21.9.2016 - một ngày không thể quên trong cuộc đời anh công nhân gác chắn Trần Hoàng Tùng (Đội chắn đường ngang Giáp Bát, Công ty CP đường sắt Hà Hải, Hà Nội).
Bỏ việc gia đình, chạy đua với thời gian, anh Tùng cảnh báo cho hai đoàn tàu đang chuẩn bị lao tới, đồng thời hỗ trợ giải cứu chiếc xe kéo container khỏi mắc kẹt trên đường ray, ngăn kịp thời một vụ tai nạn thảm khốc.
Gác chắn tàu, công việc tưởng đơn giản nhưng nhiều áp lực. Ảnh: K.H |
40 phút chạy đua thời gian
Hết giờ làm, lúc 19h tối 21.9, anh Tùng đi lên phía Văn Điển, Hà Nội để giải quyết việc riêng. Đến đường ngang cảnh báo tự động tại km 10+800 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam (thôn Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội), anh nhìn thấy có hiện tượng ùn tắc giao thông và một xe chở container BKS 15C-141.02 kéo rơ moóc BKS 34R-010.61 đang cố vượt qua đường sắt nhưng không thành.
“Theo linh tính tôi cảm thấy có điều bất ổn, tôi dừng lại hỏi người tài xế xe container thì được biết xe không thể vượt qua đường tàu do bánh bị treo. Lúc đó, với trách nhiệm nghề nghiệp, tôi vội vàng báo cho trực ga biết bởi căn cứ vào kế hoạch chạy tàu khách cố định, vào thời gian đó, sẽ có tàu SE6 chạy qua. Tôi vội vàng gọi điện thoại di động báo cho anh Ba trực ban ga nhưng anh Ba vừa giao ban xong nên chạy ra ngoài và không liên lạc được. Tôi liền chạy xe máy lên trạm chắn H6 tại km10+100, cách đó khoảng 700m và dùng điện thoại nội bộ báo lên người trực ban ga về sự cố và đề nghị có phương án tối ưu nhất để dừng tàu SE6 để tránh tai nạn.” anh Tùng kể lại.
Ngoài tàu SE6 chuẩn bị tới, còn có tàu SE1 dự kiến xuất phát từ ga Hà Nội lúc 19h30 và sẽ qua đường ngang này vào lúc 19h48’. Thông báo kịp thời của anh Tùng đã giúp trực ban ga phong toả không cho hai tàu chạy qua khi sự cố chưa được giải quyết.
Báo trực ga xong, anh Tùng bỏ qua việc riêng quay lại đường ngang phối hợp cùng người dân giải cứu chiếc xe tải. Ban đầu, anh Tùng cùng lái xe và người dân tiến hành chèn bánh xe và chặn các phương tiện giao thông khác để tạo khoảng trống cho xe vượt qua. Tuy nhiên, do xe có 2 container mà 1 container đầy hàng, 1 container rỗng nên đuôi xe nặng khiến bánh xe treo cao không vượt qua được đường ray.
Sau đó, “nhóm giải cứu” đóng góp ý kiến và quyết định cho xe lùi lại đâm đổ cột trụ của một công ty để lùi vào sân công ty này. Vào 19h42’ xe được giải cứu và trực ban ga cho tàu SE6 qua ga Thường Tín. Đón tàu SE6 qua, thấy tình hình ổn thoả anh Tùng mới vội vàng rời hiện trường để lo việc nhà.
Gác chắn tàu, công việc tưởng đơn giản nhưng nhiều áp lực. Ảnh: K.H |
Nhớ lại vụ việc, chia sẻ với chúng tôi, anh Tùng cho biết, anh rất căng thẳng và lo lắng chỉ sợ không kịp thông báo để dừng tàu khách thì sẽ xảy ra tai nạn. Điểm xảy ra sự cố là đoạn đường cong, tầm nhìn hạn chế, nếu tàu phanh gấp ở tốc độ hơn 60km/h, nguy cơ lật rất cao và nếu tàu lật đổ ngang ra đường bộ thì mức độ thương vong sẽ rất lớn do đang là giờ cao điểm, lưu lượng người tham gia giao thông lớn. “Việc các phương tiện giao thông chết máy trên đường ngang khi tàu gần tới xảy ra khá nhiều và các công nhân gác chắn luôn có phương pháp phòng vệ từ hỗ trợ các phương tiện vượt qua đến cảnh báo lái tàu bằng các tín hiệu đèn, cờ, pháo hiệu để hãm phanh. Tôi từng xử lý vụ việc tương tự 1-2 lần nhưng không nghiêm trọng bằng và không phải cảnh báo dừng tàu khẩn cấp, như lần này. Việc tôi làm rất nhỏ và đơn giản là vì lương tâm nghề nghiệp nên tôi khá ngại khi được báo chí “viếng thăm, hỏi han...”, anh Tùng mỉm cười, khiêm tốn nói.
Thầm lặng, căng thẳng nghề gác chắn tàu
Tâm sự về nghề, anh Tùng cho hay, anh làm việc theo ca 12h liên tục, ca sáng từ 6h sáng tới 18h còn ca tối từ 18h tới 6h sáng và mỗi lần “lên ban” tất cả các công nhân phải tập trung túc trực 12/12h.
Trong ca sáng, trung bình có từ 12 - 15 chuyến tàu còn ca chiều số lượng tàu qua trạm thường nhiều hơn. Người công nhân phải căn cứ thời gian chạy tàu, phán đoán tốc độ chạy tàu để căn thời gian đóng rào chắn đường ngang sát thời gian nhất để tránh gây ùn tắc giao thông mà vẫn đảm bảo an toàn. Thông thường, thời gian đóng chắn tàu vào khoảng 3 phút trước khi tàu đến. “Khi đã lên ban, chúng tôi không được phép rời vị trí dù chỉ một phút bởi chỉ cần một chút sơ sẩy là hậu quả khó lường. Một ca trực có 2 công nhân và để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi nấu ăn, sinh hoạt ngay tại phòng trực”, chị Chinh, làm cùng tổ với anh Tùng chia sẻ. Phòng trực của hai chị em chỉ rộng chưa đầy 7m2 với một cái bàn nhỏ cùng 2 chiếc ghế. Chị Chinh cho hay, do đặc thù nghề nghiệp nên dù là nam hay nữ, mọi công nhân gác chắn đều quen với việc thức trắng đêm để trực.
Để luôn tỉnh táo, chống lại các cơn buồn ngủ trong ca trực đêm, các công nhân gác chắn dần quen với ly càphê đen và những ấm trà đậm đặc. Trong những dịp lễ tết, áp lực công việc tăng gấp nhiều lần bởi số chuyến tàu có thể tăng gấp đôi - lên 20 - 25 chuyến trong một ca trực, và những lúc như vậy việc ăn một bát cơm đôi khi cũng không trọn vẹn.
Tập trung cao độ để đảm bảo an toàn cho người dân và những chuyến tàu, nhưng công nhân gác chắn gần như không bao giờ nhận được lời cảm ơn từ những người mà họ bảo vệ. Ngược lại nhiều người thiếu ý thức không chỉ bất chấp nguy hiểm cố tình vượt tàu ngang mà còn gây sự, chửi mắng xúc phạm họ, thậm chí gây thương tích chỉ vì họ thực thi nhiệm vụ. Nhiều công nhân gác tàu đêm đã gặp phải không ít tình huống khó xử khi bị những “bợm nhậu” phóng xe quá tốc độ, các thanh niên tụ tập hút chích, những thành phần “biến thái”, ăn cắp, ăn trộm quấy rối.
Trước những kẻ quá khích, các công nhân gác tàu đều phải cố gắng mềm mỏng, thuyết phục họ. “Chỗ chúng tôi làm tầm nhìn khuất, mật độ giao thông nhiều, căn cứ vào thời gian chạy tàu đóng chắn hợp lý nhưng người dân thường xuyên chửi mắng, tôi bị doạ đánh liên tục nhưng không ai đánh vì người ta doạ mình, mình cũng chỉ cười và xin họ thông cảm vì tàu đến nơi, tầm nhìn không có, cô chú anh chị thông cảm, người ta chửi thì mình nghe, mình giải thích cho họ hiểu, cố gắng làm trọn nhiệm vụ của mình, người ta chửi xong người ta lại đi, còn mình thì... cười vì cũng quen rồi.
Công việc của công nhân chắn tàu chúng tôi ngày nào cũng vậy thôi, trực điện thoại, ghi chép lịch trình của tàu, xác định thời gian tàu chạy qua và kéo rào chắn để đảm bảo tàu được lưu thông an toàn. Nhiều người cũng hỏi chúng tôi, thế có bao giờ các anh/chị thấy mệt mỏi và muốn bỏ nghề hay không, chúng tôi chỉ biết... cười, đáp, làm công nhân gác chắn tàu là vậy. Tôi làm nghề 11 năm nay, căng thẳng thì có, lương chưa cao, nhưng thấy công việc nhàm chán thì chưa bao giờ vì cứ lên ban là tập trung cao độ, chẳng còn thời gian mà chán. Vợ tôi cũng làm công nhân chắn tàu nên hai vợ chồng tự sắp xếp “chia lịch” để lo việc gia đình, chăm sóc 2 con nhỏ và giúp đỡ lẫn nhau. Gắn bó với nghề, chúng tôi thấy tự hào vì góp phần đảm bảo an toàn cho mọi người”, anh Tùng mỉm cười chia sẻ.
Cần động viên kịp thời Ông Nguyễn Đào Việt Phương - Đội trưởng Đội chắn đường ngang Giáp Bát, Công ty CP đường sắt Hà Hải cho biết đang làm kiến nghị để khen thưởng cho anh Tùng - một người đảng viên, tổ trưởng hai trạm chắn. Trao đổi với báo Lao Động, ông Phương cho hay anh Tùng làm việc theo trách nhiệm và lương tâm của người gác chắn và ông cũng như những người công nhân khác gặp chuyện tương tự cũng sẽ làm như vậy. Tuy nhiên, rất cần sự động viên kịp thời với những người công nhân như anh Tùng. Ông Phương cũng cho hay việc công nhân bị người tham gia giao thông thiếu ý thức đánh là khá phổ biến. Ngày 8.9 và 20.9 ở trạm chắn ngã ba Văn Điển, hai nhân viên gắc chắn bị người đi đường gây thương tích chỉ vì làm nhiệm vụ đóng chắn tàu và lực lượng chức năng đang điều tra mà chưa tìm ra thủ phạm. Ông Phương đề nghị cần có chế tài để hỗ trợ và bảo vệ công nhân gác chắn khỏi những thành phần thiếu ý thức và quá khích. Liên quan đến vụ việc ngày 21.9, ông Hoàng Ngọc Trìu - Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội thì cho biết, ông mới nghe về vụ việc này và nhận định, những sự cố như vậy là không hiếm và các lái tàu khi phải dừng tàu khẩn cấp sẽ làm báo cáo về xí nghiệp còn những hành khách có thể đã không biết họ vừa thoát chết. |