Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ăn thịt gà, trứng gà có bị lây cúm A/H5N1 không? Dấu hiệu mắc cúm A/H5N1 ở người

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Bệnh cúm A/H5N1 lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cúm A /H5N1 trên gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do virus cúm chủng H5N1 gây ra.

Cúm A/H5N1 là chủng cúm có độc lực cao, có khả năng lây nhiễm cao ở các loài chim và gia cầm, thi thoảng vẫn lây nhiễm cho con người từ động vật.

Cúm A/H5N1 trên gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do virus cúm chủng H5N1 gây ra. Ảnh minh họa.

Người bị nhiễm cúm A/H5N1 hầu hết liên quan đến tiếp xúc gần với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh, hoặc môi trường bị nhiễm mầm bệnh. Không có bằng chứng về việc bệnh có thể lây lan sang người thông qua thực phẩm được chế biến đúng cách và nấu chín kỹ.

Còn theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ăn thịt gia cầm và trứng nấu kỹ sẽ đảm bảo an toàn. Người dân không nên ăn thịt và trứng gia cầm mắc bệnh, thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM.

Các dấu hiệu cúm A/H5N1 ở người

Các chuyên gia cho rằng, người bệnh nhiễm cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Mùa đông thời tiết trở lạnh là dịp cao điểm dễ bùng phát thành dịch. Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm gia cầm H5N1 thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng.

- Sốt cao đột ngột (trên 38 độC)

- Đau ngực.

- Khó thở.

- Kèm theo:

+ Đau họng

+ Ho khan

+ Đau đầu

+ Đau nhức cơ

+ Mệt mỏi rã rời

Bệnh diễn biến nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Phòng cúm A/H5N1 lây sang người

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N1 lây sang người tại cơ sở y tế, gồm:

Đối với cán bộ y tế:

- Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi thăm khám và tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi thăm khám bệnh nhân.

- Phải tắm và thay quần áo khi ra khỏi bệnh viện.

- Nhỏ mũi, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn hàng ngày.

Con đường lây nhiễm đầu tiên và cũng dễ dàng nhất đó chính là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm và chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Ảnh minh họa.

Đối với người nhà bệnh nhân:

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định nhiễm virus cúm A/H5N1 theo đúng quy định cách ly bệnh nhân tại cơ sở y tế.

- Sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân ( khẩu trang, kính, mũ, quần áo phòng hộ) khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc đồ dùng, bề mặt môi trường liên quan đến bệnh nhân.

Các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N1 lây sang người tại cộng đồng

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống

- Đảm bảo vệ sinh hàng ngày.

- Không sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh.

- Sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi họng hàng ngày.

- Thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm phải được nấu chín kỹ.

Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, gia cầm mắc bệnh.

- Khi cần thiết tiếp xúc với người bệnh, gia cầm mắc bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, áo, rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc.

Tăng cường sức khỏe và phòng bệnh

- Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể.

Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như sốt cao, đau ngực, khó thở, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, ho...cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, theo thông tin từ báo Sức khỏe & Đời sống.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật