Thấy con trai có dấu hiệu sắp ngạt thở do hệ thống điều hòa trên khoang hành khách bị hỏng, bà mẹ cầu xin tiếp viên mở cửa khi máy bay chưa cất cánh nhưng bị từ chối.
[presscloud]3760[/presscloud]
Một video được ghi lại từ ngày 3/8 trên chuyến bay của hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) cho thấy hình ảnh một người mẹ cầu xin hướng dẫn viên mở cửa máy bay sau khi con trai của cô bị mất ý thức vì quá nóng.
Chiếc máy bay cất cánh chậm suốt 2 giờ đồng hồ, để hành khách ngồi trong không gian hẹp, kín và điều hòa không khí thì bị hỏng.
Em bé có dấu hiệu bị ngạt thở nhưng phi hành đoàn vẫn không chấp nhận mở cửa máy bay dù chưa cất cánh. Ảnh: Metro |
Sau khi được công bố, đoạn video lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội cũng như truyền hình Pakistan.
Người mẹ liên tục hét lên với các nhân viên phi hành đoàn trong khi đứa bé bất tỉnh, những người khác cố gắng vỗ về, chăm sóc cho em bé nhưng hướng dẫn viên vẫn thờ ơ. Một tiếp viên sau đó giải thích rằng họ đang cố gắng trao đổi với cơ trưởng.
Chuyến bay mang số hiệu PK750 của hãng hàng không quốc tế Pakistan PIA chuẩn bị bay từ Paris đến Islamabad. Người phụ nữ và đứa con của cô sau đó đã trở về chỗ ngồi, NY Post đưa tin và lưu ý rằng, may mắn thay, tình trạng của em bé không chuyển biến xấu hơn.
Phát ngôn viên Mashood Tajwar của PIA nói với hãng tin Dawn rằng "PIA đã chú ý đến đoạn video và khởi động một cuộc điều tra để tìm ra danh tính thành viên phi hành đoàn trong video".
"Một số người trên các phương tiện truyền thông báo cáo rằng vụ việc xảy ra vào ngày 1/8, một số người lại nói vào ngày 3/8. Chúng tôi vẫn chưa xác nhận được chính xác chuyến bay và ngày xảy ra vụ việc", ông Tajwar nói, khẳng định không có khiếu nại chính thức về biến cố này.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của hãng, ông Musharraf Rasool Cyan đã đưa ra thông báo ngay lập tức và nghiêm túc yêu cầu một cuộc điều tra chi tiết về vấn đề này.
"Thời gian chậm trễ là 30 phút. Thực tế thời điểm đó máy bay đã sẵn sàng cất cánh nhưng chưa được tín hiệu thông báo từ kiểm soát viên không lưu nên cơ trường không được phép cất cánh", ông Cyan nói.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Sputnik)