Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bác sĩ hé lộ lần đầu tiên ghép 1 lá gan cho 2 người tại Việt Nam

(DS&PL) -

Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công ca phẫu thuật để hồi sinh 2 sự sống từ 1 lá gan của người hiến chết não.

Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công kỹ thuật: “Chia gan để ghép: 2 bệnh nhân nhận gan từ 1 người hiến chết não”. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật để hồi sinh 2 sự sống từ 1 lá gan của người hiến chết não.

Hồi sinh sự sống từ những lá gan... “biết nói”

Ghép gan, được đánh giá là khó nhất trong tất cả các trường hợp ghép tạng trên cơ thể người. Theo đó, bác sĩ sẽ thay thế gan bị bệnh bằng gan lành khoẻ mạnh, từ người sống hoặc từ người hiến chết não. Trong hầu hết chỉ định, ghép gan là phương pháp duy nhất đem lại sự sống cũng như kéo dài thời gian sống thêm hiệu quả nhất cho bệnh nhân mắc các bệnh gan. Để hiểu rõ hơn về kỹ thuật ghép gan cũng như những câu chuyện phía sau phòng phẫu thuật, báo ĐS&PL khởi đăng loạt bài: “Hồi sinh sự sống từ những lá gan... “biết nói””.

Ca phẫu thuật căng não từ 7h sáng tới 23h đêm

Theo đó, các bác sĩ đã chia gan của 1 người hiến tạng chết não (nam, 30 tuổi, chết não do chấn thương sọ não nặng) để ghép cho 2 bệnh nhân có chỉ định ghép gan. Đó là bệnh nhân 8 tuổi bị suy gan, hôn mê gan do xơ gan mất bù, rối loạn chuyển hoá đồng (Wilson) và teo đường mật bẩm sinh, một sự kết hợp giữa 2 bệnh lý hiếm và nặng và cần ghép gan cấp cứu. Bệnh nhân thứ 2 là nam giới, 49 tuổi, bị ung thư gan trên nền gan xơ.

Người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật là PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng (bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Ca ghép 1 lá gan cho 2 người lần đầu tiên tại Việt Nam.

Vị bác sĩ chia sẻ: “Bệnh viện Viện Đức đã bắt đầu tiến hành ghép gan từ năm 2007, tính đến nay, đã có 62 trường hợp. Qua đó, các bác sĩ cũng đã thu nhận được tương đối đầy đủ các kinh nghiệm đối với kỹ thuật này. Chính vì thế, vào tuần đầu tháng Ba, khi có 1 người hiến chết não, bệnh viện quyết định sẽ thực hiện kỹ thuật “Chia gan để ghép: 2 bệnh nhân nhận gan từ 1 người hiến chết não” lần đầu tiên."

Lần đầu tiên thực hiện việc chia gan để ghép cho hai người, bác sĩ Nghĩa bày tỏ cảm xúc của mình: “Quả thực, chúng tôiđã rất lo lắng bởi bình thường, khi người hiến chết não, các bác sĩ bê cả phần gan đó ra ghép cho người khác, rất đơn giản. Nhưng ở trường hợp này, các bác sĩ phải chia gan ra 2 phần. Chúng tôi không biết biến đổi giải phẫu sẽ như thế nào, phần nào dành cho người lớn, phần nào dành cho trẻ con. Nếu không kiểm soát được các biến đổi giải phẫu thì có nguy cơ cả 2 phần gan đều có thể sẽ phải bỏ và không có tác dụng để ghép cho bệnh nhân.

Đối với người khỏe mạnh, bác sĩ sẽ thăm dò từng mạch máu một, từng đường mật rất chi tiết để có thể lấy một phần gan ở người sống. Tuy nhiên, ở người hiến chết não, không thể làm được kỹ thuật đó, hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm phẫu thuật viên trong khi mổ, vì vậy, gặp nhiều khó khăn”.

PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa nhớ lại những khó khăn trong kíp mổ ngày hôm đó: “Gan của người hiến chết não bị nhiễm mỡ, các biến đổi giải phẫu xuất hiện rất nhiều, chúng tôi dự kiến quá trình là chia gan ngay khi tim còn đang đập đã không thể thực hiện. Khi đó, buộc lòng chúng tôi phải lấy gan ra thật nhanh rồi chia ở trên một chiếc bàn có đá và dịch bảo quản. Thời gian để ghép của trường hợp này cũng rất dài, ê-kíp phẫu thuật bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào khoảng 23h đêm.

Bên cạnh đó, cùng một lúc, chúng tôi phải huy động tới 3ê-kíp. Một kíp có nhiệm vụ chia gan ra, một kíp thực hiện ghép gan cho người lớn và một kíp thực hiện ghép gan cho bệnh nhi”.

Bác sĩ Nghĩa cho biết thêm: “Gan vừa có chức năng như 1 máy bơm bơm hút máu, lại vừa có chức năng bài tiết, nên ngoài chuyện phẫu thuật cơ học là khâu nối các mạch máu với nhau thì phải làm sao cho gan hòa hợp, sống với cơ thể và sản xuất ra những chất cần thiết cho cơ thể. Đây là một kỹ thuật thực sự rất khó, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa rất phức tạp, phẫu thuật gan mật, phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật vi phẫu, gây mê hồi sức, miễn dịch,...”.

Sự “kỳ diệu” của những lá gan

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, gan là một loại tạng rất quan trọng đối với cơ thể, đến giờ phút này, cũng chưa có loại máy nào có thể thay thế lá gan trong cơ thể. Vì vậy, khi lá gan đó hỏng, người ta phải có biện pháp bỏ lá gan mang bệnh đi và thay bằng một lá gan mới.

“Không giống với nhiều loại tạng khác, gan có khả năng tái sinh và không nhất thiết phải cần đầy đủ một lá gan mới có thể duy trì sự sống của con người”, PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa tiết lộ.

Để giải thích kỹ hơn về khả năng kỳ diệu này của gan và nguồn gốc của kỹ thuật “chia gan để ghép”, bác sĩ Nguyễn Quang Nghĩa đã chia sẻ thêm: “Lúc đầu, ghép gan là kỹ thuật ghép toàn bộ, tức là lấy lá gan từ người cho chết não ghép cho người bệnh. Sau đó, có thể thực hiện kỹ thuật chỉ lấy 1 phần gan của người sống. Ví dụ: Bệnh nhi bị bệnh suy gan, thì bố hoặc mẹ có thể hiến 1 phần lá gan của mình, tức là 1/3, 1/4 lá gan để ghép cho con.

Chính vì vậy, năm 1990, ở các nước châu Âu và châu Mỹ, nhận thấy rằng nếu một lá gan của 1 người khỏe mạnh chỉ ghép cho 1 người lớn thì lãng phí quá. Người ta mới nghĩ đến chuyện chia ra làm 2 phần. Từ đó, 1 lá gan to có thể chia làm 2 phần để ghép cho 2 người lớn, hoặc chia thành 1 phần nhỏ ghép cho 1 bệnh nhi và 1 phần lớn ghép cho người lớn”.

Nhắc đến 2 bệnh nhân được nhận gan trong trường hợp phẫu thuật đặc biệt vừa qua, vị bác sĩ bày tỏ sự tiếc nuối: “Thật tiếc bệnh nhi đã không qua khỏi. Bản thân cháu bé trước khi ghép gan, tình trạng đã rất nặng. Chúng tôi cũng rất tiếc, khi đến ngày thứ 5 sau ghép là cháu bé đã tỉnh táo, có thể tự thở được, chức năng gan bắt đầu hồi phục, dịch tiết ra tốt, mọi thứ bắt đầu ổn định.Tuy nhiên, cháu lại bị một đợt suy hô hấp, suy tim, dẫn đến gan mới phải chịu 1 đợt sang chấn và không hồi phục được. Còn nam bệnh nhân 49 tuổi nhận gan thì đang rất khỏe mạnh”.

Bác sĩ Nghĩa cũng nhấn mạnh, thực hiện kỹ thuật ghép gan phải qua nhiều quy trình. Đầu tiên, phải đánh giá người nhận gan một cách đầy đủ, có bị chống chỉ định hay không, có phù hợp để ghép gan hay không. Hơn nữa, tiêu chuẩn phải rất chặt chẽ, mục tiêu làm sao để tỉ lệ thành công phải trên 95% và bệnh nhân được ghép gan phải sống thêm được10 năm thì mới đạt yêu cầu.

“Hiện tại, ung thư gan không được điều trị hoặc điều trị bằng phương pháp thông thường thì người bệnh chỉ có thể sống được 2-3 năm, nhưng với ghép gan đúng chỉ định, có thể sống thêm được 10 năm trong tầm tay”, PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa giải thích.

Khan hiếm nguồn tạng chính là thách thức lớn nhất khiến nhiều bệnh nhân không được cứu sống, vì vậy, bệnh viện Việt Đức đã chủ trương tăng tối đa khả năng ghép gan cho bệnh nhân. Trong đó, giao cho Trung tâm ghép tạng nghiên cứu triển khai kỹ thuật chia gan để ghép.

Bật mí các giai đoạn ghép gan Đầu tiên là quy trình đánh giá tuyển chọn bệnh nhân. Thứ hai là tìm người hiến phù hợp, có thể hiến sống từ người thân trong gia đình hoặc từ người hiến chết não. Thứ ba là tổ chức để tiến hành ghép gan, có lẽ là khâu căng thẳng nhất, “cân não” nhất, diễn ra trong khoảng 10 tiếng đồng hồ, và quyết định thành công hay là thất bại cũng tại khâu này.

Sau khi ghép xong, bệnh nhân vào giai đoạn hồi sức, khoảng 3-5 ngày, bệnh nhân sẽ nằm ở phòng hồi sức tích cực. Đây là lúc bệnh nhân sẽ có rất nhiều biến chứng, rối loạn xảy ra. Hết giai đoạn hồi sức, bệnh nhân được đưa về phòng.

Khoảng 2 tuần tiếp theo là giai đoạn phải làm cho gan mới hòa nhập với cơ thể và điều chỉnh thuốc ức chế miễn dịch cho liều vừa đủ với từng bệnh nhân. Sau giai đoạn đó, bệnh nhân có thể xuất viện. Sau khoảng 3 tháng, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường. Hàng tháng bệnh nhân đều đến bệnh viện xét nghiệm, lấy thuốc ức chế miễn dịch và kiểm tra lại.

Hoàng Bích - Thủy Tiên

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật

Tin nổi bật