Đóng

77.278 cán bộ, công chức nghỉ việc sau sắp xếp bộ máy

  • Hoàng Thị Bích
(DS&PL) -

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đến nay, tổng số người đã có quyết định nghỉ việc là 85.447 người; số đã nghỉ việc là 77.278 người (nghỉ hưu và nghỉ thôi việc).

Hơn 74.200 cán bộ, công chức nghỉ việc được nhận tiền trợ cấp

Theo báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025 của ngành Nội vụ, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Theo đó, thực hiện Nghị định số 150, các địa phương đã giảm 713 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và thành lập các phòng thuộc UBND cấp xã theo quy định.

Hơn 74.200 cán bộ, công chức nghỉ việc được nhận tiền trợ cấp (Ảnh: Hữu Thắng).

Đồng thời, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 178 ngày 31/12/2024 và Nghị định số 67 ngày 15/3/2025 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo đó, tính đến nay, tổng số người đã có quyết định nghỉ việc là 85.447 người; số đã nghỉ việc là 77.278 người (nghỉ hưu và nghỉ thôi việc); Số người đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí và số người đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí là 74.248 người.

Trình bày báo cáo tại hội nghị sáng 25/7, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, về công tác quản lý biên chế sau sắp xếp, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan, Bộ Nội vụ đang rà soát, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chuyển biên chế giữa các bộ, ngành sau sắp xếp và giữa Bộ Công Thương với địa phương khi thực hiện chuyển lực lượng quản lý thị trường về địa phương quản lý.

Đánh giá kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm, KPI

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, công tác đào tạo, bồi dưỡng được các bộ, ngành, địa phương được xác định là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành hcinhs, cải cách công vụ, công chức gắn với chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là bồi dưỡng về chuyển đổi số, ứng dụng AI, bồi dưỡng theo vị trí việc làm khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và kỷ cương, đạo đức công vụ.

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025 của ngành Nội vụ (Ảnh: Hải Long).

Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn bảo đảm vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đi vào ổn định, hiệu quả, đặc biệt là đã tham mưu xây dựng cẩm nang chính quyền địa phương cấp xã (bản giấy và bản điện tử) theo hướng rõ ràng, cụ thể hóa đầy đủ các nội dung về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác, xử lý tình huống phát sinh tại cấp cơ sở để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện ngay từ 1/7/2025 và làm nguồn tài liệu quan trọng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã.

Cùng với đó, về tiền lương và Bảo hiểm xã hội, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Quốc hội về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp theo Nghị quyết số 142/2024/QH15. Trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ Nội vụ, việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền 2 cấp là việc chưa có tiền lệ, phức tạp, nên bước đầu còn lúng túng; Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ công chức viên chức bị ảnh hưởng đôi lúc chưa kịp thời; công tác số hóa tài liệu lưu trữ chưa đáp ứng tiến độ đề ra... 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nhấn mạnh, trong thời gian tới, toàn ngành nội vụ cần tăng cường tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ công nơi có đủ điều kiện; thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, tổ chức bộ máy và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành, bảo đảm bộ máy mới đi vào vận hành ổn định, hiệu quả, không gián đoạn. 

Tăng cường tổ chức các đoàn công tác nắm thực tiễn địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. 

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung hoàn thành dự thảo Luật Viên chức (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV. 

Tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý, thu hút, giữ chân cán bộ giỏi về công tác ở cơ sở. 

Tin nổi bật