Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

7 người chạy thận tử vong: CA làm việc với công ty bảo trì thiết bị lọc máu

(DS&PL) -

Công an đang làm việc với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc bảo trì, sửa chữa thiết bị lọc nước vệ sinh tại khoa Thận.

Công an tỉnh Hòa Bình và Bộ Công an đã đến làm việc với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn - đơn vị cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành, bảo trì các thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó có các thiết bị lọc máu chạy thận.

Báo Thanh Niên đưa tin, sáng 31/5, tổ công tác Công an tỉnh Hòa Bình và Bộ Công an đã đến làm việc với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (có trụ sở ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc bảo trì, sửa chữa thiết bị lọc nước vệ sinh tại khoa Thận - bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Được biết, Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn là đơn vị cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành, bảo trì các thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó có các thiết bị lọc máu chạy thận.

Liên quan đến vụ việc, báo Vnexpress dẫn lời một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, cho biết, buổi làm việc nhằm thu thập tài liệu, thông tin phục vụ điều tra nguyên nhân 7 người chạy thận tử vong ở bệnh viện Hòa Bình.

"Cơ quan điều tra cũng lấy lời khai của những người liên quan để sớm làm sáng tỏ vụ việc" -Vnexpress dẫn lời vị này nói.

Cũng theo báo Thanh Niên, hồ sơ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thể hiện, ngày 28/5, đơn vị này đã tiến hành bảo trì, sửa chữa hệ thống lọc nước tinh khiết liên quan đến các thiết bị lọc máu để phục vụ bệnh nhân tại Khoa điều trị lọc máu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Đến ngày 29/5, 18 bệnh nhân được chạy thận thì xảy ra sự cố tai biến y khoa khiến 7 người chết.

Trụ sở Cty Thiên Sơn sáng 31/5 - Ảnh: Tiền Phong

Cũng liên quan đến việc này, đại tá Phạm Văn Sử, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, chiều 30/5, lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an và Công an tỉnh Hòa Bình đã tiến hành mở niêm phong một số phòng trong Khoa thận nhân tạo, khám nghiệm các máy móc mà bệnh viện đã sử dụng để chạy thận nhân tạo, lọc máu cho các bệnh nhân. Đồng thời lấy mẫu dịch để giám định và thu thập thêm các tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra vụ án.

Theo báo Dân Trí, cũng trong ngày 30/5, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án theo điều 242, Bộ luật Hình sự quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác xảy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5.

Như Dân trí đã đưa tin, sáng 29/5, tại đơn nguyên Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, trong lúc chạy thận chu kỳ 40 phút của 18 bệnh nhân suy thận đã xuất hiện hiện tượng sốc phản vệ.

Ngay lập tức, bệnh viện đã cho ngừng chạy thận, chuyển khoa Hồi sức Cấp cứu để xử trí. Đến 16h chiều cùng ngày, có 6 bệnh nhân tử vong.

Đêm 29/5, thêm một bệnh nhân nam bị tử vong đưa con số bệnh tử vong lên con số 7 trường hợp.

Số bệnh nhân còn lại đã được chuyển xuống bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngay trong đêm 29/5 để điều trị và đã qua cơn nguy kịch.

Hiện các bệnh nhân vẫn đang được cơ quan y tế tích cực cứu chữa.

Hiện nguyên nhân của vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ.

Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009):

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị  phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

Tổng hợp

Tin nổi bật