Số phận của máy bay MH370 trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới khi máy bay biến mất trên đường đi từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 8/3/2014.
Sau 9 năm, vụ mất tích bí ẩn của máy bay MH370 vẫn chưa có lời giải. Ảnh minh hoạ
Sự việc bí ẩn bắt đầu bằng một chuyến bay đêm không có gì bất thường với hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc, khởi hành lúc 0h41 cùng ngày.
Cơ phó Fariq Hamid khi đó 27 tuổi và còn một chuyến bay huấn luyện nữa mới được cấp chứng chỉ đầy đủ. Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, là một trong những phi công cao cấp và được kính trọng nhất của Malaysia Airlines. Họ dẫn đầu một phi hành đoàn gồm 10 tiếp viên, tất cả đều là người Malaysia, với 227 hành khách trên khoang. Phần lớn hành khách là người Trung Quốc, cùng 38 người Malaysia và các công dân của Indonesia, Australia, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Iran, Ukraine, Canada, New Zealand, Hà Lan, Nga và Đài Loan.
Theo The Guardian, 40 phút đầu tiên của chuyến bay không có gì bất thường. Lúc 1h19, MH370 đi đến điểm cuối không phận Malaysia. Đài kiểm soát không lưu ở Malaysia thông báo bàn giao chuyến bay cho đài kiểm soát không lưu ở TP.HCM (Việt Nam). Cơ trưởng Zaharie trả lời: "Chúc ngủ ngon. Malaysia ba-bảy-không". Tuy nhiên, ông Zaharie không nhắc lại tần số nhưng đây không phải là điều bất thường, cũng là tín hiệu cuối cùng người ta nghe thấy từ chuyến bay.
Cơ trưởng Zaharie chưa bao giờ đăng ký với các kiểm soát viên không lưu ở Việt Nam. Vài giây sau khi bay vào không phận Việt Nam, MH370 biến mất khỏi màn hình radar. Tất cả những nỗ lực tiếp theo để liên lạc với chiếc máy bay này đều không thành công. Máy bay thương mại được cho là có thể tiếp cận mọi lúc, được biết và theo dõi nhưng MH370 đã biến mất.
Những gì xảy ra sau đó là sự hoang mang kéo dài của kiểm soát không lưu Malaysia và hãng hàng không. Đó là cú sốc khi giới chức tức tốc tìm kiếm chiếc máy bay bằng mọi cách trong khi người thân của các hành khánh ở Bắc Kinh mòn mỏi chờ đợi một chuyến bay không bao giờ đến. Đó là nỗi ám ảnh khi vụ mất tích khiến cộng đồng quốc tế sững sờ và dẫn đến hàng loạt giả thuyết cho một câu chuyện dường như không thể xảy ra. Đó là sự tàn phá về thể xác và tinh thần mà người thân các hành khách phải chịu đựng hàng giờ, rồi hàng ngày, hàng tuần, cho tới hàng tháng và hàng năm với những câu hỏi không có lời đáp và những cuộc tìm kiếm không có kết quả.
Chín năm sau, vẫn chưa có manh mối nào xác đáng về MH370. Sự biến mất của MH370 kéo theo một loạt giả thuyết, bên cạnh một số nhận định đáng tin cậy là các “thuyết âm mưu” từ kỳ quặc đến điên rồ nhất.
Tam giác quỷ Bermuda
Từ lâu, khu vực Tam giác quỷ Bermuda ở Đại Tây Dương đã trở thành nơi nhận được sự chú ý do là nơi liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn hàng không cũng như hàng hải, điển hình là vụ mất tích bí ẩn của 5 máy bay ném bom hồi năm 1945.
Do đó, ngay khi sự việc chiếc MH370 diễn ra, đã có một số người tin rằng chiếc máy bay của Malaysia bị mất tích do lạc vào một Tam giác quỷ Bermuda thứ 2 nằm ở khu vực châu Á.
Dù giả thuyết này nghe có phần hoang đường và khó tin nhưng nó đã trở thành một trong những giả thuyết thu hút sự chú ý lớn từ phía những người sử dụng mạng xã hội vào thời điểm vụ tai nạn xảy ra.
Phi công tự sát
Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shad. Ảnh: Thể thao & Văn hoá
Sau khi vụ việc xảy ra, có rất nhiều chuyên gia hàng không nghiêng về giả thuyết hoặc cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah hay cơ phó Fariq Abdul Hamid tự sát. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng củng cố cho giả thuyết này.
Ông Hugh Dunleavy, Giám đốc thương mại của Malaysia Airlines, cho biết cơ trưởng Zaharie là một phi công rất giàu kinh nghiệm và bản lĩnh. “Hoàn toàn không có gì phải phàn nàn về thái độ và hành vi của anh ấy. Không có lý do gì để có thể nghi ngờ phi hành đoàn gây ra vụ mất tích của chiếc máy bay”, ông Dunleavy cho hay.
Năm 2016, giới chức Malaysia tiết lộ rằng Zaharie đã dựng một mô hình bay giả lập qua Ấn Độ Dương tại nhà nhưng nhấn mạnh điều này không chứng minh rằng anh ta cố tình đâm máy bay.
Lỗi kỹ thuật
Nhiều sự chú ý đã tập trung vào khả năng của một sự cố kỹ thuật hoặc cấu trúc. Một số chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng một đám cháy có thể bùng phát trong các linh kiện điện tử, gây ra khói tràn vào máy bay, khiến hành khách và phi hành đoàn bất tỉnh.
Máy bay sau đó tiếp tục lái tự động trên Ấn Độ Dương đến khi hết nhiên liệu và bị rơi.
Giả thuyết thiếu oxy đã được một số nhà phân tích ủng hộ. Trong một báo cáo năm 2014 đưa ra chi tiết về khu vực tìm kiếm, Cơ quan An toàn Giao thông Australia - dẫn đầu cuộc tìm kiếm MH370, nói rằng "sự cố thiếu oxy" dường như phù hợp với giai đoạn cuối của MH370.
Âm mưu khủng bố
Đã có một loạt giả thuyết nhưng không giả thuyết nào được chứng minh, tương tự với giả thuyết máy bay bị không tặc như một phần của âm mưu khủng bố.
Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch là một trong những người ủng hộ giả thuyết này. Trong một dòng tweet kỳ lạ sau khi MH370 mất tích, Murdoch cho rằng máy bay bị đánh cắp và bị “che giấu hiệu quả, có lẽ ở miền bắc Pakistan, giống như Bin Laden”.
Cũng có giả thuyết cho rằng máy bay bị sử dụng như một “quả bom bay” hướng đến các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo san hô Diego Garcia và bị người Mỹ bắn hạ. Mỹ đã bác bỏ điều này.
Máy bay bị giấu ở hòn đảo bí mật
Vào thời điểm chiếc Boeing 777 bị rơi và chưa có mảnh vỡ nào được tìm thấy, đã có một số người nghĩ rằng có lẽ nó không hề gặp sự cố và đặt ra giả thuyết chiếc máy bay có lẽ đã được chuyển hướng đến một đường băng nhỏ, hẻo lánh để sử dụng cho mục đích khác. Theo đó, nhiều đồn đoán cho rằng phi cơ đã hạ cánh máy bay xuống Diego Garcia, nơi có một căn cứ quân sự nằm trên hòn đảo ở Ấn Độ Dương.
Mặc dù đã có ý kiến bác bỏ nhưng một số cư dân mạng Trung Quốc vẫn tin vào giả thiết trên. Trong đó, một blogger tên He Xin đã cho rằng sự biến mất của MH370 nằm trong kế hoạch của CIA với mục đích kiểm soát một số nhân vật hoặc vật dụng đặc biệt được chuyên chở trên chuyến bay. He cho rằng máy bay bị ép hạ cánh tại Diego Garcia. Điều này cũng lý giải cho việc người nhà hành khách vẫn thấy chuông điện thoại reo nhiều giờ sau khi phi cơ biến mất.
Hoa Vũ (T/h)