Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 4: Từ vụ kiện của Philippines, kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc cho chúng ta thấy rõ biện pháp tài phán là một công cụ mà các thành viên của Công ước Luật biển 1982 có thể sử dụng để đối phó với các vi phạm của nước lớn.

(ĐSPL) - Vụ kiện giữa Philipines và Trung Quốc cho chúng ta thấy rõ biện pháp tài phán là một công cụ mà các thành viên của Công ước Luật biển 1982 có thể sử dụng để đối phó với các vi phạm của nước lớn. Trước Toà quốc tế, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều bình đẳng và đều có cơ hội như nhau để giành chiến thắng.

Vụ kiện của Philipines - Trung Quốc trước Tòa Trọng tài quốc tế

Ngày 22/1/2013, Philipines quyết định nộp đơn khởi kiện Trung Quốc ra trước Tòa Trọng tài quốc tế (được thành lập và hoạt động dựa trên các quy định trong Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982). Ngay lập tức, Trung Quốc đã trả lại đơn kiện và tuyên bố không tham gia vào vụ kiện này. Tuy nhiên, việc Trung Quốc từ chối không tham gia vào quá trình tranh tụng không làm cho vụ kiện phải dừng lại. Theo đúng quy định của Công ước, Tòa Trọng tài vẫn được thành lập và ngày 30/3/2014, Philipines đã đệ trình Bản Tranh tụng dài gần 4.000 trang lên cơ quan Trọng tài. Trong Tuyên bố khởi kiện, Philipines yêu cầu Tòa tuyên bố yêu sách đường lười bò là không có giá trị pháp lý quốc tế cũng như yêu cầu Tòa xác định các vùng biển xung quanh các đảo và bãi nửa nổi nửa chìm. Từ đó, Philipines cũng yêu cầu Tòa tuyên Philipines có các quyền chủ quyền và quyền tài phán trong các vùng biển thuộc về nước này theo quy định của Công ước Luật biển 1982.

Bãi cạn Scarborough - tâm điểm căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc.

Việc Trung Quốc từ chối không tham gia vụ kiện thể hiện Trung Quốc đang né tránh phải xuất hiện trước một cơ quan tài phán quốc tế để giải thích và làm rõ các yêu sách mập mờ và phi lí của Trung Quốc trên biển Đông. Thái độ này cũng khẳng định một lần nữa lập trường của Trung Quốc kiên quyết giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo con đường song phương, loại trừ mọi sự tham gia của bất kỳ bên thứ ba nào khác. Chính vì thế, vụ kiện này được xem là một bước đi hết sức táo bạo của Philippines, đánh dấu lần đầu tiên tranh chấp trên biển Đông được đưa ra trước một cơ quan tài phán quốc tế.

Việt Nam có thể học tập gì từ Philipines?

Khi xem xét Tuyên bố khởi kiện của Philipines, có thể thấy một số vấn đề mà Philippines nêu ra cũng là những vấn đề mà Việt Nam nói riêng và các bên tranh chấp khác trên biển Đông nói chung cùng quan tâm. Sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 cùng các hành vi gây hấn và ngang ngược của nước này tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong thời gian gần đây đã làm dấy lên câu hỏi liệu Việt Nam có nên học tập Philippines đưa Trung Quốc ra trước tòa quốc tế?

Rõ ràng, trong các bên tranh chấp trên biển Đông, Philippines và Việt Nam là hai quốc gia phải thường xuyên đối mặt với các hành vi vi phạm và gây hấn nhất từ phía Trung Quốc. Cả hai cũng đều là những nước đi đầu trong việc đưa ra những biện pháp mạnh mẽ và kiên quyết để phản đối Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao và trên thực địa. Trong những năm trở lại đây, Trung Quốc đều đã có những hành động đe dọa và xâm phạm trực tiếp đến chủ quyền và các quyền hợp pháp của hai nước theo luật quốc tế. Điển hình như đối với Việt Nam là sự kiện cắt cáp tàu Bình Minh 02, sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, còn đối với Philippines là tranh chấp đối với bãi cạn Hoàng Nham năm 2012, bãi Cỏ Mây năm 2014. Chính những sự tương đồng này, cùng với việc Philippines đưa Trung Quốc ra trước một cơ quan tài phán quốc tế, để ngỏ khả năng Việt Nam có thể học tập từ kinh nghiệm của Philipines.

Tàu của Trung Quốc liên tiếp gây hấn và phun vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam.

Về nguyên tắc, cả Việt Nam, Philippines và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Luật biển 1982, vì vậy Việt Nam hoàn toàn có thể như Philippines, sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước để đưa Trung Quốc ra trước Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, việc kiện Trung Quốc ra trước cơ chế của Công ước Luật biển 1982 không hề dễ dàng. Năm 2006 Trung Quốc đã đưa ra Tuyên bố  theo quy định của Công ước loại trừ thẩm quyền của Tòa Trọng tài đối với một số vấn đề tranh chấp, trong đó có phân định biển, các hoạt động chấp pháp liên quan đến nghề cá và nghiên cứu khoa học biển, hoạt động quân sự…

Hơn nữa, Tòa cũng không có thẩm quyền đối với các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, do đây là những vấn đề nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước Luật biển 1982. Thực tế này đòi hỏi bất cứ một quốc gia nào khi muốn đưa Trung Quốc ra Toà đều phải hết sức khéo léo trong cách nêu vấn đề khởi kiện sao cho các vấn đề này không rơi vào Tuyên bố loại trừ của Trung Quốc. Philippines hiểu rất rõ vấn đề này và vì thế trong đơn kiện của mình, Philipines đã chủ động tuyên bố rằng mình không có ý định đưa các vấn đề chủ quyền hay phân định biển ra trước Toà, đồng thời đã lựa chọn cách đặt câu hỏi rất khôn khéo để có thể vượt qua được rào cản pháp lý do Tuyên bố của Trung Quốc dựng nên. Đây là chiến thuật pháp lý rất hợp lý, trong trường hợp Việt Nam quyết định khởi kiện Trung Quốc, có thể học hỏi.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể học tập từ phía Philipines cách thức tiến hành khởi kiện khá bài bản và chuyên nghiệp. Toàn bộ quá trình khởi kiện đều được công khai qua các cuộc họp báo của chính phủ và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tận dụng tối đa sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế đối với vụ kiện của mình.

Không chỉ là một cuộc chiến pháp lý

Cần phải lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Philipines xuất hiện trước một cơ quan tài phán quốc tế, mà nước bị kiện lại là một nước lớn và mạnh hơn về mọi mặt. Vì vậy, chính phủ Philipines chắc chắn đã phải có một sự chuẩn bị, tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng và thấu đáo. Một trong những thuận lợi quan trọng mà Philipines có được trong quá trình theo đuổi vụ kiện chính là sự hậu thuẫn và ủng hộ mạnh mẽ từ phía Mỹ không chỉ đối với vụ kiện này mà còn các mặt khác như quân sự và chính trị với tư cách là đồng  minh chiến lược ở khu vực Đông Nam Á. Điều này đã có thể phần nào làm dịu bớt các lo ngại của Philipines khi Trung Quốc đã đáp trả lại việc khởi kiện của Philipines trên thực địa bằng các biện pháp quân sự đang có chiều hướng gia tăng.

Nhìn lại Việt Nam, trong cuộc đối đầu về chính trị, ngoại giao chống lại các hành vi sai trái của Trung Quốc trên biển Đông, đặc biệt trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 gần đây, Việt Nam đã nhận được không ít sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang thực hiện chính sách đối ngoại tự chủ, tự cường, chủ trương không liên minh quân sự với bất kỳ nước nào. Kể cả trong khối ASEAN, hiện nay vẫn tồn tại một số khác biệt trong mối quan hệ giữa các nước với Trung Quốc và vì thế tại thời điểm hiện tại, khó có thể có được một tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông. Do đó, có thể thấy trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông, khác với Philipines, Việt Nam sẽ phải tự dựa vào sức mạnh nội lực là chủ yếu.

Ths.  Nguyễn Ngọc Lan - Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao.

Bên cạnh đó, khi đưa Trung Quốc ra trước Toà Trọng tài quốc tế, bản thân Philippines cũng nhận thức được rằng một quyết định như vậy sẽ đi kèm với nhiều hệ lụy. Trung Quốc đã có tiền lệ sử dụng “chiếc gậy” kinh tế trong việc giải quyết các tranh chấp với các nước láng giềng. Riêng đối với Philippines, Trung Quốc đã từng áp dụng lệnh cấm nhập khẩu chuối từ Philippines cũng như cấm người dân Trung Quốc đi du lịch ở nước này sau khi hai bên đụng độ ở khu vực bãi cạn Hoàng Nham. Trên thực tế, sau khi Philippines khởi kiện, một lần nữa Trung Quốc đã đe doạ sẽ áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế đối với nước này hoặc ở mức độ cao hơn, thậm chí đánh vào hạ tầng cơ sở vật chất, cụ thể là ngành công nghiệp điện của Philippines, do hiện nay Trung Quốc đang nắm giữ 40\% Tập đoàn Điện lực quốc gia của nước này. Đồng thời, để gia tăng áp lực lên Philippines, Trung Quốc cũng trở nên hung hăng và khiêu khích hơn trên thực địa, ráo riết cho xây dựng các công trình, sân bay trên các bãi cạn tranh chấp, sử dụng nhiều lực lượng tàu thuyền tuần tra, bắt giữ, thậm chí tấn công ngư dân Philippines.

Từ trường hợp của Philippines, không khó để hình dung Trung Quốc cũng có thể có những động thái đáp trả tương tự cho Việt Nam trong trường hợp Việt Nam khởi kiện. Trước mắt, trước thái độ kiên quyết của Việt Nam trong các sự kiện xảy ra gần đây, Trung Quốc đã không ngần ngại đưa ra các lời đe dọa và bước đầu thực hiện một số biện pháp về kinh tế. Hiện nay, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta, do đó, bất cứ một biện pháp trừng phạt, cấm vận kinh tế nào từ phía Trung Quốc cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của nước ta hiện chỉ vừa thoát khỏi suy thoái. Các hoạt động quân sự leo thang trên thực địa cũng sẽ luôn đặt chúng ta trong tình trạng cảnh giác cao độ, và phải luôn tìm cách đối phó kịp thời để tránh các đụng độ nghiêm trọng hơn về quân sự hoặc thậm chí chiến tranh nổ ra.

Nói tóm lại, vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc cho chúng ta thấy rõ biện pháp tài phán là một công cụ mà các thành viên của Công ước Luật biển 1982 có thể sử dụng để đối phó với các vi phạm của nước lớn. Trước Toà quốc tế, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều bình đẳng và đều có cơ hội như nhau để giành chiến thắng. Tuy nhiên các cuộc đấu tranh pháp lý không đơn thuần chỉ là cuộc đấu trí giữa luật sư hai bên trước Toà và các thẩm phán, mà đằng sau nó luôn đan xen các mối quan hệ phức tạp và tiềm ẩn những hệ luỵ trên nhiều mặt cần phải được xem xét và tính toán kỹ lưỡng. Trong trường hợp các biện pháp ngoại giao đều không đem lại kết quả như mong muốn trong việc bảo vệ các quyền hợp pháp của Việt Nam theo luật quốc tế, việc sử dụng các biện pháp tài phán không nên bị loại trừ.

Ths. Nguyễn Ngọc Lan (Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao)

Tin nổi bật