Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 35: Bước vội vã, EVN bỏ rơi... “cộng sự”?!

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trong khi chưa tìm được điểm chung với các cộng sự "than" và "khí" về quy hoạch điện, EVN lại vồn vã cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện các dự án nhiệt điện, khiến sự việc càng thêm rối...

(ĐSPL) - Để đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng cũng như phục vụ đời sống nhân dân, theo các nhà khoa học, EVN cần giải quyết được "nút thắt" vốn bất cập bấy lâu giữa quy hoạch điện với than và quy hoạch điện với khí... Trong khi chưa tìm được điểm chung với các cộng sự này, EVN lại vồn vã cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện các dự án nhiệt điện, khiến sự việc càng thêm rối...

Than, khí tránh phụ thuộc... Trung Quốc

Thông điệp trên được phát đi từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) sau khi cử một phái đoàn bao gồm các giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia đầu ngành năng lượng đi khảo sát thực tế một số đơn vị thành viên, các nhà máy phát điện, các dự án đầu tư xây dựng, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhằm tìm hiểu tình hình hoạt động, những khó khăn, bất cập, vướng mắc và các nguyên nhân khiến ngành năng lượng luôn rơi vào tình trạng trì trệ.

Đây cũng được coi là "hành trình" truy tìm nguyên nhân khiến EVN và các đơn vị khác loay hoay trong vòng xoáy đầy "bận rộn" với nhà thầu Trung Quốc trong các dự án nhiệt điện.

Theo VEA, một ví dụ điển hình cho thấy mâu thuẫn khi Quy hoạch điện VII yêu cầu Nhà máy nhiệt điện Na Dương II đưa vào vận hành năm 2018, thế nhưng trong Quy hoạch than (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau Quy hoạch điện) lại quy định mỏ than Na Dương đạt 1,2 triệu tấn/năm vào 2015, trong khi nhà máy nhiệt điện Na Dương I chỉ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn/năm.

Như vậy, than sản xuất ra sẽ không có nơi tiêu thụ, vì loại than này chỉ có thể sử dụng cho phát điện của các nhà máy điện Na Dương I và Na Dương II.

Một minh chứng khác cho thấy sự bất cập giữa ngành điện và ngành khí khi Quy hoạch điện VII cho thấy, các nhà máy điện trong trung tâm Điện lực ô Môn, như ô Môn III đưa vào vận hành năm 2015, ô Môn IV và ô Môn II vào vận hành năm 2016, trong khi đó Quy hoạch khí đã được Thủ tướng phê duyệt trước Quy hoạch điện VII thì đường ống Lô B-ô Môn dài 398km, công suất 7 tỷ m3/năm bắt đầu vận hành vào năm 2014. Như vậy, phải nằm chờ mất hơn một năm sau khi hoàn thiện, khí mới có điểm đáp.

Theo một số liệu mà PV báo Đời sống và Pháp luật thu thập được từ ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy, đến năm 2010, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than đạt khoảng 4.500MW, cao hơn so với Chiến lược phát triển ngành điện khoảng 100MW.

Trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 2011-2020, các nhà máy nhiệt điện than được dự kiến phát triển với tổng công suất cao hơn nhiều so với 4.500-5.500MW nêu trong Chiến lược phát triển ngành điện.

Trong đó, một phần đáng kể của công suất nhà máy nhiệt điện than được thiết kế ở miền Nam nhằm tăng cường khả năng cung cấp điện cho khu vực này. Vì thế, tình trạng thiếu than sẽ diễn ra từ năm 2015 đến năm 2020. Đến năm 2015, tổng công suất nguồn điện chạy than lên đến trên 43.660MW, trong khi dự báo nhu cầu than năm 2015 khoảng 78 triệu tấn/năm.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, Quy hoạch ngành Điện, Than, Dầu khí đang có những bất cập. Thông thường, muốn có quy hoạch điện hợp lý phải sau thời gian phê duyệt quy hoạch phát triển phân ngành năng lượng sơ cấp như than, dầu khí mới đồng bộ.

Tuy nhiên, năm 2011 chúng ta có Quy hoạch điện VII, nhưng đến đầu năm 2012 mới có Quy hoạch ngành Than giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Nhiều chuyên gia khi được PV báo Đời sống và Pháp luật đặt câu hỏi cho rằng, trong khi các quy hoạch than, điện, khí thiếu đồng bộ thì EVN lại cho các nhà thầu Trung Quốc thực hiện quá nhiều dự án nhiệt điện càng khiến cho tình hình an ninh năng lượng trở nên bất ổn. Câu hỏi đặt ra là các nhà máy nhiệt điện sẽ lấy nguyên liệu từ đâu để chạy khi thiếu sự đồng bộ "cung - cầu".

Bên cạnh đó sẽ tăng thêm mối lo về việc công nghệ của Trung Quốc không tương thích với nguồn than vốn có trong nước. Nghịch lý sẽ diễn ra, nếu chúng ta muốn duy trì hoạt động các nhà máy nhiệt điện này phải nhập khẩu than tương thích, trong khi các mỏ than trong nước lại dư thừa. Khi đó, Việt Nam phải phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc cả về công nghệ lẫn nguồn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.

EVN có vội vã để nhà thầu Trung Quốc "nhảy" vào các dự án nhiệt điện khi quy hoạch các ngành còn bất cập?

Giám sát triệt để các dự án nhiệt điện

Trước những bất cập đã nêu, VEA đã đưa ra đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương chỉ đạo việc lập và triển khai thực hiện các quy hoạch phân ngành năng lượng sao cho đảm bảo tính thống nhất và tính đồng bộ. Quy hoạch phát triển điện lực phải được lập phù hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, nguyên tử) cho phát điện, bao gồm các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Cũng theo VEA, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tổ chức nghiên cứu, rà soát nhu cầu năng lượng, khả năng đáp ứng của các nguồn năng lượng trong nước, khả năng nhập khẩu một cách tổng thể và dài hạn đến năm 2020, 2030 và xa hơn, từ đó mới hoạch định chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng hiệu quả.

Trong khi đó khi được hỏi, TS. Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng lại đưa ra nhìn nhận: Vấn đề an ninh năng lượng chỉ có thể đạt được nếu nhóm biện pháp về đảm bảo nguồn cung - đáp ứng nhu cầu hợp lý thông qua hệ thống sử dụng năng lượng.

Như vậy, các phân ngành năng lượng phải sở hữu nội lực mạnh mẽ, chủ động hoàn toàn đầu tư, tài chính, nhân sự và phần nào là giá thành thương phẩm. Chuẩn bị tốt chúng ta sẽ thoát khỏi chiếc "vòng kim cô" bấy lâu của Trung Quốc, nhất là trong các dự án nhiệt điện có sử dụng đồng bộ nhiều nguồn cung khác nhau như: Than, khí,...

Một số liệu khác cho thấy, hiện nay tổng công suất nguồn điện cả nước là 27.000MW, tổng sản lượng điện hàng năm khoảng trên 100 tỷ kWh/năm (năm 2012 là 117,85 tỷ kWh; năm 2013 khoảng 130,53 tỷ kWh).

Dự kiến, đến năm 2020 là 330 tỷ kWh, năm 2030 là 695 đến 834 tỷ kWh. Từ mốc trên 100 tỉ kWh hiện hành đến mốc xấp xỉ 700 tỷ kWh là chặng đường khá gian nan. Do vậy, theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, nếu ngành điện không có một chiến lược cụ thể đối các dự án nhiệt điện, đặc biệt các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện chắc chắn sẽ đuối sức trong việc thực hiện Quy hoạch điện VII.

"Đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo hiệu chỉnh, bổ sung, hoàn thiện và lập mới đồng bộ về thời gian Quy hoạch các phân ngành năng lượng giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, nhằm vào mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Đồng thời giám sát triệt để các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Việc làm này sẽ hỗ trợ tích cực trong việc tính toán các nhu cầu năng lượng các năm 2015 - 2020 có xét đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 nhằm phục vụ cho phát triển bền vững các ngành kinh tế", một vị chuyên gia nói với điều kiện giấu danh tính.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, nên nghiên cứu thành lập một cơ quan đủ thẩm quyền, như ủy ban An ninh năng lượng quốc gia, hoặc tái lập bộ Năng lượng, để giúp Chính phủ chỉ đạo và phối hợp thực hiện Chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.                                                

Đến nay, Việt Nam đã có 7 quy hoạch ngành Điện, 5 quy hoạch ngành Than, 3 quy hoạch ngành Dầu khí, 1 dự thảo Quy hoạch phát triển năng lượng mới & tái tạo và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2007.

Tuy nhiên, các quy hoạch này đều được xây dựng một cách độc lập, từ khi còn chưa có chiến lược phát triển năng lượng quốc gia nên sự liên kết và cân đối chung còn yếu. Có thể đây là sự vội vã của EVN trong việc để các nhà thầu Trung Quốc ồ ạt thực hiện các dự án nhiệt điện.

"Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là sự chuẩn bị các loại nhiên liệu - năng lượng sơ cấp cho phát triển nguồn điện đang thiếu sự cân đối hợp lý. Điển hình như, lượng than chuẩn bị cung cấp cho các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than trong Quy hoạch phát triển Điện lực 2011-2020, tầm nhìn 2030 (Quy hoạch điện VII) đã ngoài tầm kiểm soát của Vinacomin. Trong khi đó, các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện vẫn ồ ạt mọc lên là điều khó hiểu".

(GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam)

Tin nổi bật