Ngày 5/6, bốn nước vùng Vịnh - Saudi Arabia, Bahrain, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Ai Cập, đồng loạt tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia đưa tin, quốc gia này quyết định chấm dứt quan hệ với Qatar sau hững lần "chính quyền tại Doha vi phạm hệ thống nghiêm trọng suốt nhiều năm qua với mục đích gây nên xung đột giữa các cấp trong nội bộ Saudi, ảnh hưởng tới chủ quyền Saudi Arabia và hỗ trợ cho các tay khủng bố và bè phái khiến khu vực bất ổn”.
Theo tờ al-Arabiya, Saudi Arabia cáo buộc Qatar hỗ trợ các tổ chức cực đoan bao gồm Anh em Hồi giáo (MB), Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và al-Qaeda, bằng việc kích động qua các kênh phương tiện truyền thông.
Quốc vương Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz al-Saudi. - Ảnh: EPA. |
Trong một tuyên bố, UAE thông báo quốc gia này hoàn toàn đồng ý với Saudi Arabia về quan điểm với Qatar. Quốc gia này cho rằng, Qatar đang đe dọa tính ổn định và an ninh khu vực, đồng thời thao túng và trốn tránh trách nhiệm và thỏa thuận trước đó cam kết với các quốc gia vùng Vịnh, theo TTXVN.
UAE lệnh cho các quan chức ngoại giao của Qatar đang làm nhiệm vụ tại Abu Dhabi chỉ có 48 giờ đồng hồ để rời khỏi đây. Bên cạnh đó, công dân Qatar có 14 ngày để ra khỏi UAE. Công dân đến từ Qatar cũng bị cấm không được “đi qua UAE” bằng bất kỳ phương tiện nào.
Trong khi đó, Bahrain cho biết việc Qatar kích động qua truyền thông và ủng hộ các hoạt động khủng bố cũng như hỗ trợ tài chính cho các tổ chức có liên hệ với Iran là lí do khiến vương quốc này tuyên bố cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Qatar.
Hãng thông tấn Bahrain thông báo Nhà nước Qatar đã gây bất ổn an ninh và sự ổn định ở Vương quốc Bahrain, cũng như can thiệp vào vấn đề nội bộ, tiếp tục làm leo thang và kích động truyền thông, ủng hộ các hoạt động khủng bố có vũ trang...
Bahrain gia hạn cho các quan chức ngoại giao Qatar phải rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ kể từ khi thông báo được phát đi. Còn các công dân Qatar ở Bahrain sẽ phải trở về nước trong thời hạn 14 ngày. Bahrain cũng cấm tất cả công dân tới thăm hoặc cư trú tại Qatar.
Theo tuyên bố của nhà nước Ai Cập, một trong những lý do khiến nước này tuyên bố chấm dứt quan hệ với Qatar cugx là chính quyền nước này hỗ trợ MB, tổ chức mà Cairo liệt vào danh sách khủng bố.
Tính đến hiện tại, Saudi Arabia đã đóng cửa không phận, biên giới trên biển và đất liền với Qatar, trong khi UAE, Bahrain, Ai Cập đóng cửa không phận và biên giới trên biển.
Trước tình hình căng thẳng, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh duy trì quan hệ đoàn kết. Trong chuyến thăm chính thức tới Australia hôm 5/6, ông Tillerson bày tỏ Mỹ kêu gọi các bên đàm phán và giải quyết vướng mắc, theo Trí Thức Trẻ.
Mặc dù mâu thuẫn trong khu vực đang lên cao, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng "vụ việc sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến nỗ lực chung chống lại khủng bố trong khu vực và trên toàn thế giới."
Từ trước đến nay Doha luôn phải đối mặt với nhiều cáo buộc “hỗ trợ khủng bố”. Nhiều cá nhân Qatar đã bị Bộ Tài chính Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt do liên quan đến các hoạt động hỗ trợ tài chính cho khủng bố. Quốc gia này còn bị chỉ trích cung cấp nơi trú ẩn cho Khaled Meshaal – thủ lĩnh lưu vong của phong trào Hồi giáo Hamas. Trong khi đó, nhóm phiến quân Taliban ở Afghanista cũng mở một chi nhánh tại Doha vào năm 2013.
(Tổng hợp)