Trong những năm qua, anh Hựu đã giúp đỡ hàng trăm người bị tai nạn giao thông trên đường ĐT 743, đoạn đường nối nhiều khu công nghiệp của Bình Dương với các cảng của TP.HCM.
Anh Hựu làm nghề sửa xe đạp. Ảnh: Lao Động |
Nỗi sợ bị người thân của các nạn nhân hiểu lầm, đuổi đánh, không có phương tiện và kỹ năng để cứu người đang nguy kịch... là rất nhiều lý do khiến không phải ai cũng dám đứng ra cứu người gặp nạn.
Dù vậy, trong nhiều năm qua, anh Lê Anh Hựu (39 tuổi, ngụ phường An Phú, thị xã Thuận An), sinh sống bằng nghề sửa xe đạp trên đường ĐT 743 đã chứng kiến và đưa tay giúp đỡ rất nhiều người gặp tai nạn giao thông.
Nói về việc làm của mình, anh Hựu chia sẻ: “Người dân bị tai nạn ở đây chủ yếu là người lao động nhập cư, khi bị tai nạn chỉ có một mình. Ở gần thấy người bị nạn nên đến hỗ trợ một tay đưa họ đi bệnh viện vì nghĩ rằng nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng”.
Hiển nhiên là cũng có những lúc gặp phải rắc rối. Anh Hựu cho biết: “Nhiều lần đưa người bị nạn đến bệnh viện bị bảo vệ giữ lại vì cứ nghĩ mình là người gây ra tai nạn. Khi đó người thân nạn nhân cũng chưa đến, nên mình đưa giấy tờ tùy thân, sau đó làm thủ tục nhập viện để bác sĩ cấp cứu kịp thời cho người bị nạn. Chờ công an đến xác minh rồi mới được về nhà”.
Liên quan tới việc cứu người bị nạn, có kinh nghiệm 2 năm làm công việc thiện nguyện là sơ cứu và đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đến bệnh viện, chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân (Đội trưởng đội Cứu nạn giao thông tình nguyện 911 ở khu vực quận Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ việc cứu giúp người cũng gặp nhiều rắc rối và điều này khiến nhiều người không dám đứng ra cứu giúp.
“Cái rắc rối cũng như nỗi sợ lớn nhất của những người cứu người bị tai nạn là sợ người nhà nạn nhân hiểu lầm. Phổ biến là người nhà nạn nhân chưa rõ sự tình đã nổi nóng lên, thấy ai ở đó đều nghĩ là người gây tai nạn rồi hành hung", chị Ngân cho biết.
Tuy hiểu tâm lý e ngại phiền phức của mọi người nhưng chị Ngân cũng rất vui mừng khi chứng kiến nhiều người không nề hà khi thấy người gặp nạn.
"Nhiều trường hợp người dân vẫn đưa nạn nhân đi bình thường. Nhớ có lần trời mưa, nghe tin tai nạn thì nhóm tôi chạy xuống, sơ cứu xong thì người dân nói để họ chở đi vì sợ chúng tôi mệt” - chị Ngân kể.
Vi An (T/h)