Thông báo của SpaceX ngày 9/2 cho hay do không may bị phóng thẳng vào vùng bão mặt trời, có đến 40 trong số 49 vệ tinh nhỏ của hãng này đã bị mất kiểm soát, rơi ngược trở lại bầu khí quyển và bốc cháy, hoặc sắp sửa chịu số phận như vậy.
SpaceX xác nhận bão Mặt trời khiến hàng chục vệ tinh của họ bị ảnh hưởng. Ảnh minh hoạ.
SpaceX cho biết một ngày sau khi phóng loạt vệ tinh, bão địa từ xuất hiện khiến bầu khí quyển trở nên dày đặc hơn, đến mức các vệ tinh không thể di chuyển lên quỹ đạo như dự định. Chúng có thể rơi ngược trở lại bầu khí quyển và bốc cháy.
Nhóm điều khiển ở trái đất đã cố gắng cứu các vệ tinh nhỏ bằng cách đưa chúng vào chế độ “ngủ đông”, đồng thời lái chúng bay theo cách giảm thiểu lực cản nhất có thể. Thế nhưng, do sức hút của khí quyển quá lớn, các vệ tinh đã không thể hoạt động trở lại để bay lên quỹ đạo khác ổn định hơn.
SpaceX khẳng định trong sự cố này, "rủi ro va chạm (giữa 40 vệ tinh trên với các vệ tinh khác) bằng 0" và các thiết bị đều được thiết kế để tự phá hủy trong trường hợp quay trở lại bầu khí quyển. Ngoài ra, nhiều khả năng cũng không có mảnh vỡ nào va vào Trái đất.
Cùng chung quan điểm, Cơ quan Vũ trụ Anh cũng nhận định "hầu như không có rủi ro" vì vệ tinh được chế tạo không chứa bất kỳ thành phần kim loại nặng nào và có thể tự bốc cháy hoàn toàn. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng vẫn cần giám sát sự cố một cách chặt chẽ.
Bão địa từ xảy ra khi mặt trời hoạt động cường độ cao, phóng ra các tia nổ trông giống như chùm pháo sáng. Bão địa từ có thể dẫn các luồng plasma của mặt trời lao ra ngoài không gian và hướng về Trái đất.
Nhà vật lý thiên văn McDowell nói với Reuters: “Theo tôi biết thì đây là điều chưa từng xảy ra". Ông cho rằng nó đánh dấu sự mất mát lớn nhất của vệ tinh do một cơn bão mặt trời”.
SpaceX vẫn còn gần 2.000 vệ tinh Starlink quay quanh trái đất và cung cấp dịch vụ internet đến những nơi xa xôi trên thế giới. Chúng bay quanh trái đất ở độ cao 550km.
Mộc Miên (T/h)