Phường Liên Mạc được thành lập theo Nghị quyết 132/NĐ-CP ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng diện tích đất của phường Liên Mạc là 641,77ha. Trong đó, đất phi nông nghiệp chiếm 409,83 ha; đất nông nghiệp chiếm 187,66ha; đất chưa sử dụng chiếm 44,28 ha. Diện tích đất công, đất nông nghiệp, đất bãi ven sông hiện nay trên địa bàn phường là 42,66 ha, chiếm khoảng 22,73% đất nông nghiệp.
Với lợi thế có quỹ đất bãi ven sông lớn chính vì vậy trên địa bàn phường Liên Mạc cũng xuất hiện nhiều bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD. Bên cạnh một số doanh nghiệp làm ăn chân chính thì khu vực ven sông tại phường này lại xuất hiện nhiều cá nhân tổ chức hoạt động có hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới tài nguyên môi trường và ANTT địa bàn.
Ngang nhiên đào bới đất ven sông tại phường Liên Mạc
Trước tình hình đó, ngày 11/9/2018, tổ công tác của UBND phường Liên Mạc, đừng đầu là ông Nguyễn Văn Ngà (thời điểm đó là Chủ tịch UBND phường Liên Mạc) tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với một số cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực đê điều, đất đai trên địa bàn phường.
Trên cơ sở đó, ngày 20/11/2018, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số cá nhân với lý do mua khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Đồng thời, tiến hành tịch thu tang vật liên quan. Công an TP Hà Nội cũng nhanh chóng vào cuộc tiến hành bắt giữ một số vụ khai thác cát trái phép tại đoạn sông Hồng chảy qua địa bàn phường Liên Mạc. Từ đây, tình hình vận chuyển, tập kết vật liệu xây dựng, xe quá khổ quá tải, ô nhiễm môi trường phần nào được cải thiện, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Tái diễn tình trạng vi phạm
Tuy vậy, tình trạng trên chỉ duy trì được trong một khoảng thời gian. Năm 2019, thời điểm UBND phường Liên Mạc có sự thay đổi về lãnh đạo, cụ thể ông Nguyễn Huy Tưởng được bổ nhiệm nắm giữ chức vụ Chủ tịch phường Liên Mạc thì hoạt động vi phạm lại nhen nhóm bùng phát trở lại.
Theo ghi nhận của PV, trong thời gian cuối cuối năm 2019 đến nay, tại khu vực đất bãi ven sông Hồng thuộc tổ dân phố Yên Nội 1, một số tổ chức, cá nhân đã ngang nhiên đào xới đất bãi ven sông Hồng làm biến dạng hàng ngàn m2 đất tại đây. Hình ảnh từ trên cao mà PV Đời sống và Pháp luật ghi lại từ đầu năm 2021 đến đầu năm 2022 cho thấy nhiều khu bãi nổi đã biến mất.
Chỉ một thời gian ngắn hiện trạng ven sông Hồng tại phường Liên Mạc đã bị biến dạng. Một số bãi nỗi đã biến mất.
Thay vào đó là hình ảnh những núi cát khổng lồ không rõ nguồn gốc xuất hiện sừng sững án ngữ bờ sông. Kéo theo là hoạt động của xe quá khổ quá tải gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận bức xúc. Người dân còn thông tin, đêm đến máy móc hoạt động không ngừng nghỉ, tiếng máy nổ vang cả một đoạn sông. Một đồng nghiệp nhiều năm viết bài điều tra về cát tặc trong nhóm PV tham gia quá trình xác minh thông tin người dân cung cấp cho rằng, thứ âm thanh trên cùng với những tàu trọng tải lớn đang nổ máy gần đó nhiều khả năng ở đây đang diễn ra hoạt động khai thác.
Tái diễn tình trạng xe quá khổ quá tải trên địa bàn phường Liên Mạc
Sau nhiều buổi ghi hình tại thực địa, PV Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với ông Nguyễn Huy Tưởng, Chủ tịch UBND phường Liên Mạc để cung cấp thông tin cho đơn vị này làm căn cứ để kiểm tra xử lý.
Ông Tưởng cho biết, khu vực mà PV phản ánh trước đấy cũng đã bị UBND phường lập biên bản và TP Hà Nội đã có quyết định xử lý vi phạm. Người vi phạm là ông Nguyễn Văn Doanh, người địa phương do vi phạm trong lĩnh vực đê điều tại tổ dân phố Yên Nội trên địa bàn phường này. Ông Doanh đã có hành vi tự ý tập kết cát đen lên mặt bằng diện tích đất bãi ven sông Hồng thuộc tổ dân phố Yên Nội 1, phường Liên Mạc, với khối lượng khoảng 9500m3.
Ông Doanh cam kết sẽ không tự ý tập kết cát thêm và hoàn trả lại mặt bằng diện tích đất như hiện trạng ban đầu.
Về việc một số đối tượng đang đào xới múc đất ven sông, phía UBND phường sẽ cho xác minh lại.
Khu vực ven sông Hồng tại phường Liên Mạc luôn có nhiều tàu túc trực.
Ông Tưởng cho biết, đơn vị thường xuyên rà soát, kiểm tra công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường trên địa bàn phường. Cùng với đó, tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về Luật đất đai, trật tự xây dựng, quản lý đê điều. Qua đó, tình hình an ninh trật tự phần nào được đảm bảo, các vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ đê điều cơ bản được kiểm soát. Số vụ vi phạm cũng từng bước được xử lý.
Khi PV đặt câu hỏi vì sao UBND phường thường xuyên rà soát mà lại không nắm được vi phạm thì ông Tưởng không trả lời. Thay vào đó, vị này cảm ơn những thông tin mà PV cung cấp và khẳng định sẽ cho kiểm tra, đồng thời chỉ đạo lực lượng CA phường lập chốt tại khu vực trên.
Không như những gì vị Chủ tịch phường Liên Mạc đã nói, hành vi vi phạm tại khu vực mà PV thông tin vẫn không được xử lý. Hàng ngày khu vực bến bãi trái phép vẫn ngang nhiên tập kết và sử dụng xe tải trọng lớn vận chuyển VLXD ra vào như chỗ không người. Đến nay phía UBND phường Liên Mạc vẫn chưa có thông tin nào về việc kiểm tra hoặc xử lý vi phạm trả lời báo chí.
Liên quan đến những thông tin trên, lãnh đạo Hạt đê điều quận Bắc Từ Liêm đã có buổi khảo sát tại thực địa cùng PV Đời sống và Pháp luật. Sau đó đơn vị này đã có văn bản đề nghị UBND phường Liên Mạc nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn xử lý.
Trên cơ sở đó, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo lực lượng Công an TP Hà Nội và UBND quận Bắc Từ Liêm nhanh chóng vào cuộc để làm rõ, qua đó chấn chỉnh tình trạng tái diễn vi phạm, nhờn luật.
Trong một diễn biến khác, sau khi Đời sống và Pháp luật đăng tải tuyến bài liên quan đến việc xâm chiếm đất công tại địa bàn phường Thượng Cát, mới đây bạn đọc thông tin trên địa bàn phường Liên Mạc cũng xuất hiện tình trạng một số đối tượng ngang nhiên quây tôn cho đổ chất thải, đất đá nhằm san lấp, lấn chiếm một khu đất rộng hàng ngàn m2.
Khu vực người dân phản ánh tình trạng đất bị xâm chiếm, san lấp trái phép
Những thông tin mà bạn đọc quan tâm về việc xử lý vi phạm cũng như tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến các quy định pháp luật như:
Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tài; khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; đê điều; Nghị định Số: 91/2019/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Điều 228, Điều 235, Bộ luật hình sự 2017 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;... sẽ được Đời sống và Pháp luật sẽ thông tin trong phóng sự tiếp theo.