Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bán cao tốc cho nước ngoài: Lo ngại tăng phí, thả nổi chất lượng

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Chủ trương bán một số tuyến đường cao tốc cho nước ngoài của bộ GTVT làm dấy lên lo ngại mức phí sẽ bị đẩy lên và chất lượng công trình bị thả nổi.

(ĐSPL) - Chủ trương bán một số tuyến cao tốc cho nhà đầu tư nước ngoài khai thác vừa được bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra đã dấy lên lo ngại rằng, mức phí sẽ bị đẩy lên và chất lượng công trình không ai kiểm soát khi... rơi vào tay tư nhân.

Ai đứng ra bán và bán theo hình thức nào?

Mấy ngày qua, dư luận nhận được thông tin gây sốc từ tổng công ty phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), khi đơn vị này tuyên bố sẽ tiến tới việc bán một số dự án đường cao tốc cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thoạt mới nghe, ai cũng giật mình, bởi một nhẽ, nguồn vốn đầu tư cho các tuyến đường cao tốc này đều có những khoản tiền nhất định của ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, VEC được quyền bán thì ai cho bán? Và bán theo cách gì? Khi, người dân chính là đối tượng phải móc "hầu bao" cho những cuộc "làm ăn" mang đầy tính "lời, lãi" này.

Ngành giao thông vận tải đang dự kiến bán một số tuyến đường cao tốc cho tư nhân khai thác.

Thông tin trên, ngay lập tức được PV kiểm chứng từ bộ GTVT, với kết quả hoàn toàn đúng. Theo đại diện của Bộ này, việc bán đường cao tốc đã và đang được xem xét để đẩy mạnh với mục đích rút được nguồn vốn lớn và giảm nợ công. Nói về thể thức duy trì hoạt động an toàn của tuyến đường sau khi bán, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông (bộ GTVT) cho PV hay: Sẽ được quy định cụ thể giữa bên mua và bên bán. "Nhà đầu tư mua dự án sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm duy trì chất lượng hạ tầng đúng theo quy định của Nhà nước", ông Sanh nói.

Theo tìm hiểu của PV, hiện VEC được bộ GTVT giao làm chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc có tổng chiều dài 540km, với tổng mức đầu tư 125.572 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án tại 5 dự án là 71.555 tỉ đồng (chiếm 57\%); VEC tự huy động 54.000 tỉ đồng (chiếm 43\%) từ nguồn vốn phát hành trái phiếu công trình, vốn vay thương mại (OCR) của ADB và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) thuộc WB.

Khẳng định với PV về việc này, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết, sau khi lãnh đạo bộ GTVT chỉ đạo, VEC đang tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ về hoàn thiện thủ tục, tính toán các phương án chào bán để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, quan trọng nhất là xác định giá bán của từng tuyến đường. ông Mai Tuấn Anh cũng bật mí, VEC sẽ chào bán cả 5 dự án cao tốc.

Dân chịu trận...?

Bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, trao đổi với PV về vấn đề này, ĐBQH Ngô Văn Minh, (đoàn Quảng Nam) cho rằng: "Hiện nay, mình đầu tư đường cao tốc theo dạng chúng ta đang thu phí. Nhà nước cũng sẽ bán cái trạm thu phí đó cho nhà đầu tư và nhượng quyền lại. Nói là nhượng quyền nhưng thực chất là bán luôn, để họ thu phí".

Cũng theo ông Minh: "Có thể nhà đầu tư họ sẽ đặt ra phí cao hơn. Chẳng hạn, thời gian hoàn vốn đặt ra là 20 năm, nhưng họ lại yêu cầu chỉ hoàn vốn trong vòng 15 năm thôi thì họ buộc sẽ phải thu phí tăng lên, có thể tăng từ 100.000 đồng lên 120.000 đồng chẳng hạn. Cái này sẽ phải có quy định cụ thể trong hợp đồng mua bán. Ví dụ, khi ký kết hợp đồng thì phải rõ các điều khoản ra, tôi cho anh khai thác trong bao nhiêu năm, tôi bán anh chừng này tiền, thì anh chỉ được thu mức phí tối đa là từng này thôi. Tất nhiên, nhà đầu tư cũng sẽ phải cân nhắc, có lợi họ mới mua. Nhưng, nói chung là mình vẫn phải cẩn trọng trong đàm phán, ký kết".

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch hiệp hội Vận tải Hà Nội lại nhận định: "Chắc chắn rằng, khi đầu tư vào, nhà đầu tư nước ngoài sẽ thu phí với mức cao hơn, lãi suất cao hơn. Điều này tất nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến người dân".

Ông Liên cũng cho rằng, khi Nhà nước mình đầu tư vốn làm đường, xong bán lại quyền thu phí cho nhà đầu tư nước ngoài trong một thời gian nhất định để ứng vốn đầu tư tuyến đường khác cũng nên xem xét cụ thể thời gian nhà đầu tư nước ngoài được quyền thu phí bao nhiêu năm, tương ứng với số tiền họ bỏ ra.

Khi bán quyền thu phí phải quy định rõ, sau khi hết quyền khai thác tuyến quốc lộ thì nhà đầu tư nước ngoài phải trao trả lại với bao nhiêu phần trăm khi mua. Hơn nữa, cùng với việc khai thác, nhà đầu tư nước ngoài phải bảo trì tuyến đường theo quy định, tránh tình trạng khai thác cứ khai thác, đường xuống cấp thì Nhà nước lại phải tu sửa.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, chuyện bán quyền thu phí, khai thác đường cao tốc sau khi hoàn thành đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Nhà nước đầu tư vốn, khi xong thì bán cho đối tác nước ngoài hoặc trong nước trong vòng 30-40 năm để lấy tiền tiếp tục đầu tư tuyến đường khác nhưng cần có quy định cụ thể buộc nhà đầu tư bên cạnh việc thu phí phải bảo trì đảm bảo giao thông thuận tiện cho người dân.

Nhiều chuyên gia kinh tế khi được PV báo Đời sống và Pháp luật đặt câu hỏi đều bày tỏ mối nghi ngại, việc bán quyền thu phí hoặc bán cổ phần các dự án đường cao tốc cho nhà đầu tư tư nhân có thể sẽ đẩy mức phí lên cao, người dân sẽ phải chịu mức phí này bởi không nhà đầu tư nào đầu tư mà không thu lãi. Đáng nói, bên nhà đầu tư nước ngoài khi mua quyền thu phí cũng như mua cổ phần các dự án đường cao tốc, họ sẽ trực tiếp quản lý hay thuê người Việt Nam làm quản lý.

Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đưa người nước họ sang làm thì người Việt Nam lại mất việc làm. Nhiều ý kiến thẳng thắn, nếu bán cao tốc cho nhà đầu tư nước ngoài thu phí, việc di chuyển của người Việt Nam sẽ phải chịu sự cho phép của người nước ngoài trên chính những con đường của đất nước mình thì có nên không?

5 dự án đường cao tốc dự kiến bán

Theo VEC, 5 dự án đường cao tốc được đưa vào nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để bán gồm: Tuyến Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong số này, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP.HCM - Long Thành đang chiếm ưu thế (trong giao dịch, chuyển nhượng) vì có lưu lượng phương tiện lưu thông qua lại khá lớn.

 

Tin nổi bật