Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 2 - Bắc Từ Liêm (Hà Nội) : 24 triệu đồng cho vụ chiếm gần 1.000m2 đất công. Ai sợ?

(DS&PL) -

Mặc dù hành vi lấn chiếm đất công tại quận Bắc Từ Liêm đã được chỉ rõ, nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND quận này chỉ áp dụng Nghị định số 104/2017/NĐ-CP, ngày 14/9/2017 của Chính Phủ, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; đê điều.

Như Đời sống và Pháp luật thông tin, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm thường xuyên xuất hiện hàng chục xe tải cỡ lớn, cùng máy xúc tiến hành đổ phế thải để san lấp một khu đất rộng cả ngàn m2. Sự việc diễn ra rầm rộ nhưng các cơ quan chức năng phường và quận Bắc Từ Liêm lại không hề hay biết. Chỉ khi nhận được thông tin từ PV, các cơ quan này mới vào cuộc kiểm tra.

Theo biên bản ngày 27/7/2021, người có hành vi vi phạm là một công dân trú tại địa phương. Diện tích đất bị xâm chiếm là đất nông nghiệp rộng 958m2 và đã bị đổ đất san lấp hết phần diện tích trên. Ngoài ra ông này còn có hành vi lấn chiếm bãi sông, lòng sông làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục tại một phần thửa đất số 09, tờ bản đồ số 9 với diện tích chiếm đất là 958m2.

 

Khu đất bị lấn chiếm, tập kết chất thải.

Căn cứ các báo cáo của UBND phường, ngày 18/08/2021, UBND quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, xử phạt 24.000.000 đồng với 2 hành vi lấn chiếm lòng sông, bãi sông; Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều với khối lượng là 3.832m3.

Có dấu hiệu bỏ lọt vi phạm

Như đã thông tin trong phóng sự trước, việc xử lý vi phạm của UBND quận Bắc Từ Liêm đang có dấu hiệu bỏ lọt vi phạm chưa xử lý nghiêm, khiến ông này đang có dấu hiệu tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm. 

Tại hồ sơ UBND phường cung cấp chỉ rõ các vi phạm trên đất tại đây: Chiếm đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa tại một phần thửa đất số 09, tờ số 9, diện tích chiếm đất là 958m2. Ngoài ra còn có hành vi: Lấn chiếm bãi sông làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp khắc phục tại thửa đất nói trên và đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông với chiều cao trung bình 4m, khối lượng là 3.832m3. 

 

UBND phường chỉ rõ hành vi chiếm đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa.

Thế nhưng, UBND quận Bắc Từ Liêm chỉ áp dụng Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tài; khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; đê điều.Trong khi đó hành vi chiếm đất công lại không được các cơ quan này nhắc đến. 

Theo Nghị định Số: 91/2019/NĐ-CP, vi phạm về việc lấn chiếm đất đai có thể bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, theo Điều 228 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 người chiếm  đất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm tù. Về hành vi lấn, chiếm đất nếu đáp ứng hết tất cả các điều kiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.  

Qua nghiên cứu tìm hiểu của PV, với vi phạm này có thể đối mặt với hình phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng và cải tạo không giam giữ từ 03 năm hoặc phạt tù 7 năm theo điều 228 BLHS năm 2015 về “Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” nếu ông này tiếp tục có hành vi lấn chiếm đất đai.

Ngoài việc chưa xử lý hành vi chiếm đất, phía UBND quận Bắc Từ Liêm cũng không cho kiểm tra số chất thải mà người này chôn lấp là loại chất thải gì, có gây ảnh hưởng tới môi trường hay không? Qua đó làm căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về công tác quản lý, xử lý vi phạm  trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường của cơ quan này.

Theo một người làm công tác xử lý chất thải thì 3.832m3 đất đá thải được chôn lấp như đề cập ở trên, nếu quy đổi ra sẽ vào khoảng 4 triệu kilôgam. Người này cho biết, đây là một con số không hề nhỏ. Nếu các cơ quan chức năng làm rõ hành vi phạm tội thì người chôn lấp sẽ bị phạt rất nặng theo Khoản e, Điều 235, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể,  hành vi  chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật 500.000 kilôgam trở lên thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

 

Cận cảnh số phế thải được trôn lấp tại khu đất bị lấn chiếm.

Trả lời nội dung liên quan đến vụ lấn chiếm đất công, tập kết chôn lấp chất thải trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội có thể bị xử lý hình sự hay không, Luật sư Giang Hồng Thanh Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: cần làm rõ chất thải gồm loại chất thải nào, số lượng từng loại, có phải là chất thải nguy hại không từ đó mới kết luận có thể xử lý hình sự đối với hành vi “đổ trộm” chất thải ở trên.


Mới đây, cơ quan chức năng địa phương thông tin tới PV, người có hành vi vi phạm đã cam kết di chuyển số đất phế thải ra khỏi khu vực trên. Tuy nhiên, tại buổi khảo sát kiểm tra hiện trạng đê điều cùng Hạt Đê điều quận Bắc Từ Liêm, tại khu vực bị lấn chiếm và tập kết phế thải, hàng rào tôn vẫn chưa bị phá bỏ. Phía trong khu vực bị quây tôn, máy xúc vẫn thực hiện đào xới đất để một nhóm người trồng cây lâu năm tại đây và không có dấu hiệu của việc khôi phục hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm.

Đại diện Hạt Đê điều quận Bắc Từ Liêm cho biết, đơn vị này sau khi phát hiện vi phạm đã có văn bản gửi UBND phường để đôn đốc việc xử lý vi phạm. 

Theo tìm hiểu của PV, chính việc xử lý không mạnh tay với các trường hợp vi phạm khiến tình trạng lấn chiếm đất diễn biến rất phức tạp hoạt động có dấu hiệu mang tính chất ổ nhóm. Thống kê của chính UBND phường có khoảng 119.241m2 đất trên địa bàn phường này bi lấn chiếm.

Theo UBND phường, trên địa bàn phường này có khoảng  119.241m2 đất bi lấn chiếm.

Đề nghị Lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo các cơ quan chức năng UBND quận và lực lượng Công an quận vào cuộc làm rõ hành vi xâm chiếm đất công trên địa bàn và cần kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của số phế thải của trường hợp vi phạm bên trên đã chôn lấp, qua đó làm căn cứ để xử lý.

Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin trong phóng sự sau.

Tin nổi bật