Sáng 27/3, phát biểu Hội thảo "Chuyển đổi số - Nhận thức và hành động", ông Nguyễn Tiến Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là mệnh lệnh của thời đại, là động lực mạnh mẽ giúp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả và tạo ra những giá trị thiết thực.
Ông Nguyễn Tiến Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Đỗ Long).
Với quyết tâm cao, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cam kết đưa chuyển đổi số vào các hoạt động, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng xuất bản, mở rộng phạm vi tiếp cận độc giả và khẳng định vị thế trong kỷ nguyên số.
Số hóa nội dung là xu hướng tất yếu
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Dương - Phó Trưởng ban Chiến lược sản phẩm, VNPT IT nhận định chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để tồn tại và phát triển. Trong đó chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt lĩnh vực xuất bản đóng vai trò quan trọng trong thời đại mới.
Tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đã xác định chuyển đổi số là trọng tâm chiến lược để thúc đẩy kinh tế - xã hội, tập trung vào 3 trụ cột chính: kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.
Về chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, ông Nguyễn Tuấn Dương nhận định, tại Việt Nam, quá trình này đang diễn ra mạnh mẽ. Tính đến đầu năm 2025, có 31 trên tổng số 57 NXB đã đăng ký hoạt động xuất bản ấn phẩm điện tử, chiếm 54,4%.
Ông Nguyễn Tuấn Dương - Phó Trưởng ban Chiến lược sản phẩm, VNPT IT.
Trước đó, năm 2024, số lượng xuất bản ấn phẩm điện tử đã đạt hơn 4.000 đầu sách, tăng 120,7% so với năm 2023, nâng tỉ lệ xuất bản ấn phẩm điện tử lên gần 9%.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số trong ngành xuất bản, ông Dương nhấn mạnh rằng số hóa nội dung là xu hướng tất yếu. Các nhà xuất bản không thể chỉ phụ thuộc vào sách in mà cần mở rộng sang các định dạng số để đáp ứng nhu cầu tiếp cận nội dung hiện đại.
Xuất bản không chỉ dừng lại ở việc phát hành sách, mà quan trọng hơn là thấu hiểu độc giả. Việc ứng dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn sẽ giúp cá nhân hóa trải nghiệm đọc, đồng thời nâng cao tỉ lệ chuyển đổi.
Tuy nhiên, ông Dương cũng lưu ý rằng quá trình chuyển đổi số đi kèm với rủi ro về bản quyền, do đó, các nhà xuất bản cần tích hợp công nghệ bảo vệ nội dung như blockchain, AI… để đảm bảo an toàn.
Đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Dương đề xuất một số giải pháp nhằm tạo ra môi trường học tập hiện đại. Cụ thể, cần áp dụng các công nghệ tiên tiến và phương pháp giáo dục số thông qua hệ sinh thái học tập trực tuyến như LMS, MOOC hoặc các ứng dụng quản lý dành cho phụ huynh và học sinh.
Ngoài ra, để triển khai hiệu quả quá trình chuyển đổi số, ông Dương đề xuất thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai đồng bộ và giám sát chặt chẽ. Đồng thời, việc hoàn thiện thể chế cũng rất quan trọng, bao gồm rà soát, sửa đổi và bổ sung các quy định nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số và các ứng dụng công nghệ, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Cuối cùng, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng thông qua các khóa học chuyên sâu về chuyển đổi số, giúp nâng cao năng lực của đội ngũ trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ.
Thị trường AI ngành xuất bản toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 30,8%/năm
Cũng tại hội thảo, bà Phan Thị Thanh Ngọc – chuyên gia tư vấn ứng dụng AI nhấn mạnh rằng trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những tác động mạnh mẽ đối với ngành xuất bản, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong kỷ nguyên số.
Theo dự báo, thị trường AI trong ngành xuất bản toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 30,8% mỗi năm. Hiện nay, AI đã được tích hợp vào hầu hết các khâu sản xuất nội dung, từ biên tập, định dạng, dịch thuật đến tiếp thị và phân phối.
Trong nửa đầu năm 2023, có 49% NXB đã ứng dụng AI tạo sinh (Generative AI). Xu hướng này tiếp tục được đẩy mạnh khi 63% NXB dự kiến triển khai các công cụ AI đa phương tiện tích hợp văn bản, hình ảnh, âm thanh từ nay đến năm 2026.
Bà Phan Thị Thanh Ngọc – chuyên gia tư vấn ứng dụng AI.
Theo chuyên gia, việc ứng dụng AI giúp tối ưu thời gian sản xuất trên tất cả các ấn phẩm, đồng thời tiết kiệm chi phí nhờ tối ưu hóa quy trình và tái định dạng nội dung.
Trong hoạt động tiếp thị, khoảng 21% NXB đã sử dụng AI để nghiên cứu từ khóa SEO, giúp nâng cao hiệu quả marketing gấp 5 lần so với cách làm truyền thống.
Riêng trong lĩnh vực dịch thuật, AI cho phép xuất bản đa ngôn ngữ, mở rộng thị trường độc giả và bản địa hóa nội dung. So với phương pháp dịch thuật truyền thống, AI giúp giảm 60% chi phí, tăng tốc độ dịch gấp 4 lần và nâng doanh thu toàn cầu.
Tuy nhiên, AI cũng đặt ra thách thức lớn đối với ngành xuất bản, đặc biệt là vấn đề vi phạm bản quyền và sao chép lậu. Đây là bài toán cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, NXB và các nền tảng công nghệ để xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi của tác giả.
Trong lĩnh vực giáo dục, bà Phan Thị Thanh Ngọc khẳng định, nếu tận dụng tốt những tiềm năng này, kết hợp với chiến lược và chính sách phù hợp, ngành xuất bản Việt Nam có thể vươn tầm quốc tế trong kỷ nguyên số.
Thu Hương - Quỳnh Chi