Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 2: Cuốn nhật ký hơn 20 tuổi và ca đỡ đẻ đau lòng

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Người bác sỹ già cho biết, bà đã tìm thấy cuốn nhật kí mình viết năm xưa, may mắn thay bà có viết lại một trong số năm ca bà đỡ đẻ ngày hôm đó.

(ĐSPL) - Vị giám đốc công ty thám tử cho biết, rất khó để tìm được đứa bé được sinh ra tại thời điểm đó (năm 1990) chỉ với manh mối là khoảng thời gian nhập viện trong ngày cùng với cái tên của người mẹ. Bởi hai mươi năm đã trôi qua, những chi tiết chưa trọn vẹn ấy vốn dĩ quá nhạt nhòa để tìm được đứa bé năm xưa.

Khó khăn trong quá trình tìm hồ sơ lưu trữ tại bệnh viện

Phải rời bỏ đứa con mình dứt ruột sinh ra, hơn hai mươi năm qua chưa một khắc nào bà Trần Thị Mỹ không thôi mong nhớ về con, cảm giác tội lỗi luôn ám ảnh bà nhưng hơn hết là bà muốn biết đứa trẻ hiện giờ sống như thế nào, cao lớn bao nhiêu… Dù biết mình không có tư cách để nhìn lại con nhưng chỉ cần được ngắm con từ xa với bà cũng vẫn là niềm hạnh phúc quá lớn.

Nghe những lời tâm sự tràn đầy nước mắt của bà Mỹ, thương bạn héo hon mong nhớ đứa bé đêm ngày nên bà Hoàng Mai (hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh) tìm đến công ty thám tử mong giúp đỡ.

Dù biết đây là một vụ khó nhưng ông Lương Hiền Duy - Giám đốc công ty thám tử Lương Gia khẳng định sẽ cố gắng hết sức bằng khả năng nghiệp vụ và các mối quan hệ rộng rãi nhằm tìm được tung tích đứa bé để người mẹ trẻ kia được an lòng, không còn sống trong mặc cảm tội lỗi suốt hai mươi năm dài đằng đẵng.

Các thám tử đã đến tìm hiểu về ca sinh vào ngày 2/8/1990 tại bệnh viện Quân Y, tia hy vọng đang nhen nhóm bỗng vụt tắt khi trong số hồ sơ lưu trữ tại bệnh viện được tìm thấy khi đó không có người mẹ nào tên Trần Thị Mỹ.

Qua trao đổi với bà Hoàng Mai – bạn của bà Mỹ thì được biết có thể lúc đó người mẹ không dám khai tên thật của mình mà khai đại một cái tên giả nào đó, đến tận bây giờ người mẹ đó không tài nào nhớ được cái tên giả. Manh mối bây giờ chỉ còn cách tập trung tìm kiếm tất cả các bác sĩ và hộ lý trực tiếp đỡ đẻ hoặc trực vào ngày 2/8/1990.

Một lần nữa các thám tử phải nhờ đến vị tướng đã về hưu trích lục lại hồ sơ bệnh viện để tìm tên tất cả các bác sĩ và hộ lý đứng ca ngày hôm đó, nhưng để tìm được số hồ sơ từ hơn hai mươi năm trước không hề dễ dàng. Trải qua nhiều lần tổng dọn kho, số hồ sơ ấy thất lạc chỗ này chỗ kia, tìm cả một ngày trời vẫn không thấy tưởng phải bỏ cuộc tại đây thì may mắn thay, nhờ có sự giúp đỡ của một y tá tốt bụng các thám tử đã tìm thấy số hồ sơ ghi chép lịch trực của các bác sĩ và hộ lý vào năm 1990.

Số bác sĩ và hộ lý chịu trách nhiệm trực trong ngày 2/8/1990 lên đến gần hai chục người nhưng tất cả đều đã thay đổi vị trí, có người chuyển viện, người nghỉ hưu, người đã đến thành phố khác làm việc. Khó khăn chất chồng khó khăn, bởi thông tin liên lạc của họ hầu như chẳng có sổ sách nào ghi chép và chẳng ai biết.

Hành trình tìm con sau hai mươi năm trời lưu lạc. Ảnh minh họa.

Tia hy vọng từ vị bác sĩ về hưu

Trong số những bác sĩ có tên trong danh sách may mắn thay có một vị nữ bác sĩ vừa nghỉ hưu năm ngoái, bà nguyên là trưởng khoa sản cũng là người trực tiếp đỡ đẻ cho 5 sản phụ ngày hôm đó. Dò tên bà trong danh sách có được, các thám tử vô cùng mừng rỡ khi thấy tên bà trong danh sách đỡ đẻ cho 5 sản phụ, với một bác sĩ được tin tưởng giao đến 5 ca sinh trong một ngày hẳn đây là một vị bác sĩ có trình độ và tay nghề. Tia hy vọng lóe lên khi các thám tử biết được vị bác sĩ ấy vẫn ở địa chỉ cũ như đã lưu trong hồ sơ nhân sự bệnh viện.

Tiếp các thám tử tại nhà riêng, bà Hoa khá bất ngờ khi có người hỏi lại vụ việc đã trải qua hơn hai mươi năm về trước, vì thời gian đã qua quá lâu nên bà không thể nhớ được những ca đỡ đẻ của mình vào năm 1990 chứ đừng nói gì đến mốc thời gian cụ thể ngày 2/8.

Các thám tử đã thuật lại cho bà Hoa nghe câu chuyện về một người mẹ bất hạnh phải đành lòng vứt bỏ giọt máu của mình ngay khi bé vừa cất tiếng khóc chào đời, về nỗi đau và sự dày vò suốt hơn hai mươi năm qua người mẹ ấy phải mang theo và nỗi nhớ con đến nghẹn ngào, da diết trong cảnh cô đơn một mình đến tận cuối đời.

Bà Hoa không thể kìm được nước mắt khi nghe câu chuyện hai thám tử kể, bà nói kí ức của bà đã qua đi quá lâu, nhưng bà có thói quen viết nhật kí sau mỗi ca đỡ đẻ, hồi ấy bao nhiêu tâm sự, nỗi lòng bà đều trút vào nhật kí… và trong đời bà đã đỡ đẻ cho vô số các sản phụ trong đó cũng có đến hàng trăm vụ người mẹ, người cha vứt bỏ con mình sau khi bé chào đời. Vì gặp phải vô số vụ như vậy nên bà không thể nào nhớ hết, bà hứa với các thám tử sau khi tìm được cuốn nhật kí, nếu có thông tin gì sẽ liên lạc lại.

Các thám tử về Thành phố Hồ Chí Minh chờ liên lạc từ phía bà Hoa. Năm ngày sau đó công ty thám tử nhận được cuộc điện thoại từ bà Hoa, bà nói đã tìm thấy cuốn nhật kí mình viết năm xưa, may mắn thay bà có viết lại một trong số năm ca bà đỡ đẻ ngày hôm đó. Thám tử Minh và Hiếu lại tức tốc trở ra Hà Nội để gặp bà Hoa.

Gặp lại bà Hoa tại nhà của bà lần thứ hai, khuôn mặt bà tươi tỉnh hẳn khi nói rằng mình đã nhớ lại vụ việc ngày hôm đó thông qua cuốn nhật kí của mình. Sở dĩ bà viết lại một ca mình đỡ đẻ trong số năm ca ngày 2/8 là vì đó là trường hợp đau lòng duy nhất trong năm ca.

Theo bà kể, mẹ của đứa bé từ lúc nhập viện cho đến khi bỏ trốn không hề mở miệng nói câu nào, chỉ khóc từ đầu đến cuối, điều đặc biệt cô gái ấy còn rất trẻ chỉ khoảng 18, 19 tuổi, không có bất cứ một ai bên cạnh từ lúc cô trở dạ cho đến lúc em bé ra đời...

(Còn tiếp)

Tin nổi bật