Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 31: Nội lực yếu, EVN không thể “gõ cửa” các ngân hàng?!

(DS&PL) -

(ĐSPL) - EVN vẫn luôn than phiền không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng trong nước để hiện thực hóa Quy hoạch điện VII.

(ĐSPL) - EVN vẫn luôn than phiền không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng trong nước để hiện thực hóa Quy hoạch điện VII. Nhưng sự thật ít ai biết rằng, với cách điều hành trên thực tế, cụ thể là các dự án nhiệt điện, EVN đang tự làm "xấu mình" trước ánh mắt vốn bấy lâu ít "thiện cảm" của các nhà băng...

Bài ca thiếu vốn?!

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong hai năm, từ năm 2011 - 2013, EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành 22 tổ máy thuộc 10 dự án nguồn điện mới, với tổng công suất 4.838MW. Từ nay đến năm 2015, EVN tiếp tục đưa vào vận hành 14 tổ máy thuộc 9 dự án nguồn điện mới, với tổng công suất 4.946MW. Như vậy, tính chung cả giai đoạn 2011 - 2015, EVN sẽ đưa vào vận hành 36 tổ máy, với tổng công suất là 9.784MW bằng 100,8\% so với Quy hoạch điện VII. Giai đoạn 2016 - 2020, EVN dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào vận hành thêm 4.920MW công suất các nhà máy điện. Cũng theo tính toán của EVN, trong 10 năm, từ năm 2011 đến năm 2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn khoảng 1.251.500 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư thuần là 921.000 tỉ đồng, trả nợ gốc, lãi vay khoảng 330.500 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo EVN ngoài nguồn vốn tự tích lũy được, EVN đã sử dụng các hình thức huy động vốn khác như: Tín dụng ưu đãi, vay tín dụng thương mại, sử dụng vốn vay nước ngoài... Nhưng hình thức vay vốn nào cũng gặp phải những khó khăn riêng, do đó ít nhiều đều ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số dự án nguồn điện hiện nay.

Theo nguồn tin tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, hiện nay Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là những ngân hàng Thương mại đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư các dự án nguồn điện của EVN. Tuy nhiên, có ngân hàng đã ngừng giải ngân các khoản vay của EVN làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của một số dự án nguồn điện. Đáng nói là hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay vốn đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng. Nếu EVN muốn vay tiếp, các ngân hàng đều phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Trong khi đó, theo EVN, trong giai đoạn 2011 - 2020, nguồn vốn khấu hao cơ bản của công ty "Mẹ" - Tập đoàn và các tổng công ty phát điện chỉ đáp ứng nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay các hợp đồng tín dụng, phần còn lại dùng để đầu tư các dự án điện rất thấp. Lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn không đáng kể do các chi phí đầu vào tăng nhanh và do diễn biến thời tiết khó lường trước, phải phát các nguồn điện đắt tiền. Nguồn thu từ cổ phần hoá không đạt được như kỳ vọng.

Một dữ liệu khác mà PV báo Đời sống và Pháp luật thu thập được từ phía Bộ Công Thương với thông tin, trong những năm gần đây do kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên việc tích lũy nguồn vốn tự có cũng hạn chế. Để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển theo Quy hoạch điện VII, EVN đang tập trung một số giải pháp như tiết giảm chi phí, tăng doanh thu và vay vốn. Tuy nhiên, tính khả thi của tăng doanh thu trên cơ sở tăng giá điện sẽ gặp khó khăn vì phải tính đến sức chịu đựng của các doanh nghiệp, người dân và nguy cơ lạm phát của nền kinh tế...

Được biết, từ trước tới nay, hầu hết các dự án điện đều do EVN đầu tư phát triển. Nguồn vốn bao gồm: Vốn tự tích lũy; Vốn tự có trích từ lợi nhuận, quỹ khấu hao; Vốn vay trong nước (từ các ngân hàng đầu tư phát triển, ngân hàng thương mại cổ phần); Vốn vay nước ngoài (từ ODA đa phương (WB, ADB), và ODA song phương (JICA, AFD, KPF); Tín dụng người bán, tín dụng người mua; Tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA); Phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Nội lực của EVN đang là trở ngại lớn cho việc tiếp cận các nguồn vốn.

Yếu và thiếu...

Nguồn tin được phát đi từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN Việt Nam) cho thấy, thời gian qua, việc thu xếp cho các doanh nghiệp ngành điện tại các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, trong đó vốn đầu tư cho các dự án điện rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên tính hấp dẫn chưa cao, ngành điện chưa thu hút được nhiều vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc đầu tư phát triển ngành điện phần lớn do EVN và các đơn vị thành viên gánh vác. Trong khi đó, vốn tự có của EVN và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng từ 20 - 30\% tổng mức đầu tư cho các dự án điện, còn lại chủ yếu là vốn vay.

Ngoài ra, cũng theo đại diện NHNN Việt Nam, một số dự án điện có yêu cầu công nghệ, kỹ thuật phức tạp vượt quá khả năng thẩm định của các tổ chức tín dụng như: Nhiệt điện, điện hạt nhân, điện mặt trời... Nhưng đáng chú ý phải kể đến năng lực nhà thầu thi công hạn chế, chủ đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư dự án điện, thiếu kinh nghiệm quản lý đầu tư, vận hành dự án; thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng dự án điện; tài sản đảm bảo là các tài sản có tính đặc thù, có tính chuyên môn hóa cao, hầu như không có giao dịch mua bán trên thị trường; mức cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng đã rất lớn và vượt giới hạn cấp tín dụng theo quy định.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, đại diện một ngân hàng lớn là đối tác thường xuyên của EVN cho biết, với điều kiện giấu danh tính, về nguyên tắc, khi cho vay, các ngân hàng cần có tài sản đảm bảo để đảm bảo cho dư nợ. Việc nhận tài sản đảm bảo là công trình, thiết bị ngành điện là các tài sản đặc thù, có tính chuyên môn hóa cao, không thể tách rời để xử lý. Trong trường hợp có thể tách rời thì hầu như không có giao dịch mua bán trên thị trường nên rất khó chuyển nhượng. Ngoài ra, do ngành điện là ngành đặc thù, việc thẩm định các dự án điện tương đối phức tạp do các dự án phải tuân thủ quy hoạch ngành, có tính chất kỹ thuật, công nghệ cao và đặc biệt là quy mô vốn rất lớn. Trong khi đó, hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn về định mức tính toán đối với ngành điện còn rất hạn chế. Nên đừng trách vì sao EVN không được các ngân hàng tiếp tục ưu ái cho nguồn vốn vay.

Muốn tiếp cận được các nguồn vốn để tháo gỡ khó khăn cho EVN hiện nay, theo NHNN Việt Nam, thời gian tới bộ Công Thương cần thiết phải rà soát, đánh giá lại quy hoạch điện, cân đối tiến độ đầu tư của dự án đảm bảo an toàn với môi trường xã hội, đời sống nhân dân, phù hợp với năng lực tài chính và khả năng triển khai của doanh nghiệp, tránh đầu tư dàn trải, dừng các dự án công trình điện không hiệu quả. Đồng thời, thực hiện thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các dự án mà chủ đầu tư chậm tiến độ, không đủ năng lực để triển khai tiếp.

"Việc lựa chọn chủ đầu tư phải được đánh giá một cách kỹ lưỡng, chỉ giao các dự án điện cho các chủ đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư xây dựng quản lý trong lĩnh vực điện năng. Các chủ đầu tư cần nỗ lực hơn trong việc nâng cao năng lực tài chính, xây dựng phương án đầu tư phù hợp với năng lực công nghệ và nhân lực để tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng", NHNN Việt Nam nhận định.

Theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 -2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), ngành điện phải xây dựng 52 nhà máy gồm nhiệt điện chạy than, chạy khí, thủy điện và hai nhà máy điện hạt nhân. Đồng bộ với hệ thống nguồn là hệ thống truyền tải và phân phối điện trên phạm vi cả nước. Tổng vốn đầu tư cho các dự án vào khoảng 50 tỉ USD cho giai đoạn 2011 - 2020 và 75 tỉ USD cho giai đoạn 2021 - 2030. Nhưng với năng lực hiện có, EVN sẽ khó làm tròn vai theo đúng Quy hoạch điện VII.

(Còn nữa)

Tin nổi bật