Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1, các địa phương bắt đầu chấm thi, muộn nhất ngày 24/7 phải hoàn thành để công bố điểm 2 ngày sau đó. Báo Lao Động đưa tin Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia đã có những lưu ý đặc biệt để việc chấm thi đảm bảo an toàn, khách quan, đúng quy chế.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, công tác chấm thi được thực hiện theo quy chế gồm: Chấm bài thi tự luận và chấm thi trắc nghiệm.
Cán bộ coi thi bốc thăm số phòng thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Tiền Phong.
Quy chế thi quy định về chấm thi tự luận và địa phương chấm theo hướng dẫn chấm thi, đáp án, thang điểm của bộ GD&ĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán ở 2 tổ chấm khác nhau.
Sau khi trưởng môn chấm thi nhận các túi bài thi đã rọc phách, tổ chấm sẽ chấm chung ít nhất 10 bài để thống nhất sau đó mới chấm độc lập tại các phòng riêng biệt. Việc giao túi bài thi cho cán bộ chấm thi được thực hiện theo hình thức bốc thăm bằng phiếu.
Khi chấm lần thứ nhất, điểm toàn bài và các nhận xét (nếu có) chỉ được ghi vào 1 phiếu chấm của từng bài thi. Sau khi chấm lần thứ nhất, toàn bộ các phiếu chấm thi được rút ra và giao các túi bài thi cho tổ chấm khác để chấm lần thứ hai. Ở lần chấm này, cán bộ chấm thi được chấm trực tiếp vào bài thi của thí sinh. Sau đó điểm bài thi sẽ được thống nhất.
Chấm bài thi tự luận, sẽ xuất hiện các tình huống vênh điểm giữa các cán bộ chấm thi, Quy chế thi quy định cách xử lý các tình huống cụ thể.
Về chấm thi trắc nghiệm, sau khi thí sinh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, bài thi trắc nghiệm của 8 môn thi (Toán, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ) được chấm bằng phần mềm do bộ GD&ĐT cung cấp.
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT của bộ GD&ĐT, đầu tiên, ban chấm thi trắc nghiệm sẽ quét phiếu trả của thí sinh theo từng túi và niêm phong ngay sau khi hoàn thành. Dữ liệu vừa quét sẽ xuất dưới dạng ảnh, được phần mềm chấm chi tự động mã hoá, sau đó nhận dạng ảnh quét.
Tại mỗi bước này, kể cả khi khắc phục lỗi kỹ thuật, cán bộ chuyên trách sẽ sao lưu dữ liệu này ra hai bộ đĩa CD hoặc DVD với cùng nội dung. Những đĩa này sẽ được đóng gói, niêm phong dưới sự giám sát của cơ quan chức năng. Một bộ đĩa được gửi về Cục Quản lý chất lượng, bộ GD&ĐT, để quản lý, còn lại gửi cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ.
Sau khi hoàn thành các bước trên, tổ chấm trắc nghiệm mở niêm phong đĩa CD chứa dữ liệu chấm thi trắc nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nạp dữ liệu chấm vào phần mềm và bắt đầu chấm điểm. Thành viên của ban chấm thi và những người làm nhiệm vụ ở khu vực chấm không được mang theo bút chì, tấy và các vật dụng bị cấm khác theo quy chế, không được sửa chữa hay can thiệp vào bài làm của thí sinh với bất cứ lý do gì. Điểm của bài thi được làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng môn và bài thi tổ hợp.
Các tệp dữ liệu và kết quả chấm thi chính thức được xuất từ phần mềm và tiếp tục sao lưu trong hai bộ đĩa CD giống nhau. Dữ liệu này được niêm phong và bàn giao tương tự đĩa của các bước trên.
Ngày 10/7, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để phục vụ cho công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Sở đã điều động gần 800 giáo viên.
Trong số này, giáo viên chấm bài thi tự luận được huy động đông nhất với hơn 532 người, số giáo viên chấm bài thi trắc nghiệm khách quan là 53 người, số còn lại tham gia công tác làm phách, bảo đảm công tác chấm thi… Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội còn điều động 30 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra chấm thi, bao gồm cả thanh tra chấm thi tự luận, trắc nghiệm, làm phách… Các giáo viên chấm thi đều được xét nghiệm SARS CoV-2 trước khi nhận nhiệm vụ.
Khu vực chấm thi được chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn theo quy chế thi và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và có công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày.
Bích Thảo (T/h)