Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bác sĩ nhi chỉ ra dấu hiệu 6 bệnh nguy hiểm mùa hè của trẻ em, cha mẹ cần chú ý

(DS&PL) -

Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt mùa hè khiến trẻ em rất dễ nhiễm bệnh. Hãy nghe những lời khuyên của chuyên gia y tế về việc phòng tránh bệnh tật cho trẻ nhỏ.

Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt mùa hè khiến trẻ rất dễ nhiễm bệnh. Hãy nghe những lời khuyên của chuyên gia y tế về việc phòng tránh bệnh tật cho trẻ nhỏ.

Trẻ em có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên vào mùa nắng nóng, nhiệt độ cao làm trẻ có nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm. Những dấu hiệu bệnh ban đầu thường dễ bị cha mẹ sơ ý bỏ qua, làm bệnh diễn biến nặng hơn, gây hậu quả khôn lường.

Việc nhận biết dấu hiệu 6 bệnh thường gặp mùa hè ở trẻ em là điều rất quan trọng với những người có con nhỏ. Đây cũng là một yếu tố giúp trẻ tăng trưởng ổn định hơn.

Bs Nguyễn Mạnh Tuấn, PGĐ Bệnh viện Đa khoa Hà Nội

Bs Nguyễn Mạnh Tuấn, PGĐ Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, những bệnh trẻ em thường hay mắc vào mùa hè là:

Viêm đường hô hấp

Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ như viêm VA, viêm Amydal, viêm phế quản, viêm phổi... Do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (uống nước hoặc ăn đồ lạnh, ngồi phòng điều hòa quá lạnh với bên ngoài, hít nhiều khói thuốc lá, khói xe ô nhiễm... do nhiễm virus, vi khuẩn)

Trẻ thường biểu hiện từ đơn giản như quấy khóc nhiều hơn, chảy mũi, ho húng hắng, chán ăn, bỏ ăn… cho đến biểu hiện nặng như: Sốt cao, rét run, nổi hạch, co giật, lơ mơ…

Bệnh chân tay miệng

Bệnh chân tay miệng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh do vi trùng đường ruột Ente’virus (E71) và Coxcakieruses gây nên. Đường lây bệnh chủ yếu theo đường tiêu hoá, từ người sang người. Sinh hoạt tập thể tại các trường học khiến bệnh dễ bùng phát thành dịch vào mùa hè.

Ban đầu, trẻ thường bị sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và chán ăn. Với những trẻ nhỏ hơn sẽ quấy khóc nhiều, bỏ bú. Trong miệng trẻ có thể có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi…

Quan sát tiếp có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông của trẻ.

Khi trở nặng, trẻ có biểu hiện lừ đừ, run chi, trợn mắt, rung giật cơ, tim nhanh, mạch nhanh, thở nhanh và có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh mùa hè ở trẻ nhỏ dễ bùng phát thành dịch. Ảnh minh họa

Nhiễm siêu vi trùng

Mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm cho trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khuẩn như Sởi – Quai bị - Rubella, Cúm, Thủy đậu …

Trẻ bị sốt, phát ban, nhức đầu, nhức mắt, biếng ăn, mệt mỏi. Khi trẻ bị sốt cao, một số trẻ có biểu hiện như buồn nôn, hay nôn rất nhiều khiến cha mẹ lo lắng…

Hiện có hơn 200 chủng siêu vi được phân lập, tuy nhiên hầu hết đều là siêu vi thông thường ít có hại cho trẻ, bệnh có thể tự khỏi trong 5 – 7 ngày nếu được theo dõi và chăm sóc tốt.

Tuy nhiên cũng có một số siêu vi nguy hiểm có thể gây hại cho trẻ cần chú ý như siêu vi gây bệnh Sốt xuất huyết, Cúm, Thủy đậu… 

Tiêu chảy cấp

Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả…) hoặc virut, nấm, ký sinh trùng đường ruột do ăn uống phải thức ăn, nước uống bị ôi, thiu, nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc với phân người mắc bệnh.

Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Triệu chứng dễ thấy nhất là trẻ đi ngoài 10 - 15 lần/ngày, phân lỏng, nhiều nước, có mùi chua nhiều khi có nhầy máu; Nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày, thường nôn sau khi ăn; Trẻ biếng ăn hơn, uống nhiều nước, tiểu ít; Có thể có các biểu hiện về viêm đường hô hấp như ho, chảy mũi, khám thấy viêm họng cấp, phát ban.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Tình trạng kéo dài làm cơ thể không hấp thu được chất dinh dưỡng và cơ thể suy nhược, giảm miễn dịch.

Viêm não Nhật Bản

Nguyên nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản là từ các loại virus như: Virus arbo, virus Herpes, virus đường ruột, sởi, quai bị... và nhiều virus khác gây nên. Các vi rút này gây tổn thương não, để lại nhiều di chứng thần kinh, có thể dẫn đến tử vong cao.

Trẻ bị viêm não Nhật Bản sẽ có biểu hiện bị nhức đầu dữ dội, cảm giác buồn nôn và nôn mửa; Bị cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng; Cơ thể bị co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn thậm trí bị hôn mê...

Theo ghi nhận của các chuyên gia y tế về bệnh truyền nhiễm thì tỷ lệ mắc bệnh viêm não nhật bản ở trẻ em thường tăng cao hơn vào đầu mùa mưa (từ tháng 6 – tháng 7), bệnh thường xảy ra ở khu vực phía Bắc, miền Nam hiếm xảy ra hơn.

Muỗi chính là loại vật trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản từ người sang người. Trẻ em dưới 10 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn người lớn. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm nếu diễn tiến nặng mà không được phát hiện kịp thời.

Sốt xuất huyết (SXH)

Bệnh SXH thường gia tăng nhanh vào mùa hè. Bệnh SXH Dengue là một bệnh do virut lây truyền do muỗi thường gặp nhất ở người. Bệnh nhi thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 2 - 7 ngày, kèm theo biểu hiện sau: Đỏ phừng mặt, da sung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Một số trường hợp kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn.

Ở trẻ nhũ nhi có thể kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy. Sau đó, bệnh nhi có thể biểu hiện xuất huyết như chấm xuất huyết (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào), thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng, xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, đi cầu ra máu, gan có thể to sau vài ngày.

Một số trường hợp diễn biến đến sốc SXH với biểu hiện chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp kẹp không đo được. Tất cả những trường hợp trên phải được cấp cứu ngay, đề phòng diễn biến xấu nguy hiểm tính mạng.

Cách phòng bệnh mùa hè

Theo bác sĩ Mạnh Tuấn, để phòng tránh bệnh mùa hè cho trẻ em, cha mẹ cần giữ gìn và tạo cho trẻ thói quen vệ sinh cơ thể (rửa tay trước khi ăn, không mặc quần áo ướt mồ hôi...), không để điều hòa quá chênh lệch so với môi trường bên ngoài, cho trẻ uống đủ nước (100ml/kg cân nặng/ngày), để trẻ vận động ngoài trời ít nhất là 60 phút/ngày (không vào lúc nắng gắt) để rèn luyện thể lực, sức đề kháng và làm quen với điều kiện môi trường biến đổi.

"Cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều các loại quả như: Dâu tây, đu đủ, xoài, dưa hấu, đào chín… Những loại quả này rất giàu vitamin C, Kali, Beta-caroten… và các khoáng chất giúp cơ thể trẻ tăng cường sức đề kháng. Tăng cường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau rền, rau muống, bí xanh…

Ngoài ra còn có sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua uống cũng là những loại nước uống nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe của trẻ.

Cần chú ý, các loại nước uống chế biến từ hoa quả nên cho trẻ uống ngay tránh để lâu trong môi trường nhiệt độ cao sẽ làm mất vitamin. Hạn chế cho trẻ ăn uống đồ lạnh. Đồ bảo quản trong tủ lạnh nên bỏ ra ngoài khoảng 10 – 15 phút trước khi cho trẻ dùng", bác sĩ Mạnh Tuấn cho lời khuyên.

Theo bác sĩ, hiện tại, hầu hết các bệnh lý hay gặp ở trẻ đã có đầy đủ vaccine tiêm phòng. Do vậy, việc tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine theo quy định là cách tốt nhất để trẻ có đủ sức miễn dịch với bệnh tật và phát triển khỏe mạnh.

Minh Khôi

Tin nổi bật