UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, ngày 15/12, tỉnh này và nhà đầu tư trúng thầu sẽ ký hợp đồng dự án đầu tư xây dựng sân bay Quảng Trị và chính thức khởi động dự án, báo Dân trí đưa tin.
Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị. Ảnh: Dân trí
Theo tạp chí Đầu tư tài chính, trước đó, ngày 29/11/2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Giao thông T&T – Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 là nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án.
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021. Dự án được thực hiện tại 2 xã Gio Quang và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tổng diện tích thực hiện dự án là trên 265,3ha. Quy mô đầu tư của dự án gồm 2 giai đoạn, tổng mức đầu tư dự kiến là 5.822,9 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 4 tháng.
Dự án được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn là Cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO), có khả năng phát triển cho khai thác tàu bay code E.
Cho phép khai thác các chuyến bay quốc tế khi có nhu cầu theo quy hoạch tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ và sân bay quân sự cấp II đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Quy mô đầu tư xây dựng các công trình hoàn thành trước năm 2026 gồm: xây dựng các công trình cơ bản của Cảng hàng không Quảng Trị đáp ứng khai thác khoảng 500.000 hành khách/năm; công trình khu bay gồm đường cất hạ cánh 2.400x45m; 2 sân quay đầu bố trí tại hai đầu đường cất hạ cánh kích thước 100x20x65m; 1 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào sân đỗ máy bay 244x15m, sân đỗ máy bay đáp ứng 3 vị trí code C.
Xây dựng công trình bảo đảm hoạt động bay; đài kiểm soát không lưu, công trình hạ tầng kỹ thuật khu mặt đất; công trình khu phục vụ mặt đất...Các công trình xây dựng sau năm 2030 gồm xây dựng công trình khu bay bảo bảo đảm khai thác.
Theo báo Vietnamnet, trong những năm gần đây, Tập đoàn T&T được biết đến là một nhà đầu tư “quen mặt” tại tỉnh Quảng Trị khi tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực như bất động sản, năng lượng, thương mại dịch vụ tại địa phương này.
Trong đó có thể kể đến như Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải (thuộc huyện Gio Linh) với tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng; Tham gia vào dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I (1.500 MW) cùng 2 doanh nghiệp khác là Tổng công ty năng lượng Hanwha (HEC) - Tổng công ty khí Hàn Quốc (KOGAS) - Tổng công ty điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO). Tổng vốn đầu tư giai đoạn I của dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD).
Trước đó, năm 2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T cũng tiến hành khảo sát nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp du lịch – dịch vụ - đô thị và sân golf tại khu vực xung quanh hồ Nghĩa Hy (thuộc khu vực xã Cam Thành và thị trấn Cam Lộ) với quy mô đề xuất 614 ha.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (Cienco4) có địa chỉ trụ sở đóng tại tầng 10-11, tòa nhà ICON4, số 243A đường Đê La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
CIENCO4 được thành lập ngày 5/11/2010, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt và đường bộ. Đến nay, công ty có vốn điều lệ đăng ký 3.370,7 tỷ đồng, cao hơn thời điểm giữa năm 2023 hơn 1.100 tỷ đồng. CIENCO4 là một đại gia trong lĩnh vực giao thông, nhất là với các dự án đường bộ.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh và nhà đầu tư trúng thầu để triển khai thực hiện dự án, đảm bảo đúng quy định.
Vân Anh (T/h)