Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ai dễ gặp di chứng hậu COVID-19?

(DS&PL) -

Các bệnh lý hậu COVID-19 đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, không chỉ ở người lớn mà còn lưu tâm hơn ở trẻ nhỏ.

Đối tượng có nguy cơ bị hậu COVID-19 cao

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học UCLA cho thấy 30% người từng mắc COVID-19 đã gặp phải các triệu chứng kéo dài sau đó.

Những người có nguy cơ bị hậu COVID-19 cao nhất là nhóm có tiền sử nhập viện, tiểu đường, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao. Đặc biệt, các tác giả khẳng định sắc tộc, tuổi tác, tình trạng kinh tế xã hội không liên quan hội chứng này mặc dù nó có tác động nguy cơ bị bệnh nặng, tử vong cao hơn ở người mắc COVID-19.

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, Liên minh Vaccine (Gavi) cũng xác định một số yếu tố xác định những người có nguy cơ gặp di chứng hậu COVID-19 cao.

- Giới tính sinh học: Phụ nữ, đặc biệt người ở độ tuổi 40-60, có nhiều nguy cơ phát triển các triệu chứng liên tục như mệt mỏi, khó thở, sương mù não, đau cơ, lo lắng, trầm cảm, sau khi mắc COVID-19 hơn đàn ông.

- Độ tuổi: Hơn 22% người trên 70 tuổi báo cáo về các triệu chứng kéo dài từ 4 tuần trở lên, so với 1/10 những người từ 18 đến 49 tuổi.

Tuy nhiên, nghiên cứu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) của Vương quốc Anh cho thấy di chứng COVID-19 có nhiều khả năng tấn công F0 ở giai đoạn trung niên. Theo nghiên cứu này, 1,3 triệu người dân tại Anh (2% dân số) đã trải qua các triệu chứng hậu COVID-19 vào tháng 12/2021, với tỷ lệ mắc cao nhất là nhóm 35-69 tuổi.

- Bệnh lý từ trước: Tình trạng sức khỏe tâm thần kém từ trước liên quan khả năng gặp di chứng hậu COVID-19. Những người này có nguy cơ mắc cao hơn 50%. Ngoài ra, người mắc bệnh hen suyễn cũng có nguy cơ gặp di chứng cao hơn 32%

- Nhiều triệu chứng ban đầu: Những người trải qua hơn 5 triệu chứng trong tuần đầu tiên mắc bệnh có nguy cơ bị di chứng sau đó cao hơn 3,5 lần so với nhóm có ít triệu chứng.

- Tải lượng virus: Những người có tải lượng virus trong cơ thể cao dễ phát triển các triệu chứng dai dẳng. Ngoài ra, cơ thể họ kiểm soát nhiễm trùng ban đầu kém hơn nên dễ gặp phải di chứng.

Ngoài ra, những người có tự kháng thể cao, từng nhiễm Epstein-Barr, thay đổi lớn về vi khuẩn đường ruột, chưa được tiêm chủng vaccine cũng dễ gặp di chứng hậu COVID-19, theo Tri thức trực tuyến.

Làm gì để hạn chế hội chứng hậu COVID-19?

Đề cập tới các lưu ý trong việc phòng và điều trị hội chứng hậu COVID, BS Nguyễn Công Hân- Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị quốc tế Hà Nội trao đổi với VOV.VN rằng việc tập trung nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch, phục hồi sức khỏe để trở lại cuộc sống bình thường là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, phụ thuộc và mức độ, tình trạng của người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra pháp đồ điều trị phù hợp.

Từ kinh nghiệm điều trị cho hàng nghìn F0 trong suốt thời gian qua, BS Công Hân khuyến cáo, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra, tầm soát sức khỏe, chẩn đoán hội chứng hậu COVID vào khoảng 6 - 8 tuần sau khi mắc bệnh. Bởi sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân vẫn còn tồn tại một số biểu hiện bất thường, có thể là dấu hiệu mới hoặc triệu chứng tái phát. Thời gian tối thiểu sau 4 tuần, các triệu chứng mới được gọi là tình trạng hậu COVID.

Ảnh minh họa.

Cũng theo khuyến cáo của các bác sĩ, người bệnh có thể tự thực hiện những phương pháp cải thiện sức khỏe tại nhà để hạn chế hội chứng hậu COVID.

Ăn uống đầy đủ

Để các tế bào miễn dịch có nhiều năng lượng để hoạt động, người bệnh nên bổ sung chất dinh dưỡng bằng cách ăn uống đầy đủ. Có 3 nhóm thực phẩm cần phải đặc biệt chú trọng là: thực phẩm giàu đạm, chất béo và vitamin.

Để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên ăn nhiều rau xanh đậm, trái cây có màu đỏ vàng để nạp vitamin, khoáng chất cho cơ thể. Bên cạnh việc tăng sức đề khác, những loại thực phẩm này còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và hấp thu lượng Cholesterol xấu, dư thừa.

Ngoài ra, người bệnh nên kết hợp ăn những thực phẩm giàu protein, acid amin thiết yếu nhằm phục vụ cho các hoạt động duy trì của cơ thể. Để gia tăng cảm giác ngon miệng và tránh tình trạng khó tiêu, người bệnh có thể chế biến các món ăn đa dạng như: nấu kỹ, thái nhỏ, hầm mềm…

Uống nhiều nước

Trong quá trình mắc COVID-19, các triệu chứng: sốt, nhiễm virus, tiêu chảy,... đã khiến cho cơ thể người bệnh mất nhiều nước. Để bù đắp lại số lượng nước đã mất trong thời gian đó, người bệnh nên tăng cường uống nhiều nước, từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.

Bệnh nhân cũng có thể lựa chọn nước ép, sinh tố làm từ những loại trái cây tùy theo sở thích như: chanh, cam, bưởi, cà rốt… Những loại thức uống này không những cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất mà còn giúp bù nước cho cơ thể.

Đồng thời, các loại nước uống có gas, bia rượu hay các sản phẩm có chứa chất kích thích cũng cần phải hạn chế.

Tập thở

Tập thở là một bài tập quan trọng giúp người bệnh phục hồi chức năng của phổi, giảm tình trạng khó thở sau khi mắc COVID-19. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các động tác, tần suất tập luyện phù hợp để mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện nay, những bài tập thở được áp dụng phổ biến cho F0 khỏi bệnh có thể kể đến: hít thở sâu, thở cơ hoành, ngáp cười,…

Bên cạnh các bài tập thở, người bệnh cũng nên tập thêm những động tác giãn cơ vai, cơ cánh tay, cơ đùi… Những động tác này có tác dụng thư giãn cơ, giảm tình trạng đau cơ, mệt mỏi.

Hiện tại, nguy cơ của hội chứng hậu COVID vẫn còn tiềm tàng rất nhiều nguy hiểm. WHO vẫn tiếp tục triển khai các nghiên cứu để đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng của hội chứng hậu COVID tới sức khỏe. Vì vậy, người bệnh từng mắc COVID-19 cần nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe, theo sát các hướng dẫn của đội ngũ y tế và có kế hoạch thăm khám, chẩn đoán hội chứng hậu COVID hợp lý để giảm thiểu tối đa những hậu quả không mong muốn.

Linh Chi (T/h)

Tin nổi bật