Hàng chục vụ đuối nước thương tâm của trẻ em gần đây cho thấy, phần lớn trẻ đều không được trang bị kỹ năng bơi lội an toàn. Dưới đây là khuyến cáo của bác sĩ và 5 điểm cơ bản phòng tai nạn đuối nước thương tâm mà cha mẹ nên lưu ý.
Những tai nạn đuối nước thương tâm
Chỉ trong 20 ngày đầu tháng 3, cả nước đã ghi nhận hơn chục vụ đuối nước. Trong đó, nhiều vụ đuối nước tập thể đã cướp đi mạng sống của hàng chục đứa trẻ.
Phần lớn tai nạn nghiêm trọng xảy ra với những đứa trẻ đi tắm, bơi ở sông, mương, hồ... như vụ đuối nước khiến cho 8/9 học sinh phải bỏ mạng tại bãi cát Thịnh Minh, Thịnh Lang, bờ sông Đà, TP. Hòa Bình. Vụ việc khiến nhiều người bàng hoàng, thương xót. Nhiều gia đình cho biết, buổi trưa còn gặp các con, nhưng buổi chiều đi làm thì con đi chơi mà không hay biết nên mới xảy ra vụ việc đau lòng như trên.
Trước vụ đuối nước ở Hòa Bình có bốn ngày, ngày 17/3, ba cháu bé rủ nhau đi tắm mương ở xã Cát Trinh (Phù Cát, Bình Định) cũng đã tử vong vì đuối nước. Theo người nhà, ba cháu rủ nhau ra bờ mương để tắm và bắt cá nhưng gặp chỗ nước sâu, các cháu lại không biết bơi nên đã xảy ra tai nạn chết đuối.
Đầu tháng 3, tại xã Ngọc Bay (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cũng đã xảy ra một vụ đuối nước làm hai học sinh tiểu học bị cuốn trôi ở sông Đăk Bla.
Vụ gần nhất có em N.V.L. (11 tuổi) đã bị đuối nước khi đang bơi dưới bể bơi của một trường THCS ở Bắc Ninh, ngày 18/5. Được biết em L. cũng đã học và có biết bơi.
Trường THCS thị trấn Gia Bình, nơi xảy ra sự việc đau lòng. Ảnh: Người Lao động |
Điều này cho thấy nếu, ngay cả trẻ biết bơi cũng không tránh khỏi bị đuối nước và khiến nhiều phụ huynh hoang mang.
Cần dạy trẻ kỹ năng bơi an toàn
Phát biểu về điều này với báo Nhân dân, TS. Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-Bơi cho rằng việc dạy bơi là không đủ để phòng, chống đuối nước cho trẻ em: “Mọi người đừng nghĩ học bơi được 25m thì mới là biết bơi. Điều quan trọng, chúng ta phải học bơi tự cứu với các phương pháp bơi rất đơn giản. Làm thế nào để em bé có thể tồn tại dưới môi trường nước để người lớn đến cứu, đó là điều mà ta cần hướng tới”
Một lớp dạy bơi cho trẻ em. Ảnh: Nhân dân |
Theo TS. Tuấn học bơi, dạy bơi là những kỹ năng, nhưng phải giúp trẻ áp dụng được những kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng.
“Bơi lội an toàn nghĩa là sao? Nghĩa là chỉ được bơi lội khi có vật dụng cứu hộ (phao cứu sinh, áo phao...), người giám sát ở trên bờ. Trước khi bơi phải quan sát chung quanh, biết đánh giá phân biệt luồng nước có sự khác thường. Biết cách cứu hộ, gọi cứu hộ hoặc tự nổi dưới nước chờ cứu hộ…”, ông Tuấn lý giải.
5 bí kíp phòng tránh tai nạn bơi lội cho trẻ em
Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tai nạn đuối nước diễn ra quanh năm. Tuy nhiên, mùa hè luôn là thời kỳ cao điểm.
Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh các bậc phụ huynh cần lưu ý 5 bí kíp để tránh tai nạn đuối nước cho trẻ, đặc biệt là những trẻ chưa biết bơi.
- Hãy luôn cho trẻ mặc áo phao/phao.
- Kiểm tra độ sâu và chướng ngại vật trước khi cho trẻ bước chân xuống nước
- Thường xuyên chú ý đến trẻ, thậm chí nên bơi cùng trẻ để kiểm soát tình huống và bơi không quá xa bờ.
- Không nên để trẻ tắm quá 2 tiếng liên tiếp, vì điều này có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh.
- Không nên tắm vào thời điểm từ 11h trưa đến 3h chiều.
BS. Trần Văn Phúc (bệnh viện đa khoa Saint Paul) cho rằng, hiện đang xảy ra tình trạng dạy bơi không đúng. Phổ biến là lớp dạy trẻ kỹ thuật bơi chưa đúng và phụ huynh tự dạy cho con thường thiếu kiên nhẫn hay dọa nạt trẻ.
“Những sai lầm trong học bơi này dễ khiến trẻ hoảng loạn, sặc nước và có thể dẫn tới chết đuối. Tốt nhất không nên cho trẻ dưới 5 tuổi học bơi, khi trẻ đã có sự nhận thức tương đối đầy đủ. Khi cho trẻ tới hồ bơi, cha mẹ cần phải giám sát trẻ chặt chẽ, tuân thủ các quy định của hồ bơi cho dù trẻ có kỹ năng bơi tốt”, BS. Phúc khuyến cáo.
Minh Minh (T/h)