Buông lỏng quản lý khiến vi phạm tràn lan
Trong hai bài trước của tuyến bài về quản lý đất đai tại Bắc Từ Liêm, PV đã đưa ra một ví dụ về trường hợp xử lý vi phạm chưa “đến nơi đến chốn”. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa dừng lại tại đây.
Theo tìm hiểu của PV, trước đó UBND TP Hà Nội đã ra nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố. Trên tinh thần đó, UBND quận Bắc Từ Liêm cũng có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn quận.
Căn cứ vào những chỉ đạo đó ngày 30/1/2018 UBND phường có văn bản số 124 về việc giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và công trình trên đất tại khu bãi Lâm Sản.
Theo đó, tại khu vực tổ dân phố Đông Ba 3, 100% không có Quyết định, hợp đồng về việc giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền; một số trường hợp ký hợp đồng thỏa thuận giao khoán lợi nhuận trên đất và nộp tiền sử dụng đất cho hợp tác xã Đông Ba là vi phạm các quy định pháp luật về đất đai. 100% công trình xây dựng trên đất đều không phép, không đúng theo quy định. Các tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh sản xuất đều không có cam kết, đề án bảo vệ môi trường; không có phương án phòng cháy chữa cháy, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy còn thiếu… Đồng thời, nhiều hộ không có giấy phép đăng ký kinh doanh.
Hàng trăm nhà xưởng xây dựng, hoạt động trái phép.
Trong khi chờ chủ trương của TP Hà Nội và quận Bắc Từ Liêm, UBND phường yêu cầu các tổ chức cá nhân đang sử dụng đất giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, công trình xây dựng trên đất; chấm dứt tình trạng ký hợp đồng thỏa thuận giao khoán lợi nhuận với hợp tác xã Đông Ba; chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, những vi phạm được UBND phường này chỉ ra không có dấu hiệu suy giảm mà còn diễn biến phức tạp hơn.
Tình trạng vi phạm gây bức xúc trong nhân dân.
Chính vì vậy, ngày 25/6/2019, ông Trần Thế Cương, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho rằng, tình trạng vi phạm ở trên gây bức xúc trong dư luận nên đã chỉ đạo UBND phường tổ chức chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực vi phạm; yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân di chuyển toàn bộ tài sản, tháo dỡ các công trình trái phép; lập biên bản xử lý theo quy định đối với các trường hợp phát sinh mới vi phạm; phối hợp với Công an quận điều tra xử lý các vấn đề vi phạm.
Ông Trần Thế Cương cũng chỉ đạo lực lượng Công an Quận điều tra xử lý về việc thu nguồn kinh phí trái phép tại khu vực trên và vấn đề tạm trú tạm vắng, phòng cháy chữa cháy, chuyển nhượng mua bán đất trái phép; kiểm tra làm rõ việc thu tiền, ký hợp đồng cho thuê đất của HTX Đông Ba cũng như các trường hợp chuyển nhượng, mua bán đất trái phép trong hành lang thoát lũ.
Xử lý vi phạm theo kiểu “Đầu voi đuôi chuột”
Sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận, ngày 17/7/2019, UBND phường tiếp tục ra văn bản với tinh thần “quyết tâm, mạnh tay” xử lý vi phạm tại khu vực mà lãnh đạo quận này đã chỉ ra.
Đơn vị này yêu cầu, đối với các tổ chức, cá nhân khu vực lâm sản tổ dân phố Đông Ba 3 chấm dứt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, di chuyển toàn bộ nhà xưởng, máy móc, thiết bị, tài sản ra khỏi khu vực. Thời hạn trước ngày 31/12/2019. Sau thời gian trên, nếu các tổ chức, cá nhân không thực hiện thì UBND phường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra lập biên bản vi phạm, cắt nước, cắt điện và tổ chức cưỡng chế giải tỏa.
Trên thực tế, sau ngày 31/12/2019, các cơ sở sản xuất trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động. UBND phường không có kế hoạch hay tham mưu cho UBND quận Bắc Từ Liêm để thực hiện cưỡng chế như đã “mạnh miệng” tuyên bố trước đó. Thay vào đó, vị chủ tịch UBND phường này liên tục có báo cáo đề xuất với UBND quận là giữ nguyên hiện trạng khu vực trên.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài đề xuất "giữ nguyên hiện trạng" khiến vi phạm không được xử lý dứt điểm mà thời gian qua còn phát sinh vi phạm mới. Dư luận cho rằng, phía UBND phường đang có dấu hiệu “bật đèn xanh” cho hoạt động sản xuất kinh doanh trái phép tại khu vực trên. Việc để các nhà xưởng không đảm bảo phòng cháy chữa cháy hoạt động, khiến những năm gần đây đã xảy ra tình trạng cháy nhà xưởng tại đây làm người dân hết sức lo sợ.
Qua một số tài liệu mà PV thu thập được thì thông tin của người dân phản ánh là có cơ sở. Cụ thể, dù UBND quận đã chỉ đạo chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực vi phạm; yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân di chuyển toàn bộ tài sản, tháo dỡ các công trình trái phép; lập biên bản xử lý theo quy định đối với các trường hợp phát sinh mới vi phạm; phối hợp với công an quận điều tra xử lý các vấn đề phi phạm nhưng không hiểu vì lý do gì trong năm 2021 UBND phường lại xác nhận hồ sơ cho 7 trường hợp để đủ điều kiện lắp đặt sử dụng công tơ điện 3 pha với mục đích sản xuất.
Ngoài ra, Công ty Điện lực quận Bắc Từ Liêm cho biết đến thời điểm làm việc với PV đơn vị này vẫn chưa nhận được đề nghị của phường về việc tạm ngừng cung cấp điện tại khu vực vi phạm.
Ngoài việc nhà xưởng xây dựng và hoạt động trái phép theo người dân sinh sống tại đây cho biết họ lo lắng cho tình trạng bến bãi tập kết cát gây ô nhiễm môi trường kéo theo tình trạng xe quá khổ quá tải hoành hành.
Về vấn đề trên, UBND phường cho biết trên địa bàn có khoảng 10 bến bãi tập kết vật liệu trong đó chỉ 2 bến bãi tập kết của Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu Hoàng Binh và Công ty TNHH Xây dựng và Vận tải Hoàng Minh là có giấy phép. Phía UBND phường cũng lập hồ sơ và xử lý vi phạm. Đơn vị này cũng yêu cầu các tổ chức cá nhân ngừng tập kết vật liệu xây dựng và di chuyển toàn bộ, lập rào chắn bãi sông ngăn chặn việc tập kết.
Nhiều bến bãi hoạt động trái phép gây nên tình trạng bụi bẩn và xe quá tải hoành hành.
Phía phường cũng tổ chức thông báo giải tỏa dứt điểm các bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép phục vụ công tác đấu giá đến 10 trường hợp hoạt động trái phép.
Ghi nhận thực tế về vấn đề trên, PV Đời sống và Pháp luật nhận thấy việc thực hiện xử lý vi phạm của phường vẫn chỉ nằm trên giấy. Tại các khu vực sát sông Hồng những núi cát vẫn sừng sững án ngữ, những chiếc xe trọng tải lớn cơi nới thành thùng cùng những chiếc tàu cát vẫn ngày đêm di chuyển vào đây để bốc xúc, tập kết vật liệu xây dựng.
Quy định của pháp luật trong việc tuyên truyền, xử lý vi phạm
Qua những vấn đề trên có thể nhận thấy, công tác tuyên truyền phổ biến của cơ quan chức năng tới người dân chưa thực sự hiệu quả. Đồng thời, việc xử lý vi phạm của UBND phường đang có nhiều vấn đề bộc lộ yếu kém của lãnh đạo đơn vị này khiến vi phạm tràn lan về đất đai.
Qua nghiên cứu tìm hiểu và căn cứ vào các quy định của pháp luật thì những trường hợp vi phạm mà UBND phường chỉ ra đều có dấu hiệu vi phạm:
Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tài; khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; đê điều.
Nghị định Số: 91/2019/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Điều 228, Điều 235, Bộ luật hình sự 2017 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nghị Định số 167/2013/NĐ/CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy.
Hình ảnh một vụ cháy xảy ra tại khu vực ngoài đê sông Hồng.
Đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra làm rõ những tồn tại, vi phạm trên địa bàn và xem xét trách nhiệm của UBND phường cũng như cá nhân vị chủ tịch tại đây với vai trò là người đứng đầu trong việc quản lý, xử lý vi phạm.
Qua đó, tránh gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về đất đai, môi trường tới người dân một cách thiết thực, hiệu quả hơn.
Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin trong phóng sự sau.