Vnexpress dẫn lời bác sĩ Trần Thị Trà Phương, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ăn uống cân bằng, lành mạnh có thể giúp giảm huyết áp, nguy cơ đột quỵ. Với người từng mắc bệnh, chế độ ăn khoa học góp phần rút ngắn thời gian hồi phục, tăng cường chức năng não.
Ưu tiên bổ sung chất xơ từ trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm lượng cholesterol, chất béo bão hòa, natri nạp vào cơ thể. Vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, chất xơ trong thực phẩm này cao có tác dụng bảo vệ tim mạch, giảm huyết áp, nguy cơ hình thành cục máu đông. Chế độ ăn này còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như hỗ trợ duy trì cân nặng hợp lý, cân bằng lượng đường trong máu... nhờ đó giảm nguy cơ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa, tim mạch, đột quỵ.
Theo bác sĩ Trà Phương, người lớn khỏe mạnh nên ăn khoảng 400 g rau xanh và trái cây mỗi ngày để đủ chất xơ, nên kết hợp các loại rau củ, trái cây nhiều màu sắc với nhau như đỏ, cam, vàng, xanh, tím. Rau quả sống và nấu chín có lượng chất xơ tương đương nhưng hàm lượng vitamin khác nhau, vitamin C có thể bị phân hủy khi đun nóng.
Những thực phẩm từ gà có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ vào mùa đông. Ảnh minh họa.
Ưu tiên các loại protein nạc lành mạnh như cá tươi, thịt nạc, thịt gia cầm, sữa, sữa chua, phô mai ít chất béo, trứng, các loại đậu... cung cấp axit amin cần thiết, cải thiện sức khỏe tim mạch, hỗ trợ tiêu hóa, duy trì cân nặng hợp lý.
Tăng cường thực phẩm giàu omega-3 trong cá (cá hồi, cá thu, các mòi, cá trích, hàu, trai), hạt lanh... có tác dụng tăng mức cholesterol tốt, ngăn ngừa hình thành cục máu đông và hạ huyết áp. Mỗi người nên ăn hai lần cá mỗi tuần với số lượng phù hợp theo tư vấn của bác sĩ.
Uống đủ nước, khoảng hai lít nước mỗi ngày, giúp cơ thể duy trì tính linh hoạt của mạch máu, vận chuyển tốt các chất dinh dưỡng đi nuôi dưỡng tế bào. Mất nước khiến máu đặc lại, cản trở lưu thông máu lên não, cơ thể giữ natri gây tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ do tổn thương mạch máu. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước cũng không tốt, nhất là ở người mắc bệnh tim, thận. Uống nước trong khi có triệu chứng đột quỵ sẽ gây nghẹn.
Cắt giảm muối để phòng tránh tăng huyết áp. Thay vì thêm muối, mọi người có thể sử dụng các loại thảo mộc, gia vị khác để tăng hương vị mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo người trưởng thành nên tiêu thụ dưới 5 g muối (tương đương một thìa cà phê) mỗi ngày, ưu tiên sử dụng muối ăn có bổ sung iốt.
Hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa và cholesterol như thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn hoặc chiên rán nhiều dầu mỡ... Thói quen này hỗ trợ giảm cholesterol lắng đọng trong động mạch, hạn chế nguy cơ tắc nghẽn hoặc tổn thương mạch máu.
Cắt giảm thực phẩm nhiều đường tránh nguy cơ béo phì, ổn định lượng đường trong máu. Nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ có thể cao hơn nếu tiêu thụ nhiều calo từ đường. Mọi người nên hạn chế thực phẩm có đường như nước ngọt, nước ép trái cây đóng hộp, bánh kẹo, mứt. Không nên thêm quá nhiều đường vào nước ép trái cây, rau củ hoặc sinh tố. Thức uống giàu canxi, kali như sữa hạt, sữa tách béo ít đường hoặc không đường hỗ trợ kiểm soát huyết áp, phòng ngừa tái đột quỵ.
Không lạm dụng bia rượu, cà phê vì dùng quá nhiều làm tăng mỡ máu. Caffein trong cà phê khiến người bệnh dễ căng thẳng, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, cản trở quá trình hồi phục sau đột quỵ.
Kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến đột quỵ, vì vậy kiểm soát huyết áp chính là chìa khóa để phòng ngừa. Người trên 35 tuổi nên thường xuyên đo huyết áp, nếu huyết áp vượt quá hoặc bằng 140/90 mmHg thì cần có biện pháp điều trị tương ứng.
Bệnh nhân tăng huyết áp nên tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và kiên trì dùng thuốc hạ huyết áp đúng giờ, không tự ý dừng lại. Trong thực hành lâm sàng, nhiều bệnh nhân đã gặp phải bi kịch xuất huyết não do tự ý ngừng dùng thuốc hạ huyết áp.
Tốt nhất nên đo huyết áp mỗi ngày một lần để nắm bắt kịp thời sự biến động của huyết áp và làm cơ sở để bác sĩ điều chỉnh thuốc hạ huyết áp.
Tránh cảm lạnh
Cảm lạnh có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh tim mạch, mạch máu não nên cần đặc biệt chú ý giữ ấm vào mùa đông để tránh nhiễm lạnh. Tốt nhất nên mặc ấm khi ra ngoài và nhớ đội mũ, đeo găng tay.
Trong nhà tương đối ấm áp nên bạn có thể mặc ít quần áo hơn. Chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời không được quá lớn, cần duy trì độ ẩm nhất định và mở cửa sổ thường xuyên để thông gió.
Sau khi bị cảm, bạn thường cảm thấy lạnh lưng, đau cổ, nhức đầu và chóng mặt. Nên cho 3 lát gừng, 2 củ hành lá, 2 củ hành trắng, 10g đường nâu, sắc lấy nước uống để ra mồ hôi nhẹ. Thực hiện các bài tập sức khỏe cổ để ngăn ngừa bệnh thoái hóa đốt sống cổ và bệnh mạch máu não.
Ghi nhớ quy luật cuộc sống
Cuộc sống có tính quy luật, kết hợp giữa chuyển động và tĩnh lặng. Cần kết hợp công việc với nghỉ ngơi. Nói cách khác, chú ý sắp xếp cuộc sống sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi đều đặn, tránh để rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài.
Để hình thành thói quen tập thể dục nhẹ hoặc vừa phải ngoài trời trong 30 phút mỗi ngày, bạn có thể chọn các bài tập nhẹ nhàng.
Không nên tập thể dục quá sớm vào mùa đông. Ảnh minh họa.
Không nên tập thể dục quá sớm vào mùa đông. Thời điểm tốt nhất để tập thể dục ngoài trời vào mùa đông là từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều khi thời tiết ấm áp và có nắng.
Tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện khả năng chống oxy hóa và chức năng miễn dịch của cơ thể, giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch, thúc đẩy lưu thông máu và cải thiện việc cung cấp máu cho não.
Điều quan trọng nhất của việc tập thể dục là sự kiên trì. Tùy theo hoàn cảnh cá nhân, hãy chọn phương pháp tập luyện phù hợp. Trong thời tiết mưa và lạnh sâu, bạn có thể chọn bài tập trong nhà.
Bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu
Hút thuốc có thể làm tổn thương nội mô mạch máu, dần dần làm tăng lipid máu, tăng độ nhớt của máu, giảm lưu lượng máu não, hẹp động mạch sớm và xơ cứng nhanh hơn.
Các chuyên gia đều đồng ý rằng hút thuốc là yếu tố nguy cơ thứ hai và thứ ba dẫn đến nhồi máu não, vì vậy nên tránh hút thuốc càng nhiều càng tốt.
Uống một lượng nhỏ rượu, đặc biệt là rượu vang, có thể cải thiện lưu thông máu. Nhưng đừng uống nhiều. Tốt hơn là uống không quá 50 gram mỗi ngày.
Những người mắc các bệnh tiềm ẩn như tăng huyết áp, bệnh tim mạch vành, xơ cứng động mạch não tốt nhất không nên uống rượu. Bởi sau khi uống rượu, dây thần kinh giao cảm bị kích thích khiến mạch máu co lại, áp lực tăng cao dễ dẫn đến xuất huyết não.