Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 1: Bộ Y tế chưa cấp phép, tế bào gốc từ người đã “có mặt” ở phòng khám

(DS&PL) -

Tại Phòng khám Đa khoa ĐTH số 171 Trần Cung, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, phóng viên được tư vấn điều trị bằng tế bào gốc cuống rốn trẻ sơ sinh.

Chưa ứng dụng tế bào gốc trong làm đẹp

Thời gian qua, tràn lan các quảng cáo về sản phẩm, liệu trình trị bệnh có gắn “tế bào gốc” như một phương thuốc thần kỳ, không chỉ đẹp da, trẻ hóa hàng chục tuổi mà còn “trị” nhiều bệnh khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận.

Trên thực tế, không phủ nhận lợi ích của tế bào gốc trong việc điều trị một số bệnh cụ thể như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra. Tuy nhiên, chưa có đủ bằng chứng khẳng định liệu pháp tế bào gốc có thể giúp con người “cải lão hoàn đồng”, chữa bệnh mãn tính như tiểu đường, xơ gan, mỡ máu...

TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế).

Trao đổi với PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật, TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), nơi được coi là trạm barie về mặt kỹ thuật, kiểm soát chất lượng những công nghệ mới, vấn đề mới ở Việt Nam, cho biết, về lý thuyết, tế bào gốc là những tế bào đặc biệt trong cơ thể có khả năng tự nhân đôi (tái sinh) và phát triển (biệt hoá) thành nhiều loại tế bào khác nhau. Nhờ khả năng này, chúng có thể sửa chữa các mô bị hư hỏng.

“Trong trị liệu tế bào có rất nhiều lĩnh vực chuyên sâu như gen, miễn dịch, tế bào gốc. Tất cả những vấn đề liên quan đến trị liệu tế bào hay y học cá thể đều được coi là phương pháp mới và kỹ thuật mới, phải được quy định, quản lý bằng văn bản quy phạm pháp luật và do Bộ Y tế xem xét, thẩm định, cho phép.

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ cho phép sử dụng tế bào gốc tự thân, nghĩa là tế bào của người nào sử dụng cho đúng người đó; còn tế bào đồng loài (của người này dùng cho người khác) thì chưa. Đối với tế bào gốc từ cuống rốn trẻ sơ sinh, Bộ cũng đang nghiên cứu, xem xét để có thể sử dụng cho những người trong gia đình có cùng huyết thống.

Riêng ứng dụng tế bào gốc trong chỉ định làm đẹp vẫn đang trong quá trình triển khai nghiên cứu để đưa ra minh chứng liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của những phương pháp, liệu trình này; còn chính thức thì chưa được phép ứng dụng”, ông Quang cho biết.

Vị này nói thêm, trên cơ sở kết quả thử nghiệm lâm sàng thì Bộ Y tế mới chỉ cho phép một vài chỉ định liên quan đến tế bào gốc tự thân, ví dụ tế bào tủy xương trong điều trị các bệnh huyết học, tế bào từ mô trong điều trị bệnh liên quan đến khớp gối và chỉ thực hiện ở một số cơ sở y tế đủ điều kiện. Số ít chỉ định khác đang trong quá trình nghiên cứu như điều trị các bệnh về viêm phổi mãn tính, biến chứng của tiểu đường…

“Trường hợp cần thiết, phải trao đổi với cơ quan y tế cũng như cơ quan quản lý nhà nước để có thông tin hữu hiệu nhất và đầy đủ, tránh mất tiền mà bệnh tật vẫn không tiến triển, thậm chí còn nguy hại”, ông Quang nói.

“Cơ quan quản lý ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để tổ chức, cá nhân nghiên cứu ra những phương pháp mới, kỹ thuật mới phục vụ việc chăm sóc sức khỏe người dân, nhưng phải đảm bảo hai vấn đề là tính an toàn và hiệu quả”, vị Phó Cục trưởng nhấn mạnh.

Tế bào gốc nhau thai người có mặt ở phòng khám?

Ảnh chụp màn hình.

 

Trong vai người có nhu cầu trẻ hóa gương mặt, xóa mờ các nếp nhăn, phóng viên (PV) nhận được những lời mời chào “có cánh” từ Zalo có tên Hoan Nguyen về một loại tế bào gốc “vạn năng”.

Cụ thể, Hoan Nguyen tư vấn dòng sản phẩm cao cấp nhất là Pua 0.5g có nguồn gốc từ Nhật Bản, hiệu quả vượt trội so với các tế bào gốc thông thường. Giá của sản phẩm được chào bán ở mức 30 triệu đồng/lọ.

Dù mới liên hệ lần đầu nhưng PV đã được coi là khách vip và có thể nhận ưu đãi còn 22 triệu đồng/lọ nếu đồng ý xuống tiền. Hoan Nguyen không thông tin về địa chỉ bán hàng cũng như thực hiện dịch vụ mà khẳng định có hỗ trợ gói bác sĩ qua tận nhà tiêm.

“Em bán cho bác sĩ và thẩm mỹ viện là chủ yếu. Một tháng tiêm 1 lọ vào bắp tay hoặc 2 mông là tốt nhất”, Hoan Nguyen tư vấn.

Về tế bào gốc được quảng cáo nhập khẩu từ Nhật Bản trên thị trường, TS. Nguyễn Ngô Quang chia sẻ thêm: “Hiện nay, ở Nhật Bản, Bộ Y tế và Bảo hiểm Y tế mới chi trả một vài kỹ thuật ứng dụng tế bào gốc mà đã có minh chứng về mặt khoa học, quy định các bệnh viện hoặc Clinic đủ điều kiện thì được phép. Nó gọi là nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật tế bào gốc nhưng với điều kiện là phải giải thích và được sự chấp thuận của khách hàng. Nghĩa là thực chất, đó cũng đang là nghiên cứu chứ không phải là được ứng dụng rộng rãi”.

Không chỉ mua – bán tấp nập trên cõi mạng, khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, nhiều cơ sở tư nhân còn giới thiệu tiêm truyền cho khách tế bào gốc từ người.

Liên hệ qua số hotline trên trang Facebook có tên: “Viện Nghiên Cứu & Ứng Dụng Công Nghệ Tế Bào Gốc”, chúng tôi được nhân viên cho biết,  phòng khám ở Hà Nội có 2 cơ sở là số 155 Bùi Thị Xuân, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội và Trần Cung. Hiện tại, cơ sở Bùi Thị Xuân đang nâng cấp sửa chữa xây dựng, do đó, PV được mời qua phòng khám số 171 Trần Cung, Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm.

Nữ nhân viên còn tư vấn về việc, phòng khám có liệu pháp dùng tế bào gốc lấy từ cuống rốn trẻ sơ sinh (đặt hàng ở bệnh viện uy tín) truyền thẳng vào cơ thể, giúp trẻ hóa các cơ quan với mức giá dao động từ 20 đến 60 triệu đồng.

Đáng chú ý, tầng 2, số 155 Bùi Thị Xuân từng là cơ sở của phòng khám Đa khoa Cellab. Theo thông tin từ Sở Y tế Tp.Hà Nội, ngày 12/1, Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 19/QĐ-TTr đã tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc toàn cầu Cellab (Tầng 2, số nhà 155 Bùi Thị Xuân, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Đoàn kiểm tra xác định cơ sở có các tồn tại sau: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (tiêm truyền cho các khách hàng) mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (trên trang Facebook: “Phòng Khám Nghiên Cứu và Ứng Dụng Gốc Tế Bào Việt Nam” tại địa chỉ số 155 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Ngày 15/1, Thanh tra Sở ra Quyết định số 12/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế đối với Công ty TNHH nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc toàn cầu Cellab. Quyết định xử phạt có sau phản ánh của báo chí về phòng khám Cellab mồi khách chữa bách bệnh bằng tiêm truyền tế bào gốc từ người.

Vậy thực hư sử dụng tế bào gốc ở Phòng khám Đa khoa ĐTH 171 Trần Cung như thế nào?

Mời Quý độc giả đón đọc tiếp bài 2: Phòng khám ĐTH 171 Trần Cung tư vấn trị bệnh bằng tế bào gốc trái quy định

Nhóm phóng viên

Tin nổi bật