Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ăn xin Sài Thành: Chiêu “quản lý” nghiệt ngã để bóc lột tận xương tủy

(DS&PL) -

Tiếp tục theo dõi đường dây chăn dắt ăn xin tại địa bàn TP.HCM, chúng tôi xót xa khi chứng kiến những con người nghèo khổ, bị lợi dụng, trở thành công cụ kiếm tiền.

Tiếp tục theo dõi đường dây chăn dắt ăn xin tại địa bàn TP.HCM, chúng tôi xót xa khi chứng kiến những con người nghèo khổ, bị lợi dụng, trở thành công cụ kiếm tiền cho kẻ khác. Trong khi đó, kẻ “chăn dắt, đưa dẫn, quản lý” thường thuộc thành phần bất hảo, sống an nhàn. Để thoát khỏi sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức hết sức tinh vi nhằm lợi dụng lòng hảo tâm của người đời.

Về quê tuyển ăn xin

Hết sức khó khăn và tốn khá nhiều thời gian, chúng tôi mới tiếp cận được những người ăn xin trong các đường dây do một số đối tượng “dân xã hội” quản lý. Đa phần, người ăn xin đều bị kẻ chăn dắt quản lý chặt chẽ, cấm tiếp xúc với người lạ.

Thị Lanh (21 tuổi, quê một tỉnh miền Tây - tên nhân vật đã được thay đổi), một trong những phụ nữ bồng con nhỏ ăn xin ven tuyến đường Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP.HCM) cho biết, ai không nghe lời đều bị “chủ” hành hung, chửi bới. Cuộc nói chuyện giữa tôi và mẹ con Lanh kéo dài dưới mái hiên ngôi nhà bỏ hoang trên địa bàn huyện Bình Chánh (TP.HCM).

Cơn mưa chiều bất chợt ập đến. Người Lanh ướt đẫm. Đứa con nhỏ (chừng 2 tuổi) của Lanh liên tục úp mặt vào ngực mẹ khóc vì đói và lạnh. Không cầm được lòng, tôi mua lốc sữa của tiệm tạp hóa gần đó, đưa cho đứa nhỏ. Khi nhận quà cho con, Lanh gật đầu nói cảm ơn.

Những phụ nữ địu con ăn xin được kẻ chăn dắt tuyển từ các vùng quê nghèo.

Nhân cơ hội, tôi bắt chuyện, tìm hiểu về cuộc sống của những người ăn xin như Lanh. Ban đầu, Lanh khá rụt rè, tỏ vẻ cảnh giác với người lạ. Tuy nhiên, sau nửa giờ nói chuyện bâng quơ, Lanh bắt đầu cảm thấy thoải mái và ngậm ngùi chia sẻ về cuộc đời mình.

Lanh cho biết, chị đưa con nhỏ lên TP.HCM mưu sinh bằng việc đi ăn xin đến nay mới được 4 tháng. Năm 2013, Lanh lấy chồng cùng quê. Hai vợ chồng sống bằng nghề phụ hồ. Thế nhưng, cuộc sống gia đình Lanh khó khăn hơn khi các miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương lao động của anh chồng.

Đầu năm 2017, qua người quen giới thiệu, Lanh gặp D. (40 tuổi, ngụ TP.HCM). D. về tỉnh An Giang tuyển người làm phụ quán cơm, bán vé số, làm việc nhà,... tại TP.HCM. Nhân cơ hội, Lanh trình bày hoàn cảnh và mong muốn được lên TP.HCM làm việc. D. đồng ý và cho Lanh bồng theo hai con nhỏ.

Mẹ con Lanh cùng một nhóm người, chủ yếu trẻ em mồ côi, phụ nữ có con nhỏ được D. đón xe lên TP.HCM. Tại đây, cả nhóm được đưa vào một khu trọ thuộc xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh).

Sau ít ngày, D. hướng dẫn Lanh và nhóm trẻ đi xin ăn ở các ngã tư đường, khu chợ, công viên...

Hàng ngày, khoảng 7h sáng, cả nhóm được D. phát đồ ăn sáng. Người lớn được phát một hộp xôi, một chai nước lọc lấy sẵn từ nhà. Trẻ em được một bịch cháo và thêm một hộp sữa. Đến trưa, người của D. mang cơm hộp đến chỗ ăn xin phát cho cả nhóm. Đến 20h, tất cả được người của D. rước về phòng trọ. Lanh cho biết, mỗi ngày, một nhóm như vậy xin được từ 300.000 đồng – 500.000 đồng.

Tuy nhiên, số tiền này đều bị D. “giữ hộ”. Cuối tháng, D. phát cho mỗi người 3 triệu đồng tiền lương. Số còn lại, D. “trừ vào tiền ăn ở”. Dù tiền lương thấp hơn nhiều lần so với số tiền xin được mỗi ngày, biết là bị ăn chặn, bóc lột nhưng những người ăn xin không dám đòi thêm.

Chiêu thức quản lý “công cụ kiếm tiền”

Tôi bảo Lanh sao không thuê nhà trọ ở riêng để giữ nguyên số tiền xin được trong ngày. Sau một hồi im lặng, ngân ngấn nước mắt, Lanh nói: “Chắc không được. Nếu ai trong đường dây D. tuyển đi ăn xin bỏ trốn sẽ bị trừng phạt rất nặng. Tôi chứng kiến một số người ăn xin bỏ trốn và bị “ông chủ” tìm về đánh đập đến bị thương tích.

Mỗi lần đánh người, ông D. dùng roi tre vót nhỏ, thậm chí cầm gậy gỗ to bằng cổ tay đánh vào mặt, tay, chân, mông người trốn chạy. Mục đích của ông ta là để lại vết thâm, sẹo trên người nạn nhân. Khi nhìn thấy vết sẹo, mọi người không còn nghĩ chuyện bỏ trốn nữa và cũng dễ “hành nghề” hơn”.

Lanh nhận định, hầu hết những người ăn xin đều không biết chữ, không quen đường sá. Đặc biệt các chị phụ nữ bồng theo con nhỏ càng không thể xin được công việc ổn định. Những lý do trên buộc họ phải sống lệ thuộc vào sự quản lý của người chăn dắt. Nói tới đây, Lanh nhớ lại sự việc đau lòng vừa mới xảy ra với mình.

Lanh kể: “Cậu bé tên Min (8 tuổi) là trẻ mồ côi ở Sóc Trăng được ông D. đưa lên TP.HCM đi xin tiền được một năm. Mỗi ngày, bé xin được vài trăm ngàn. Một hôm trời mưa, Min chỉ đem về được 30.000 đồng. Ông chủ liền dùng roi mây đánh em thâm tím mình mẩy”.

Không những vậy, ngày hôm sau, D. còn bắt Min nhịn ăn và giam lỏng em trong phòng. Thấy cậu bé đói khát, khóc lóc, ai cũng đau lòng. Tuy nhiên, Lanh cho biết, không ai dám lại gần vì sợ ông chủ phát hiện, phạt lây. Hơn một ngày sau, ông chủ mới cho người mang cơm đến cho Min.

Cũng theo chị Lanh, hiện khu trọ mẹ con Lanh sinh sống có khoảng hơn 30 người từ nhiều tỉnh khác nhau thuộc miền Tây cùng ở. Trong đó, bao gồm trẻ em, phụ nữ có con nhỏ.

Mỗi phòng trọ chỉ rộng khoảng 10m2 . Đây là nơi ăn, ngủ chung của 10 người. Khu vực tắm rửa, vệ sinh đều ở bên ngoài. Thường ngày, mọi người đi xin tiền ngoài đường, đến tối mới về tắm giặt rồi ngủ. Chị Lanh cũng tiết lộ, D. còn dành riêng 2 phòng trọ cho trẻ mồ côi. Những đứa trẻ này được người thân gửi gắm cho D..

Lanh cho biết: “Những đứa trẻ nhỏ đi xin tiền, ông chủ đều bắt buộc chúng phải ăn mặc rách rưới, giả bệnh, vạ vật lề đường. Nhìn chúng tội nghiệp, bẩn thỉu mới có nhiều người qua đường cho tiền, quần áo. Tiền lương hàng tháng bọn trẻ xin về, ông D. nói sẽ gửi về dưới quê cho người nhà, nhưng thực tế không phải như vậy”.

Lanh kể, sắp tới, những người trong nhóm ăn xin của chị sẽ được chuyển về quận Bình Tân (TP.HCM) ở và “hành nghề”. Việc chuyển nơi ở vẫn thường xuyên diễn ra.

Chị cho biết, trung bình, cứ khoảng 2-3 tháng là chuyển chỗ trọ một lần. Đây được xem là một trong số chiêu quản lý người và địa bàn ăn xin của người chăn dắt để tránh “hôi chỗ” (xin tiền tại một địa bàn trong thời gian dài sẽ bị phát hiện, ít người cho- PV). Theo Lanh, ngoài ông chủ D., trong đường dây chăn dắt người ăn xin nói trên còn có anh em họ hàng của người này.

Họ thường đóng vai người tuyển lao động, về nhiều vùng quê nghèo ở khắp các tỉnh miền Tây để tuyển trẻ em, phụ nữ lên TP.HCM giúp việc nhà, phụ quán cơm... Tuy nhiên, trên thực tế, họ tuyển người vào đường dây ăn xin.

Do tính chất công việc có người đưa đón, bảo kê địa bàn, dù khốn khổ, bị bóc lột nhưng mọi người vẫn nhắm mắt đồng ý. Lanh kể, mỗi đường dây chăn dắt người ăn xin, các ông chủ đều đưa ra luật lệ quản lý riêng, hết sức ngặt nghèo. Theo đó, mỗi người phải xin được ít nhất 200.000 đồng/ngày.

Riêng những người xin tiền có ý định bỏ trốn, giấu giếm tiền xin được, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt đòn nặng và bị cắt lương 3 tháng liên tục. Ngoài ra, để đảm bảo ổn định địa bàn cho đội quân ăn xin, kẻ chăn dắt còn thuê nhóm thanh niên, xăm trổ đầy mình, lượn lờ xung quanh vị trí “làm việc”. Những người này có nhiệm vụ bảo kê địa bàn, tránh xảy ra tình trạng mâu thuẫn, đánh nhau, cướp giật giữa các băng nhóm ăn xin.

Một tháng không được phép ốm quá hai ngày

Lanh cho biết: “Ông chủ quy định một tháng không ai nghỉ bệnh quá hai ngày. Những người không may mắc bệnh sẽ vẫn đi xin tiền và có người khác ở bên túc trực, hỗ trợ. Ngược lại, ai bệnh nặng, nghỉ quá 5 ngày sẽ bị thải hồi”.

(Còn nữa)

Huệ Trần

Tin nổi bật