Rau củ khi chưa được nấu chín có rất nhiều chất mà khi đưa vào cơ thể sẽ không thể chuyển hóa được. Một số loại rau củ thô khi sử dụng còn làm cho hệ tiêu hóa bị suy yếu, nhiệt độ của cơ thể bị giảm xuống, có thể gây vô sinh, mất ngủ, rụng tóc và xuất hiện các bệnh về răng miệng.
Mặt khác, khi các thức ăn chưa được đun nóng qua lửa, rất nhiều vi khuẩn có trong rau củ sẽ xâm nhập vào cơ thể gây nên các bệnh đường ruột như bệnh tiêu chảy, tả lỵ… nhất là với các loại rau củ dưới đây:
1. Súp lơ xanh
Súp lơ xanh là loại rau khó làm sạch nhất vì bản thân nó có cấu trúc phức tạp, nhiều khe, kẽ. Do đó, khi rửa, bạn không chỉ phải ngâm súp lơ xanh trong nước muối loãng trước để loại bỏ nhưng côn trùng, bụi bẩn bám vào trong hoa mà còn phải luộc qua nước sôi để khử trùng hoàn toàn.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không nên chần rau súp lơ trong thời gian quá lâu. Sau khi chần với nước sôi, bạn có thể ngâm nhanh nó vào nước lạnh để giữ độ giòn và màu xanh cho súp lơ.
2. Các loại măng
Món măng được rất nhiều người yêu thích bởi chúng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau vô cùng hấp dẫn. Bạn có thể nấu măng vịt, măng xào, măng lược, măng ngâm dấm… Tuy nhiên, đây là loại rau nhất định phải chần trước khi nấu. Dù là măng tươi hay măng ngâm chua, thì bạn cũng nên chần với nước sôi từ 15-20 phút ở nhiệt độ cao.
Nguyên nhân là trong măng thường có chứa chất độc tố tương tự với chất độc thường có trong cà chua xanh, hay khoai tây mọc mầm. Nếu như bạn không chần qua nước sôi thì dễ bị ngộ độc, thậm chí có thể gây tử vong.
3. Rau chân vịt
Rau chân vịt có chứa chất axit oxalic, đây là một loại axit có khả năng làm ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi của cơ thể. Khi chần qua loại rau này với nước nóng sẽ giúp loại bỏ một lượng lớn axit oxalic, từ đó, những tác động xấu cho cơ thể do chất này gây ra cũng được giảm thiểu.
Nếu như bạn giữ thói quen không cần chần rau chân vịt mà cho vào xào luôn thì lâu dần có thể sẽ bị loãng xương, sỏi thận hoặc sỏi mật. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một số loại rau chứa nhiều axit oxalic khác như rau dền, rau bina, rau mồng tơi…
4. Các loại đậu
Đậu nành, đậu tây, đậu tây đỏ, đậu tây trắng và các loại đậu khác có hàm lượng hemagglutinin cao. Ăn sống những loại đậu này có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy trong thời gian ngắn, và một lượng lớn chúng dễ gây ra bệnh thiếu máu huyết tán.
Hạt đậu tằm có tác động nhất định tới cơ thể con người, phổ biến nhất là hội chứng tán huyết dị ứng sau khi ăn đậu tươi. Biểu hiện gồm có vàng da, gan to, nôn mửa, sốt, thiếu máu… nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong. Thời gian ngộ độc thường xảy ra từ 4 - 24h sau khi ăn phải đậu tằm sống.
Linh Chi (T/h)