(ĐSPL) - Được thi đấu trên sân nhà, tiến bộ qua từng trận và tinh thần đang lên cao nhưng điều đó vẫn chưa thể đảm bảo một chiến thắng cho U19 Việt Nam trước một Nhật Bản sở hữu đội hình đồng đều hơn hẳn.
Dưới đây là những lý do khiến các CĐV đội chủ nhà giải U19 ĐNA không khỏi lo lắng trước cuộc đối đầu khó khăn với đối thủ cùng lứa bên phía Nhật Bản.
Nỗi lo hàng thủ
Điều này được thể hiện rất rõ trong trận thua 0-7 của U19 Việt Nam hồi tháng 1/2014 tại giải tứ hùng diễn ra tại TP.HCM và mới nhất là thất bại 3-4 trước chính đối thủ này. Bên cạnh sự yếu kém về tốc độ, kèm người, khả năng không chiến của bộ đôi trung vệ Đông Triều - Tiến Dũng vẫn còn hạn chế. Trong khi khả năng tận dụng cơ hội và chớp thời cơ của đội bóng mặt trời mọc là rất tốt, đặc biệt là ở cuối mỗi hiệp đấu.
|
Điểm yếu nơi hàng thủ của U19 Việt Nam cần phải được bịt kín. |
Chưa hết nỗi lo còn đến ở hai cánh nơi Văn Sơn và Duy Hồng chấn giữ. Cả hai hỗ trợ tấn công tốt nhưng khả năng phòng ngự khá hạn chế. Điều này được chính HLV Gerd Zeise của U19 Myanmar chỉ ra ở buổi họp báo sau trận bán kết.
Thể lực hạn chế
Dù đã được cải thiện nhiều so với những giải đấu trước nhưng thể lực chưa bao giờ là điểm mạnh của U19 Việt Nam. Đối thủ trong trận chung kết U19 ĐNA-Nhật Bản lại rất mạnh về điểm này. Các học trò của thầy “Giôm” tỏ ra lép vế trong những pha tranh chấp tay đôi. Trong nhiều pha bóng khi đội bạn tăng tốc, đội hình của U19 Việt Nam thể hiện rõ sự thua thiệt về tốc độ và bị đối phương qua mặt. Thêm nữa, việc thi đấu nhiều trận với mật độ dày đặc khiến nhiều trụ cột của U19 Việt Nam không có được thể lực sung mãn nhất, trong đó có nhiều cầu thủ phải tiêm thuốc giảm đau để thi đấu trận chung kết.
Xem hai trận thua của U19 Việt Nam trước Nhật Bản
Khả năng phòng ngự từ xa
Nhìn vào những gì U19 Việt Nam thể hiện tại giải đấu lần này có thể thấy U19 Việt Nam vẫn thiếu một tiền vệ đánh chặn đích thực. Xuân Trường và Tuấn Anh tạo thành cặp tiền vệ trung tâm ăn ý, nhưng điều họ còn thiếu là khả năng “càn lướt”, tranh chấp quyết liệt khi cần. Cả 2 đều có thiên hướng tấn công, hỗ trợ tấn công rất hay, nhưng họ chưa phải là những "máy quét" chơi mạnh mẽ từ giữa sân để hỗ trợ phòng ngự.
Khi sự đánh chặn nơi hàng tiền vệ hạn chế thì áp lực mà hàng thủ gặp phải sẽ gia tăng. Trước U19 Nhật Bản sở hữu những cầu thủ lực điền, điểm yếu này có thể lộ ra. Kết quả thắng thua của cặp đấu này có ảnh hưởng lớn từ màn trình diễn của các cầu thủ thi đấu ở khu vực giữa sân.
Nhật Bản rất khó lường
Dù không mang sang Việt Nam đội hình mạnh nhất với những cầu thủ từng góp mặt trong trận hủy diệt hồi đầu năm nhưng với đội hình hiện tại, U19 Nhật Bản vẫn được đánh giá trên chân đội chủ nhà. Sự già dơ, lọc lõi của U19 Nhật Bản rõ ràng hơn hẳn U19 Việt Nam. Cảm giác bất an là điều mà các fan hâm mộ Việt Nam nhận thấy rõ khi đội bạn lên bóng.
Dáng dấp của đội bóng đồng đều và không thiếu những cá nhân nổi bật, có thể tỏa sáng bất cứ lúc nào là lý do khiến U19 Việt Nam phải dè chừng đối thủ này. Chính chiến lược gia người Pháp cũng cho rằng không dễ đánh bại đối thủ đến từ xứ hoa Anh đào, bất chấp việc các học trò của ông được thi đấu trên "chảo lửa" Mỹ Đình.