(ĐSPL) – Các chuyên gia y tế cho biết, thuốc kém chất lượng luôn là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng của người dân.
Liên quan đến vấn đề thuốc kém chất lượng hiện nay bị các cơ quan quản lý thu hồi, xử phạt, phóng viên đã có cuộc trao đổi với cùng Dược sĩ Đại học Trịnh Ngọc Gụ - Trưởng khoa dược Bệnh viện Đa khoa Hà Nội và Bác sĩ Phạm Thị Khuê – Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Sau khi nhận thông báo từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế về quyết định thu hồi, đình chỉ các loại thuốc kém chất lượng thì các bệnh viện có động thái ra sao?
Dược sĩ Trịnh Ngọc Gụ: Đầu tiên phải nói đến việc kiểm soát thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam mà Bộ Y tế, Sở Y tế cụ thể hơn là Cục quản lý dược quản lí rất chặt chẽ. Thuốc vào bệnh viện phải đủ giấy tờ yêu cầu cũng như bệnh viện phải tuân thủ đúng những tiêu chí do Bộ Y tế đề ra.
Tuy nhiên, trong quá trình lưu thông vẫn có những loại thuốc không đảm bảo chất lượng. Những loại thuốc này được Bộ Y tế gửi thông báo trên trang điện tử chính thức của Bộ. Những loại thuốc không được phép lưu hành, bị đình chỉ do thiếu chất lượng hay hết visa như thông báo của Bộ Y tế sẽ được các bệnh viện rà soát lại. Cụ thể tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, chúng tôi quản lý thuốc bằng phần mềm và sẽ kiểm tra ngay kho thuốc có loại thuốc đó không. Nếu có thuốc như trong thông báo từ Bộ Y tế, bệnh viện tiếp tục kiểm tra về tên thuốc, hoạt chất, số đăng ký, số lô, hạn dùng, nếu trùng khớp các dữ liệu với thông báo bệnh viện sẽ mời Hội đồng kiểm kê niêm phong số lượng thuốc hiện còn, sau đó thông báo với nhà sản xuất, công ty cung ứng nhận lại xử lí.
Ông có thể ví dụ cụ thể về trường hợp của một loại thuốc bị thu hồi từng có trong kho thuốc của bệnh viện?
Dược sĩ Trịnh Ngọc Gụ: Cách đây hơn một năm, cụ thể là ngày 22/9/2015, Bộ Y tế có thông báo về việc đình chỉ thuốc Telfast HD 180 và Telfast BD 60 của Công ty Sanofi – Aventis Việt Nam. Tuy nhiên, khi kiểm trả thì lô thuốc và giấy phép lưu hành không phải trên thông báo nên bệnh viện vẫn sử dụng bình thường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thông báo rộng rãi trong bệnh viện về việc đình chỉ Telfast HD 180 và Telfast BD 60 của Công ty Sanofi – Aventis tại Việt Nam chứ không phải Công ty Sanofi tại nước ngoài, để các bác sĩ vẫn kê đơn cho bệnh nhân. Việc quản lý thuốc trên phần mềm giúp bệnh viện kiểm soát thuốc dễ dàng hơn và kịp thời điều chỉnh theo những thông báo từ Bộ, Sở Y tế.
Khi có quyết định về việc thu hồi thuốc nhưng loại thuốc đó vẫn được sử dụng trên người bệnh thì sẽ có ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?
Bác sĩ Phạm Thị Khuê: Khi có quyết định thu hồi thuốc, tức là thuốc đó không đảm bảo mà vẫn sử dụng là vô cùng nguy hiểm cho người bệnh. Khi thuốc không đủ chất lượng có thể về độ tan rã, hoặc độ phân giải…mà vẫn sử dụng sẽ dẫn đến việc người bệnh không thể khỏi bệnh theo phác đồ điều trị. Chưa kể đến việc bệnh nhân cũng có thể gặp tình trạng dị ứng thuốc. Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ nhất là sự kích ứng đến buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng, điển hình như sốc phản vệ… gây nguy hiểm cho người dùng.
Bác sĩ Phạm Thị Khuê – Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Nội. |
Việc sử dụng thuốc có quy định, một trong số đó là đủ hàm lượng và Cục dược đã có những quy định rất chặt chẽ về lưu hành thuốc. Khi một loại thuốc được đưa ra thị trường, nó phải theo đúng quy trình kiểm nghiệm rồi đủ các tiêu chuẩn như công bố. Nếu vẫn có thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.
Làm thế nào phân biệt giữa thuốc giả và thuốc kém chất lượng, thưa bà?
Bác sĩ Phạm Thị Khuê: Đây là một vấn đề rất khó. Thuốc giả là thuốc không rõ đặc tính, nguồn gốc thậm chí sai hoạt chất. Chưa kể việc thuốc giả hiện nay còn được đóng gói mẫu mã tinh vi khó mà nhận biết được bằng mắt thường. Trong khi đó thuốc kém chất lượng thì gần như phụ thuộc vào các nhà quản lý. Nhưng nói chung lại, thuốc giả hay thuốc kém chất lượng đều vô cùng nguy hại đến sức khỏe bệnh nhân khi vô tình sử dụng.
Thuốc giả dễ trà trộn vào các bệnh viện không?
Bác sĩ Phạm Thị Khuê: Trong môi trường như bệnh viện, khi Ban lãnh đạo và Khoa dược làm chặt thì không bao giờ có hiện tượng thuốc giả trà trộn. Thuốc khi nhập vào phải là của công ty có nguồn gốc, có hóa đơn đỏ, có hồ sơ công bố, có visa… nói tóm lại thuốc phải đủ tiêu chuẩn thì bệnh viện mới nhập về.
Còn đối với thuốc không đủ chất lượng?
Bác sĩ Phạm Thị Khuê: Đối với thuốc không đủ chất lượng thì rất khó bởi một loại thuốc khi có đủ điều kiện lưu hành trên thị trường thì đương nhiên bệnh viện sẽ nhập về. Đây là vấn đề cấp thiết mà các nhà quản lý cần có những biện pháp cụ thể để hạn chế, tránh để người bệnh phải sử dụng những loại thuốc kém chất lượng.
Chất lượng thuốc có phải nằm trong tay các doanh nghiệp và giải pháp để hạn chế thuốc kém chất lượng trôi nổi trên thị trường theo quan điểm của bà là gì?
Bác sĩ Phạm Thị Khuê: Việc đánh giá chất lượng thuốc đầu tiên là do chính các công ty dược, nơi nhập khẩu hoặc sản xuất. Sau đó đến cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý phải tổ chức bộ phận chuyên môn hoặc hợp đồng với các cơ quan chuyên môn để đánh giá về chất lượng thuốc trên thị trường. Về mặt giải pháp, đầu tiên cần xem cách quản lý thuốc của các nước trên thế giới thế nào? Họ có gặp hiện trạng thuốc kém chất lượng không và cách tháo gỡ của họ ra làm sao? Từ đó mình rút kinh nghiệm. Đồng thời cũng cần có những chế tài xử lý thật nghiêm khắc đối với các công ty cố tình sai phạm.
Có nhiều công ty sai phạm nhiều lần, bà thấy sao về điều này.
Bác sĩ Phạm Thị Khuê: Trong làm ăn, chữ “tín” vô cùng quan trọng. Nếu một công ty dược làm thất tín nhiều lần có lẽ phải “xóa sổ” ngay. Cơ quan chức năng cần mạnh tay với những công ty vi phạm nhiều lần về chất lượng thuốc, khi có những xử lý nghiêm khắc chắc chắn sẽ là bài học cho những công ty khác.
Theo BS giải pháp nào giúp người sử dụng tránh mua phải thuốc kém chất lượng?
Bác sĩ Phạm Thị Khuê: Đầu tiên người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức tối thiểu; tuyệt đối không mua thuốc mà không có đơn của bác sỹ, khi mua cần cẩn thận đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, công ty sản xuất để tránh mua nhầm thuốc giả, thuốc quá hạn sử dụng. Bên cạnh sự cảnh giác của người dân, ngành chức năng cũng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và pháp luật phải mạnh tay hơn trong việc xử lý để trên cơ sở đó bảo vệ được sự an toàn của người dân.
Xin cảm ơn!