Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin ngày 20/7, bác sĩ Lương Thị Diễm - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) cho biết, vừa tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhi T.T.K (2 tuổi) bị đuối nước đã ngừng tim, ngừng phổi. Bệnh nhi sau đó được chuyển ngay lên tuyến trên.
Bác sĩ Diễm thông tin thêm, thời điểm cấp cứu cho bệnh nhi có sự hỗ trợ của bác sĩ Phan Nhân Hậu - Trưởng khoa Ngoại - Gây mê Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An).
Theo lời kể của bác sĩ Phan Nhân Hậu, khoảng 10h30 ngày 19/7, anh cùng người thân có việc đi qua địa bàn xã Ngọc Lâm thấy một xe máy đi cùng chiều vụt lên trước với tốc độ khá nhanh. Xe do người đàn ông điều khiển, chở người phụ nữ bế 1 em nhỏ nằm sấp trên đùi, người bé ướt sũng, tím tái, tay thõng xuống.
"Bằng kinh nghiệm và linh cảm nghề nghiệp, tôi nhận định cháu đang trong tình trạng nguy kịch nên tăng tốc đuổi theo chiếc xe máy vào Trạm Y tế xã Ngọc Lâm", bác sĩ Phan Nhân Hậu nhớ lại.
Bệnh nhi bị đuối nước được đưa đến Trạm Y tế xã Ngọc Lâm cấp cứu. Ảnh: Dân Trí
Tại trạm, cháu bé đã ngừng tuần hoàn do đuối nước như không nhịp tim, không nhịp phổi, không phản xạ, đồng tử giãn và rất nhiều dịch cùng thức ăn trào qua miệng mũi bệnh nhi.
Bác sĩ Phan Nhân Hậu nhanh chóng tiến hành quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn/đuối nước. Bệnh nhi được khai thông đường thở, tiêm adrenalin vào trực tiếp buồng tim (cơ tim) và cấp cứu ngừng tuần hoàn với tất cả những gì sẵn có tại Trạm y tế.
Sau 30 phút ép tim, hà hơi thổi ngạt, hút dịch, dùng thuốc vận mạch (adrenalin), bệnh nhi đã có nhịp tim, nhịp thở lại, đủ điều kiện để chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương.2 cán bộ Trạm Y tế trực tiếp đưa bệnh nhi chuyển tuyến.
"Tôi gọi điện cho bệnh viện, thông báo sẵn sàng cấp cứu đối với trường hợp này. Tại bệnh viện huyện, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và chuyển xuống bệnh viện tuyến tỉnh", báo Dân Trí dẫn lời bác sĩ Phan Nhân Hậu cho hay.
Nhiều năm công tác trong ngành y tế, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở bệnh viện, bác sĩ Phan Nhân Hậu nhiều lần tham gia cấp cứu các trường hợp thương tích, nguy kịch do tai nạn ngoại viện. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên anh gặp và cấp cứu ngoại viện cho một trường hợp bệnh nhi ngừng tuần hoàn do ngạt nước.
Đến thời điểm này, bác sĩ Phan Nhân Hậu vẫn không biết tên, địa chỉ của bệnh nhi bởi thời điểm đó, điều anh quan tâm duy nhất là nhanh chóng cấp cứu để giữ tính mạng cho cháu bé.
Bác sĩ Phan Nhân Hậu - Trưởng khoa Ngoại - Gây mê Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An). Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhi không còn nguy hiểm đến tính mạng. "Thông tin này khiến lòng tôi nhẹ nhõm rất nhiều", bác sĩ Phan Nhân Hậu chia sẻ.
Bác sĩ ngạc nhiên khi sự việc này sau đó được đăng tải trên mạng xã hội. Nhiều người dùng Facebook bày tỏ sự cảm kích trước hành động kịp thời của bác sĩ Phan Nhân Hậu. Tuy nhiên, anh cho rằng, bản thân mình chỉ làm điều mà bất kỳ thầy thuốc nào ở hoàn cảnh ấy cũng sẽ làm.