Câu chuyện tình yêu lệch tuổi nổi tiếng ở khu Ngã Bảy (Hậu Giang) không còn quá xa lạ với những người dân sống quanh đây. Anh Hai Út (51 tuổi) và vợ là bà Tư Lãnh (73 tuổi) được bà con chòm xóm yêu thương, đùm bọc bởi sự hiền lành, chân chất.
Ông Hai Út quê ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, sinh ra trong gia đình có 7 người anh em, cha mẹ đã mất. Cách đây 23 năm, khi đó mới 28 tuổi, ông Út cùng một người anh em lên Ngã Bảy (Hậu Giang) kiếm mối làm ăn. Ông gặp bà Lãnh ngày ngày gánh hàng trái cây đi bán ngoài chợ.
Anh Hai Út (51 tuổi) và vợ là bà Tư Lãnh (73 tuổi). Ảnh: Tiến Sài Gòn.
Theo Saostar, bà Tư vốn có một đời chồng và một con riêng. Sau đó bà làm mẹ đơn thân, một mình nuôi con lớn khôn với quan điểm nếu gặp ai đó thương yêu hai mẹ con thật lòng sẽ lấy làm chồng.
Khi được người quen mai mối với ông Út kém gần hai con giáp, ban đầu, bà Lãnh lắc đầu từ chối: "Hồi mới mai mối, tôi la không chịu, kêu ổng nhỏ tuổi hơn, sao mà lấy được. Nhưng cũng có người vun vén bảo: Thôi mày ở với nó đi, tội nghiệp nó. Hai đứa bảo nhau làm ăn, sau già còn có người chăm sóc".
Bà Tư vừa dứt lời, anh Hai Út cho biết ngày đó bản thân là trai tân, đi khắp nơi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi cha già. Vì thế anh không bao giờ dám nghĩ đến việc có vợ, có một gia đình nhỏ. “Mình nghèo, lại vướng cha già bệnh tật. Mình chỉ biết ngược xuôi khắp nơi kiếm việc. Hồi mình về Hậu Giang làm mướn được các anh các chị thương lắm! Họ biết hoàn cảnh nên giới thiệu Tư, ngại lắm nhưng ngờ đâu lại có duyên”, anh Hai nhớ lại.
Anh Hai cũng cho biết, lúc ấy, cha vẫn còn sống nên ông Út đưa bà về ra mắt. May sao, phía đàng trai không có ai phản đối. Chỉ có con trai bà Lãnh một mực không chịu.
"Nó không đồng ý cho tui chung sống cùng ổng. Nhưng con cái mình dạy nó, nó đâu dạy mình được. Các cô các bác khuyên nhủ mãi cũng chịu. Nó kêu ông Hai Út bằng cậu", bà Lãnh kể.
Không đám cưới, không đăng ký kết hôn, bà Lãnh và chồng trẻ cứ thế dọn về sống chung với nhau trong căn nhà nhỏ. Ảnh: Tiến Sài Gòn.
Không đám cưới, không đăng ký kết hôn, bà Lãnh và chồng trẻ cứ thế dọn về sống chung với nhau trong căn nhà nhỏ. Con trai bà Lãnh đã lập gia đình, sinh được hai cháu. Cách đây 3 năm, con trai bà đột ngột qua đời, cháu nội được mẹ đưa về bên ngoại. Vậy là chỉ còn duy nhất ông Út ở bên bà Lãnh.
Bẵng thời gian, nhiều người tò mò về cuộc sống của cặp đôi “đũa lệch” sau khi “nổi tiếng” trên mạng xã hội. Thậm chí có người thắc mắc không biết bà Tư Lãnh và anh Hai Út còn yêu thương nhau như trước hay không. Họ sợ sau khi “nổi tiếng”, người đàn ông trẻ dễ sa ngã, đi tìm người phụ nữ trẻ trung hơn.
Chia sẻ trên Tri thức và Cuộc sống, bà Lãnh tâm sự: “Tình cảm của chúng tôi vẫn thế, chẳng có chút gì thay đổi cả. Chúng tôi vẫn cứ yêu thương nhau, quan tâm và chăm sóc mỗi ngày.
Tôi cũng nói với ông ấy rằng: Giờ em già yếu cả rồi. Anh có thể đi tìm người phụ nữ khác làm vợ, sinh đẻ lấy một đứa con. Ông ấy mắng vốn tôi nói linh tinh, ở với nhau từng ấy năm không chịu hiểu tính mà còn bông đùa như vậy".
Anh Út vội vã giải thích: “Tôi làm sao có thể đi thêm bước nữa cơ chứ. Ví dụ bà ấy có anh em, con cháu… thì còn dám bỏ đi, chứ giờ một mình sao đành. Tôi sống với bà ấy không chỉ vì tình yêu thương mà còn cả cái nghĩa nữa.
Một ngày làm vợ chồng sẽ mãi ở bên nhau, huống hồ chúng tôi đã nên duyên suốt mấy chục năm qua. Tôi cũng không mong có con, chỉ ước bà sống được lâu hơn, khỏe mạnh là vui rồi”.
Bà Lãnh tâm sự rằng bản thân hiện già yếu, mắt mờ không thấy đường đi. Mọi sinh hoạt, từ ăn uống đến tắm rửa… đều nhờ vào người chồng trẻ. Bởi vậy bà luôn đau đáu chuyện sau này chết đi, ai sẽ là người ở bên bầu bạn với chồng. Bà chỉ mong lúc đó anh Út hay đi bước nước, kiếm được người phụ nữ hiền hậu, biết yêu thương anh. Bà sẽ cảm thấy an lòng mà nhắm mắt xuôi tay.
Người đàn bà ấy cũng luôn trăn trở về cuộc sống mưu sinh của chồng trẻ. Bà bảo anh Út phải đi rất xa, vào ban đêm mới có thể đánh bắt được tôm cua cá. Bà luôn thấp thỏm đợi anh trở về nhà vì lo lắng điện giật, gặp tai nạn hoặc có kẻ xấu hãm hại. Bà nhiều lần khuyên anh nghỉ làm, tìm việc khác nhưng ở vùng đất này ngoài làm thuê làm mướn theo vụ rất khó tìm việc.
Thay vì xưng "anh - em" như bao cặp đôi khác, ông Út và bà Lãnh trìu mến gọi nhau bằng tên. Ảnh: Tri thức và Cuộc sống.
“Tôi chẳng biết sao nữa, chỉ cầu trời khấn phật ông ấy an toàn khi đi làm. Tôi cũng mừng rỡ khi câu chuyện của hai vợ chồng xuất hiện trên mạng xã hội, mạnh thường quân tìm đến giúp đỡ. Họ đã giúp chúng tôi xây dựng cái nhà vệ sinh nho nhỏ, thoát khỏi cảnh đi vào bô.
Với nhiều người, đó chỉ đơn giản là cái nhà vệ sinh nhưng với chúng tôi rất quý giá. Tôi mừng quá trời mừng, thấy chuyện sinh hoạt hằng ngày trở nên sạch sẽ, đỡ vất vả hơn cả”, người phụ nữ 73 tuổi tâm sự.
Thay vì xưng "anh - em" như bao cặp đôi khác, ông Út và bà Lãnh trìu mến gọi nhau bằng tên. Trước đây, ông Út cũng muốn có đứa con chung nhưng bà Lãnh bị bệnh, trông ngóng mãi chẳng thấy tin vui. Dẫu vậy 23 năm qua, vợ chồng ông bà chưa bao giờ gây gổ hay mâu thuẫn. Cũng có người bàn tán, dị nghị nhưng cả hai đều bỏ ngoài tai.
"Ổng trẻ, ổng không chê mình già thì thôi. Có người nói, tôi có phước lắm, lấy được chồng biết thương vợ, biết làm ăn", bà Lãnh tự hào.
Khi có ai hỏi về bí quyết giữ chân chồng trẻ, người phụ nữ 73 tuổi ngại ngùng nói rằng, có lẽ là do cả hai luôn đặt nghĩa vợ chồng lên đầu."Ổng cũng hay thể hiện tình cảm lắm. Không thương sao mà ở được với nhau! Nhiều khi hai vợ chồng giận hờn, tui kêu ổng đi đi, ổng bảo không đi được, bà bệnh vậy sao tôi dám bỏ".
Về chuyện chênh nhau tận 22 tuổi có bị thiên hạ gièm pha hay không, anh Hai cho biết thi thoảng cũng thấy người đời nói nhiều câu khó nghe như “núp áo đàn bà”, “chạn vương”… Anh thoáng buồn nhưng không bận tâm, luôn đặt tình nghĩa vợ chồng lên hàng đầu.
“Tôi cảm nhận ông ấy thương yêu tôi thật lòng. Bữa có người phụ nữ đến tận nhà dụ ông ấy đi cùng, hứa cho cuộc sống sung túc và tiền bạc. Ông ấy từ chối và mời họ ra khỏi ra, hi vọng không làm phiền”, bà Lãnh chia sẻ.