Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Thần y" Bắc Giang: Khó “xử lý” vì “cô” quá nổi tiếng

(DS&PL) -

Lãnh đạo địa phương thừa nhận, mặc dù không hề có giấy phép hoạt động cũng như chứng chỉ hành nghề, nhưng vì bà Tý đã quá nổi tiếng nên muốn xử lý là rất khó...

Mặc dù đã hành nghề nhiều năm nhưng bà Tý không hề có giấy phép hoạt động cũng như chứng chỉ hành nghề. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, lãnh đạo địa phương thừa nhận vì bà Tý đã quá nổi tiếng nên muốn xử lý là rất khó...

Chỉ cần chạm chỗ đau là biết bệnh

Chỉ bằng những động tác đơn giản như bẻ chân, bẻ tay hay vuốt sống lưng, bà Hoàng Thị Tý hay còn được gọi là “cô” Tý đã trở nên nổi tiếng khắp vùng với biệt tài chữa bệnh trong vòng 2 phút.

Người đàn bà được coi là “thần y” của “vương quốc vải thiều” này chuyên chữa các bệnh gãy xương, sai khớp, rạn xương, đau lưng... mà không cần thăm khám, không cần xem kết quả chiếu chụp. Thậm chí, các bệnh nhân còn “truyền tai” nhau rằng, khi đã đến chữa bệnh tại “cơ sở” của “cô” Tý thì đừng bao giờ mang theo phim chụp X- quang, bởi nếu để “cô” nhìn thấy thì ngay lập tức túi phim đó sẽ bị quăng ra ngoài!? Về khả năng chữa bệnh, “cô” Tý chỉ cần vuốt nhẹ sống lưng, hay chạm vào chỗ đau của bệnh nhân là biết bệnh gì, nặng nhẹ ra sao?!.

Sau khi “tận mục sở thị” phương pháp chữa bệnh “có một không hai” của “cô” Tý, PV còn bất ngờ hơn với hàng loạt lời mời gọi của các hộ dân kinh doanh dịch vụ liền kề nơi khám chữa bệnh. Một điều dễ dàng nhận thấy tại khu vực xung quanh nơi chữa bệnh của bà Hoàng Thị Tý là nhan nhản cơ sở trông giữ xe, cho thuê phòng trọ, bán hàng kiêm “tư vấn viên” cho những ai lần đầu đặt chân đến đây. Nhận thấy sự bỡ ngỡ, lạ lẫm của những vị khách từ các tỉnh xa về, họ đon đả chào mời dịch vụ, thậm chí rao bán cả thuốc đông y. Theo lời giới thiệu của chủ những cơ sở này, bệnh nhân chỉ cần mang những gói thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần này về nhà sắc lên uống là có thể khỏi bệnh???

Gói thuốc gia truyền bà Tý phát cho bệnh nhân.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL ông Mạc Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Đây là các cơ sở dịch vụ “ăn theo” việc khám chữa bệnh của bà Hoàng Thị Tý. Những gói thuốc được họ chào bán cho bệnh nhân cũng chính là thuốc của bà Tý. Việc quản lý các quầy bán thuốc đông y này thuộc UBND huyện, trách nhiệm của chúng tôi là báo cáo huyện và phối hợp khi có đoàn công tác xuống kiểm tra”.

Trái với thông tin của ông Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chũ, bà Hoàng Thị Tuân, Trưởng phòng Y tế huyện Lục Ngạn cho biết, từ khi nhận chức Trưởng phòng Y tế huyện cho đến nay, bà chưa từng nhận được báo cáo nào của chính quyền thị trấn Chũ về tình trạng hoạt động của “cơ sở” khám chữa bệnh của bà Hoàng Thị Tý.

Kiểm tra xong, “bó tay” ra về...

Để tìm hiểu rõ hơn về “thần y” Hoàng Thị Tý, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Tuân, Trưởng phòng Y tế huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Bà Tuân cho biết, bà Tý vốn là giáo viên, sau khi nghỉ việc, bà mới bắt đầu công việc chữa bệnh này. Ban đầu, bà Tý chỉ chữa bệnh cho người dân địa phương, sau đó “tiếng tăm” của bà lan rộng khắp các tỉnh miền Bắc. Thực chất, “cơ sở” khám chữa bệnh của bà Tý chưa được cấp phép khám chữa bệnh, bản thân bà Tý cũng chưa có chứng chỉ hành nghề. Số thuốc mà bà Tý phát, bán cho bệnh nhân cũng chưa được kiểm định và không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, theo lý giải của bà Tuân, dù biết rõ như vậy nhưng cơ quan chức năng rất khó quản lý cơ sở chữa bệnh không phép này vì cái tên “cô” Tý đã quá nổi tiếng ở địa phương cũng như các vùng lân cận. Theo bà Tuân, đã có nhiều cán bộ “tầm cỡ” từ Hà Nội đến nhờ bà Tý chữa bệnh. Bản thân bà Tuân cũng đã đưa nhiều cán bộ tới đây nhờ “giúp đỡ”?!

Nhóm bảo vệ đang thu tiền phí băng gạc của bệnh nhân.

Theo bà Tuân, khi cán bộ phòng Y tế huyện đến yêu cầu bà Tý đăng ký hoạt động khám chữa bệnh thì bà Tý kiên quyết từ chối, nói rằng mình chỉ làm từ thiện và không thu tiền ai cả. Khi PV hỏi số tiền “tùy tâm” mà mỗi bệnh nhân đến khám thường đặt từ 50 đến 100 ngàn đồng lên ban thờ nhà “cô” Tý là tiền gì thì bà Trưởng phòng Y tế huyện không trả lời.

Trong suốt cuộc trao đổi với PV, bà Trưởng phòng Y tế huyện Lục Ngạn thẳng thắn thừa nhận cá nhân bà cũng cảm thấy “rất băn khoăn” vì không quản lý được “cơ sở” chữa bệnh của bà Tý. Bà Tuân còn cho biết, năm ngoái, bà đã cùng sở Y tế tỉnh Bắc Giang xuống cơ sở này kiểm tra nhưng đoàn công tác đã phải “bó tay” ra về???

Cũng theo tiết lộ của bà Tuân, trước năm 2014, các bài thuốc gia truyền ở địa phương đều được phòng Y tế huyện kê khai và quản lý. Tuy nhiên, từ 2014 trở đi, sở Y tế đảm nhiệm vấn đề này nên phòng Y tế không quản lý nữa.

“Việc quản lý các phòng khám tư nhân đã được phân cấp, tất cả phòng khám đa khoa, bệnh viện đều do sở Y tế quản lý. Chúng tôi chỉ có quyền kiểm tra các phòng khám chuyên khoa đóng trên địa bàn”, bà Tuân chia sẻ.

Trở lại câu chuyện liên quan đến giấy phép hành nghề của bà Tý, ông Mạc Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thị trấn Chũ thừa nhận, bà Tý chữa bệnh theo kiểu “gia truyền” chứ không có giấy phép khám chữa bệnh hay chứng chỉ hành nghề. Khi mới bắt đầu khám chữa bệnh, bà Tý cũng đã có báo cáo với UBND thị trấn.

Ông Tuấn chia sẻ: “Động đến bà ấy cũng ngại bởi bà ấy toàn giúp đỡ người khác. Từ lúc bà ấy nhận chữa bệnh, chúng tôi chỉ thấy nhiều người khen, người dân ở xung quanh cũng có cơ hội kiếm thêm thu nhập từ cơ sở chữa bệnh của bà ấy. Vì vậy rất khó để chúng tôi quản lý...”.

“Có những việc chúng tôi chưa quản lý được hết, thế nhưng ở trên (chính quyền cấp huyện và tỉnh – PV) người ta cũng biết chuyện của bà Tý nhưng “người ta” không nói gì cả, kể cả sở Y tế tỉnh Bắc Giang và phòng Y tế huyện Lục Ngạn”, ông Tuấn cho biết.

Theo lời đồn của người dân, bà Tý chữa bệnh cho 10 người thì có 9 người khỏi. Bản thân ông Tuấn cũng đã từng đưa người nhà tới chữa bệnh và có nhiều tín hiệu khả quan.

Khi PV đặt câu hỏi, trong quá trình khám chữa bệnh, nếu người bệnh xảy ra sự cố đáng tiếc như bị di chứng hoặc thiệt mạng thì chính quyền địa phương sẽ xử lý như thế nào, ông Mạc Anh Tuấn cười nói: “Mọi người đến khám chữa bệnh tại “cơ sở” của bà Tý đều là tự nguyện. Thoải mái thì đến, không thoải mái thì đi”.

Tuy khẳng định loại thuốc bà Tý cấp cho người bệnh chưa được kiểm định hay không rõ nguồn gốc, cách thức pha chế ra sao nhưng ông Tuấn cho rằng các bệnh nhân thường dùng thuốc đó để bó chân, tay, đắp vào cổ, sống lưng nên “chắc không chết người” và đến thời điểm hiện tại thì “chưa xảy ra trường hợp nào bị chết cả”?!

Sắp kiểm tra “cơ sở” chữa bệnh của “cô” Tý

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, đại diện UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang khẳng định, việc tụ tập đông người để khám chữa bệnh cần phải được quản lý và trong thời gian tới, phòng Y tế huyện và chính quyền sẽ xuống kiểm tra “cơ sở” chữa bệnh của bà Tý để nắm bắt tình hình. Vị cán bộ trên cũng cho biết, rất mong nhận được sự hợp tác của báo ĐS&PL nhiều hơn nữa trong việc trao đổi thông tin nhằm tăng cường công tác quản lý những cơ sở khám chữa bệnh và trật tự xã hội trên địa bàn.

Quang Linh

Tin nổi bật