Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ám ảnh kinh hoàng nỗi lo rắn độc cắn vào mùa mưa

(DS&PL) -

Tuy ở ngay thời điểm bị rắn độc cắn bệnh nhân sẽ cảm thấy không quá đau nhưng nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Vào mùa mưa, rắn độc xuất hiện càng nhiều hơn, nhất là khu vực có cỏ mọc um tùm. Tuy ở thời điểm bị rắn cắn bệnh nhân cảm thấy không quá đau nhưng nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân hãi hùng thoát khỏi tử thần vì bị rắn độc cắn

Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Đặng Thị Thúy – Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, cho biết: Thời gian gần đây mưa nhiều, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì bị rắn độc cắn. Người nào bị rắn độc cắn mà không được chữa trị kịp thời, thì rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Nằm trên giường bệnh, anh Lò Văn Mẳn, dân bản Lót (xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) rùng mình kể lại việc anh bị rắn cắn.

Giọng anh Mẳn run run: “Sáng sớm ngày 1/8, tôi vào rừng hái măng. Dọc đường đi tôi nghĩ, hôm nay sẽ hái được nhiều măng, vì mấy hôm rồi trời mưa liên tiếp. Khi vào tới rừng, nhìn thấy khóm măng tươi tốt, tôi tiến lại gần để hái. Vừa mới chạm vào cây măng, tay tôi đột nhiên nhói lên. Theo phản xạ tự nhiên, tôi rụt tay lại. Nhìn thấy con rắn xanh đang bò gần đó, tôi mới biết là mình vừa bị nó cắn. Chỉ ít phút sau, bàn tay tôi sưng vù rồi lan lên cả cánh tay. Tôi vội vã quay về nhà, bảo vợ đưa lên Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu”.

Bệnh nhân Cà Thị Hương (bản Giáng, xã Chiềng Đen, TP. Sơn La) bị sưng nề từ bàn tay đến tận bả vai do bị rắn độc cắn khi đang cắt cỏ. Ảnh: Dân Việt

Cũng là một bệnh nhân bị rắn cắn, chị Cà Thị Hương, ngụ tại bản Giáng (xã Chiềng Đen, T.P Sơn La, tỉnh Sơn La) đang điều trị tại khoa cấp cứu, Bệnh viên Đa khoa Sơn La, chưa hết bàng hoàng, kể: “Khoảng 17h chiều ngày 31/7, khi tôi đang cắt cỏ voi về cho bò ăn, thì bị con rắn xanh to như chuôi dao, cắn vào mu bàn tay trái.

Biết con rắn đó là rắn độc, tôi định đến bệnh viên luôn để được các bác sĩ cứu chữa kịp thời nhưng vì nhà anh trai có việc nên tôi nán lại. Đến khoảng 22h tối cùng ngày, thấy tôi có biểu hiện bị co giật, khó thở nên người nhà vội vàng đưa ra Bệnh viện tỉnh cấp cứu. Được các bác sĩ bệnh viện tiêm, truyền và cho uống thuốc nên tôi đã đỡ nhiều”.

Được biết, tính đến ngày 3/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận 6 trường hợp bị rắn độc cắn. Trong đó, có 3 bệnh nhân nằm ở khoa cấp cứu, 3 người còn lại thì điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của bệnh viện tỉnh.

Cũng theo Bác sĩ Thúy, mùa này là mùa mưa nên rắn xuất hiện rất nhiều, nhất là ở khu vực rừng núi, nơi có nhiều bờ bụi, cỏ mọc um tùm. Người nào bị rắn độc cắn mà không chữa trị kịp thời thì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn rất nguy hiểm đến tính mạng.

Tại quận Thủ Đức (TP.HCM) và các khu vực lân cận, người dân cũng hết sức lo lắng khi nhiều người bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Theo đó, mới đây, Bệnh viện quận Thủ Đức cũng vừa tiếp nhận một trường hợp bị rắn độc cắn.

Nạn nhân là ông T.M.T (sinh năm 1954, ngụ phường Tân Phú, quận 9) là nhân viên bảo vệ. Trong lúc phát quang bụi rậm để dọn dẹp trong khuôn viên trường, bất ngờ ông T. bị rắn cắn vào tay. Ngay lập tức ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu, truyền huyết thanh và thuốc kháng sinh. Sau một ngày được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc A, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục.

Làm gì để bảo toàn tính mạng khi bị rắn độc cắn?

Nếu không sơ cứu đúng cách, bệnh nhân bị rắn độc cắn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh minh họa

Trao đổi với PV Tri thức Trực tuyến, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, khoa Hồi sức tích cực chống độc A của Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân có thể gặp các hiện tượng như tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Nguy hiểm hơn, nếu không sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể sốc tâm lý, chất độc di chuyển đến tim, rối loạn đông máu và nguy hiểm đến tính mạng.  

Theo bác sĩ Dũng, khi bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, nạn nhân tuyệt đối không đắp các loại lá hay thảo dược mà cần sơ cứu đúng cách.

Đầu tiên, nạn nhân cần được rửa sạch vết thương, đặt nằm thoải mái, phần bị thương cao hơn để giảm áp lực máu. Sau đó, băng ép miếng gạc hoặc khăn phía trên vết thương từ 5-10 cm để ngăn chất độc lan ngược lại các bộ phận khác và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế. Lưu ý, khi bị rắn cắn người dân tuyệt đối không rạch rộng vết thương, không tự ý buộc dây ga-rô chặt ở vị trí rắn cắn và phải tháo tất cả các dụng cụ, đồ trang sức. Bởi việc bị cố định kéo dài có thể làm cho vết cắn sưng nề nặng hơn, dẫn đến hoại tử chi về sau.  

Bên cạnh đó, khi dọn dẹp, người dân nên mặc quần dài, áo dài tay, đi ủng, mang bao tay dày, trùm kín vùng đầu, cổ, mặt, đeo kính bảo hộ và khua gậy dài trước khi dọn cỏ. Đồng thời, các gia đình có thể trồng các loại cây như sả, sắn dây, hoa lan tỏi để ngăn không cho rắn lục đuôi đỏ đến gần. 

Theo các nhà khoa học, rắn lục đuôi đỏ thuộc họ Rắn lục (Viperidae). Đây là loại rắn cực độc trong số các loại rắn lục, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ. Rắn lục đuôi đỏ thường sống trong các bụi rậm, cây cối, nên da màu xanh của loài rắn này có thể dễ dàng ngụy trang mà người dân khó phát hiện. 

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật