Vì vậy, nếu tỉ lệ tiết kiệm quá thấp thì không thể đạt được mục tiêu về minh bạch, rõ ràng, hiệu quả, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Tính cạnh tranh công bằng giữa các nhà thầu cũng sẽ không được đảm bảo”.
Luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự).
Cũng theo ý kiến luật sư Đạt: “Đối với việc trúng 13 gói thầu sát giá trong 3 năm mà không trượt gói nào của nhà thầu (tỉ lệ trúng thầu là gần 100%), cho thấy có dấu hiệu bất thường. Do đó, dư luận hoài nghi về tính thiếu minh bạch, có ưu ái với nhà thầu của ban QLDA ĐTXD là có cơ sở và khó tránh khỏi điều này.
Theo quy định tại Điều 89, luật Đấu thầu năm 2013 quy định rõ các hành vi bị cấm vì có thể tác động tiêu cực đến hoạt động đấu thầu hoặc vi phạm các nguyên tắc chung trong hoạt động đầu thầu.
Việc doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu, quen mặt tại một đơn vị thì cần cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, thanh tra, xem xét có hành vi phạm pháp luật đấu thầu hay không. Từ đó mới có căn cứ tiến hành xử lý theo quy định.
Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan (Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự)”.
“Nhằm đạt được mục tiêu minh bạch, rõ ràng, hiệu quả, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước thì cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền để tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình đấu thầu đối với các gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm thấp, một đơn vị trúng nhiều gói thầu. Điều này cũng thể hiện được chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động đấu thầu, phát hiện sai phạm và xử lý kịp thời, tránh gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước”, luật sư Nguyễn Cao Đạt nhấn mạnh.
Bên cạnh dấu hiệu về tỉ lệ tiết kiệm rất thấp thì phóng viên cũng rà soát ngẫu nhiên và thấy trong gói thầu do ban QLDA ĐTXD làm chủ đầu tư có dấu hiệu đội giá mua sắm, có gói thầu 100% sản phẩm có dấu hiệu đội giá cao hơn thị trường.
Vậy, việc đội giá này cụ thể như thế nào, số tiền ngân sách Nhà nước có nguy cơ thất thoát bao nhiêu tỷ đồng? Chi tiết chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết sau.
Thu Hạnh - Trọng Nghĩa