Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, 100g cơm rang truyền thống sẽ chứa khoảng 163 kcal. Tuy nhiên, giá trị calo của cơm rang có thể thay đổi tùy theo các nguyên liệu như trứng, thịt, hải sản, rau củ cũng như các nguyên liệu khác được sử dụng trong quá trình nấu nướng.
Ví dụ, cơm rang thịt bò có lượng calo tương đối cao hơn nhờ thịt bò, có hàm lượng chất đạm, chất béo cao. Một đĩa cơm rang thịt bò 198g sẽ chứa khoảng 352 kcal, bao gồm 16g chất đạm, 55g carbohydrate cùng 8g chất béo.
Cơm rạng tôm lại ít chất béo hơn so với cơm rang thịt bò. Một phần cơm rang tôm 198g sẽ cung cấp khoảng 329 kcal, trong đó có 13g chất đạm, 55g carbohydrate với 6g chất béo.
Đối với cơm rang thịt lợn, lượng calo sẽ cao hơn một chút so với cơm rang thịt bò, bởi thịt lợn chứa nhiều chất béo. Một khẩu phần cơm rang thịt lợn 198g chứa 354 kcal, 15g chất đạm, 55g carbohydrate cùng 8g chất béo.
Một phần cơm rang thịt gà lại cung cấp khoảng 343 kcal trong 198g, ngoài ra còn chứa 14g chất đạm, 55g carbohydrate cùng 7g chất béo.
Do cơm rang rau củ chủ yếu từ cơm, trứng, kèm rau củ nên ít chất đạm và chất béo hơn so với các loại cơm rang có thêm thịt. Một đĩa cơm rang rau củ 166g sẽ chứa 289 kcal, bao gồm 6g chất đạm, 54g carbohydrate và 5g chất béo.
Giá trị calo của cơm rang có thể thay đổi tùy theo các nguyên liệu được sử dụng trong quá trình nấu nướng. Ảnh minh họa
Sử dụng cơm nguội để rang hoặc chiên nóng sẽ không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là khi dùng những loại cơm không được bảo quản hợp vệ sinh.
Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, việc thường xuyên ăn cơm rang vào buổi sáng có thể gây ra tình trạng khó tiêu, đầy bụng và khó chịu. Chưa kể, cơm rang nhiều dầu mỡ, không tốt cho những người ăn kiêng, mắc bệnh về dạ dày, đường tiêu hóa.
Bên cạnh đó, việc dùng cơm nguội từ ngày hôm trước không đúng cách cũng có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Nếu thường xuyên ăn ngoài hàng quán thì bạn nên lựa chọn cơm trắng thay vì cơm rang. Lý do là bởi cơm rang ở các hàng quán sẽ có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Ở các nhà hàng và quán ăn, cơm nguội, cơm thừa thường được dồn lại để tận dụng chế biến thành cơm rang. Việc dồn cơm như vậy có thể khiến cho cơm mới trộn với cơm cũ đã bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn làm gia tăng nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
Các chuyên gia chia sẻ, khi cơm để lâu ngày, bảo quản không đúng sẽ sản sinh ra độc tố. Cụ thể, trong cơm có thể chứa các bào tử của bacillus cereus - một vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm. Khi cơm được nấu chín, các bào tử này nếu có trong cơm thì vẫn có thể sống sót và gây nguy hiểm cho con người, đặc biệt là trong điều kiện để lâu ngày và bảo quản không đúng cách.
Nguy cơ mắc bệnh không chỉ đến từ cơm nguội để lâu ngày mà còn từ dầu mỡ được dùng để rang cơm. Để tiết kiệm chi phí, một số hàng quán đã sử dụng dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần rang cơm cho khách ăn. Loại dầu mỡ này rất nguy hiểm, có thể sản sinh chất gây ung thư khi sử dụng để rang cơm.