Trung bình mỗi giờ, có tới 4 phụ nữ bị cưỡng hiếp ở Ấn Độ và đối với phụ nữ chuyển giới, mọi việc thậm chí còn nguy hiểm hơn rất nhiều.
Đất nước nguy hiểm nhất đối với phụ nữ
Ấn Độ từ lâu đã phải vật lộn với nạn hãm hiếp. Gần đây, đất nước này đã bị xếp hạng là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với phụ nữ, một phần vì tồn tại nguy cơ cao bạo lực tình dục rất cao, theo một cuộc thăm dò của các chuyên gia quốc tế.
Trong khi bạo lực đối với phụ nữ ở Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của quốc gia. Hàng triệu người đã mạnh mẽ bày tỏ sự phản đối đối với hành vi tấn công tình dục, xâm hại và hãm hiếp sau khi một nữ sinh bị cưỡng bức và sát hại trên chiếc xe buýt ở Delhi vào năm 2012. Mặc dù vậy, nhiều người trong cộng đồng chuyển giới của đất nước này nói rằng họ cảm thấy tội ác chống lại những người như họ vẫn tồn tại trong bóng tối.
Ấn Độ là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với phụ nữ. Ảnh: Getty |
Khushi, một phụ nữ chuyển giới Ấn Độ, không bao giờ nghĩ rằng khi cô phản ứng lại việc một cảnh sát đã đụng chạm vào vòng 1 của cô lại khiến cô mất tới hơn 4 năm sau đó để tìm kiếm công lý. Khushi, 30 tuổi, hiện đang sống ở Mumbra, một thành phố ở ngoại ô Mumbai, cho biết: “Người dân Ấn Độ bày tỏ sự phẫn nộ mỗi khi có trường hợp cưỡng hiếp, nhưng không phải cho những người tôi”.
“Khi một phụ nữ chuyển giới bị cưỡng hiếp ở đất nước này, ban đầu, lực lượng cảnh sát sẽ chế giễu cô ấy, nói rằng cô ấy không có các ‘bộ phận’ để bị tấn công tình dục; và những gì sau đó là hàng loạt những bất công - có lẽ còn nghiêm trọng hơn cái đầu tiên", cô Khushi cho biết.
Trong một cuộc hành hương đến ngôi đền Hồi giáo ở bang Rajasthan, Khushi bị bắt và mang đến đồn cảnh sát, sau đó bị đánh đập và cưỡng hiếp. Với những tổn thương nặng nề cả về thể chất và tinh thần, cô đã nộp đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng.
Khushi cũng đã bị hỏi câu đó khi nộp đơn khiếu nại sau khi bị 3 cảnh sát cưỡng hiếp. Ban đầu, các nhà chức trách từ chối tin vào câu chuyện khủng khiếp của cô về hành vi tra tấn đó. Khiếu nại của cô đã được đưa ra 6 ngày sau khi cô bị tấn công - và chỉ sau khi cô được các nhà hoạt động LGBT (đồng tình nam, đồng tính nữ, lưỡng tính và chuyển giới) có ảnh hưởng hỗ trợ cũng như có các báo cáo y khoa xác nhận cô bị hãm hiếp.
Đó là tháng 6 năm 2014, Khushi cùng với 7 phụ nữ chuyển giới khác đã bị cảnh sát dừng xe khi đang di chuyển. Khushi nói rằng sĩ quan Bhawani Singh yêu cầu họ hối lộ để cho chiếc xe vượt qua, và khi cô từ chối, hắn ta động chạm vòng 1 của cô. Ngay sau đó, Khushi và những người bạn của cô đã bị bắt và giam giữ tại đồn cảnh sát Dargah ở Ajmer. Khushi nói rằng trong khi ở nhà ga, nhiều phụ nữ bị quấy rối, bị tấn công bằng dây lưng.
“Khoảng 3 giờ sáng hôm sau, hắn đánh thức tôi dậy, và kéo tôi bằng cánh tay vào một căn phòng khác, nơi 3 cảnh sát đứng chờ. Hắn ta nói rằng vì tôi không trả lời câu hỏi của hắn, giờ tôi phải cho họ xem vòng 1 của tôi có thật không. Ngay cả khi tôi cầu xin họ để cho tôi đi, họ đã lột quần áo của tôi, và 3 người trong số họ - Singh và 2 cảnh sát khác thay phiên nhau cưỡng hiếp tôi. Cảnh sát thứ 4, trong khi đó, quay cảnh hãm hiếp trên điện thoại”, Khushi nhớ lại khoảng thời gian kinh hoàng trong quá khứ.
“Cuộc tấn công chỉ dừng lại khi một nữ cảnh sát nghe thấy tiếng khóc của tôi và đến để giúp đỡ, yêu cầu những kẻ đó mở cửa căn phòng”, người phụ nữ chuyển giới kể.
Khushi sau đó bị giam giữ trong suốt 4 ngày và đã bị từ chối hỗ trợ y tế. Vụ án đã bị bỏ ngỏ trong suốt hơn 4 năm qua. “Một trong các cảnh sát đã bị đình chỉ, trong khi 3 người khác chỉ bị chuyển đi nhưng không có hành động pháp lý nào chống lại họ”, cô nói.
Malini Agarwal, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Ajmer không đưa ra bất kỳ bình luận nào cho đến hiện nay.
Những người phụ nữ chuyển giới gần như không được bảo vệ. Ảnh: Getty |
Bốn người bị cưỡng hiếp mỗi giờ
Theo số liệu mới nhất của chính phủ Ấn Độ, có 170.000 trường hợp phụ nữ bị cưỡng hiếp từ năm 2012 đến năm 2016. Điều đó có nghĩa là trung bình 4 phụ nữ nước này bị bị tấn công tình dục mỗi giờ trong giai đoạn đó.
Chính phủ đã có những thay đổi quan trọng trong luật chống hiếp dâm, và cũng ban hành luật mới trong 6 năm qua. Động thái này diễn ra sau khi làn sóng biểu tình phản đối xảy ra khắp cả nước liên quan đến vụ nữ sinh 23 tuổi ở Delhi bị hãm hiếp bởi 6 người đàn ông và ném ra khỏi xe buýt. Nạn nhân đã thiệt mạng vào 2 tuần sau vụ tấn công.
Đến tháng 4/2018, chính quyền trung ương đã thông qua một sắc lệnh trong đó áp dụng hình phạt tử hình cho những đối tượng bị kết án hãm hiếp các bé gái dưới 12 tuổi. Mặc dù vậy, trên thực tế, lạm dụng tình dục nhằm vào người chuyển giới và phụ nữ hầu hết vẫn bị làm ngơ. Ví dụ, Luật Chuyển đổi Nhân quyền xử lý bạo lực tình dục như một hành vi phạm tội nhỏ - hình phạt tối đa chỉ là 2 năm.
"Nếu bạn nhìn vào dự luật năm 2016, chính phủ thậm chí không định nghĩa hãm hiếp như một hành vi phạm tội", Santa Khurai, một người phụ nữ chuyển giới bản xứ và thư ký của Hiệp hội Manipur Nupi Mannbi - một tổ chức phi lợi nhuận cho cộng đồng LGBT ở bang Manipur chia sẻ.
Phụ nữ chuyển giới Ấn Độ bị phân biệt đối xử bởi chính những người thực thi phạm luật. Ảnh: Getty |
"Tất cả những gì họ đề cập đến là ‘lạm dụng thể chất’ và ‘lạm dụng tình dục’, các hình phạt trong khoảng từ 6 tháng đến 2 năm. Theo luật pháp Ấn Độ, vấn đề bạo lực tình dục hầu như không được giải quyết cho cộng đồng chuyển giới, không có hy vọng cho câu trả lời”, Khurai khẳng định.
Không giống như tội ác chống lại đàn ông, phụ nữ và trẻ em, chính phủ Ấn Độ không công bố số liệu thống kê hàng năm về tội ác chống lại người chuyển giới. Dữ liệu thường được các tổ chức phi chính phủ thu thập và một cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy 40% người chuyển giới phải đối mặt với một số loại lạm dụng tình dục ở Ấn Độ trước khi chuyển sang tuổi 18.
Khảo sát do Trung tâm Tài nguyên Y tế Swasti thực hiện - một nhóm phi lợi nhuận có trụ sở tại Bangalore , đã phỏng vấn 2.169 người chuyển đổi giới tính ở 3 bang: Maharashtra, Tamil Nadu và Karnataka. Kết luận cuối cùng cho thấy lạm dụng tình dục bắt đầu sớm nhất đối với họ là từ khi 5 tuổi, và tiếp tục sau đó, trong suốt thời thơ ấu.
Lỗ hổng pháp lý
Ấn Độ có luật cưỡng hiếp về giới tính mà trong đó đàn ông, theo định nghĩa của pháp luật, không thể bị cưỡng hiếp. Đã có kiến nghị về các điều khoản trung lập về giới, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết qua. Và do đó, mặc dù các trường hợp bạo hành tình dục đối với phụ nữ chuyển giới có nghiêm trọng đến đâu, những nạn nhân cũng không được trả lại công lý.
“Ngay cả khi nói đến phụ nữ chuyển giới, pháp luật hầu như không đến để giải cứu”, Salma Khan, 40 tuổi, một người phụ nữ chuyển giới và là chủ tịch của tổ chức phi chính phủ tại Mumbai Kinnar Maa Trust - hỗ trợ 5.000 người từ cộng đồng nói rằng họ không biết sử dụng quy chế như thế nào khi mà thực tế chẳng có một chút tác dụng?
“Hiến pháp Ấn Độ không phân biệt đối xử, nhưng những người thực thi pháp luật thì có. Trong số những người chuyển giới đã đăng ký với chúng tôi, ít nhất 1 trong 4 người từng là nạn nhân của nạn hãm hiếp hoặc bạo lực tình dục nghiêm trọng. Và trong số này, chỉ có 10% thành công trong việc khiếu nại chính thức với cảnh sát. Hầu hết trong số họ đã bị ngăn cản với cùng một câu hỏi: Anh/chị không phải là nam cũng không phải nữ, làm sao mà có thể bị cưỡng hiếp được?”, bà Khan nói.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo SCMP)