Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ADN cá nhân, giọng nói, mống mắt sắp được đưa vào cơ sở dữ liệu căn cước công dân

  • Phương Uyên
(DS&PL) -

Chiều 6/2, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề đánh giá các giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, phát biểu khai mạc hội thảo, thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết Luật Căn cước mới có hiệu lực từ ngày 1/7, trong đó có nội dung quy định bổ sung thêm thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói và mống mắt.

Liên quan việc thu thập thông tin sinh trắc học trên, ông nêu rõ từ kinh nghiệm các nước trên thế giới có thể tạm thời phân ra làm 3 nhóm: nhóm nước đã đưa ra triển khai nhưng không thành công; nhóm nước triển khai nhưng hiệu quả chưa cao do sự nghi ngờ, ái ngại của người dân, người dân chưa ủng hộ, đồng thuận và nhóm nước đã triển khai rất thành công khi người dân hưởng ứng tham gia rất đông đảo và háo hức một cách tự nhiên.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc. Ảnh: Tuổi trẻ

"Những kết quả của nhóm nước thành công trong áp dụng công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt không chỉ phục vụ lợi ích của cá nhân người dân mà còn phục vụ sự phát triển của cả quốc gia, đất nước, đem lại giá trị lớn lao cho xã hội", ông Ngọc nói.

Ông Ngọc đồng thời đặt câu hỏi, từ kinh nghiệm triển khai của các quốc gia trên thế giới thì câu chuyện đặt ra, tới đây Việt Nam sẽ triển khai thực hiện như thế nào để thuận tiện nhất, đạt được hiệu quả cao nhất? "Việc triển khai, ứng dụng phải đảm bảo đáp ứng cơ sở phù hợp với chính sách pháp luật của đất nước Việt Nam, thông lệ khu vực, quốc tế và tình hình thực tế của người dân", ông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định Bộ Công an rất cầu thị, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế để bổ sung các nội dung liên quan. Đồng thời báo cáo Chính phủ lựa chọn phương án tối ưu, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất, chống lãng phí phục vụ phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Theo báo Hà Nội Mới, cũng tại hội thảo, Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thông tin, từ ngày 1/7, khi Luật Căn cước có hiệu lực, về lý thuyết thì nếu người dân có yêu cầu, sẽ được tích hợp ADN trong căn cước mới. Qua tìm hiểu từ các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc, đều áp dụng ADN trong căn cước, dữ liệu về ADN.

Hiện trên thế giới cũng cho phép chia sẻ dữ liệu về sinh trắc (Hiệp ước châu Âu) trên tinh thần tự nguyện và phục vụ cho công tác tìm kiếm nạn nhân, phòng, chống tội phạm. Tại Mỹ, Đạo luật Định danh cũng khẳng định nội dung trên. Tại Việt Nam, Luật Căn cước cũng đưa ADN vào trong luật. Tiếp đó, nhìn rộng ra, châu Âu cho phép 20 địa chỉ gene vào trong dữ liệu; ở Việt Nam đang tiến hành xây dựng 30 địa chỉ gene vào căn cước…

Từ đề dẫn này, các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia đã tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung, như: Đối tượng ưu tiên triển khai (Luật Căn cước khẳng định người dân được tự nguyện), nhóm phòng, chống tội phạm có phải bắt buộc áp dụng sinh trắc học hay không; ứng dụng sẽ cung cấp là gì; giải pháp công nghệ triển khai như thế nào; phương án lấy mẫu ra sao; (lấy mẫu máu, nước bọt…); thời gian lưu trữ; giải pháp đầu tư?…

Phương Uyên (T/h)

Tin nổi bật