Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

4 điều vô lý tại dự án cải tạo sông Tích

(DS&PL) -

Dù đã kéo dài hơn 10 năm trời, tuy nhiên các bất cập tại dự án trọng điểm của Thủ đô vẫn chưa được lãnh đạo Hà Nội tháo gỡ.

Dù đã kéo dài hơn 10 năm trời, tuy nhiên các bất cập tại dự án trọng điểm của Thủ đô vẫn chưa được lãnh đạo Hà Nội tháo gỡ, dẫn đến việc chủ đầu tư “rối như gà mắc tóc”, không có cơ sở pháp lý để triển khai dự án cải tạo sông Tích đúng như tiến độ đề ra…

Ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội có quyết định số 4927/QĐ- UBND phê duyệt dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích” từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội (gọi tắt là dự án cải tạo sông Tích) với số vốn hơn 6.914 tỉ đồng.

Mục tiêu của dự án là giải quyết nước tưới cho 16.000ha đất nông nghiệp; cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, đảm bảo tiêu thoát nước, phòng chống lũ cho lưu vực; chủ động cấp nước vào mùa khô phục vụ phát triển kinh tế xã hội phù hợp với quy hoạch phát triển không gian thủ đô Hà Nội giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho toàn bộ hạ lưu sông Đáy Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình… Dự án được giao cho Sở NNPTNT Hà Nội làm chủ đầu tư. Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh được lựa chọn là đơn vị thi công (Công ty Bình Minh).

Đưa ra kỳ vọng lớn lao như vậy, nhưng suốt 10 năm triển khai, dự án cải tạo sông Tích mới thi công được khoảng 70% khối lượng của đoạn 1 (giai đoạn I) gồm các hạng mục như cống phai, nhà điều hành, các cầu dân sinh qua sông cùng các công trình trên sông; đã nạo vét được 18/27km lòng dẫn sông Tích, còn 9km chưa nạo vét được vì chưa có mặt bằng sạch; đơn vị thi công đã đào đã được 11,5km sông Tích...

Hồ sơ mà PV thu thập được cho thấy, nguyên nhân dự án cải tạo sông Tích kéo dài suốt nhiều năm qua chính là do Thành phố không thực hiện đúng các điều khoản theo như Quyết định số 4927/QĐ - UBND (về việc phê duyệt dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích" từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) ngày 6/10/2010 của UBND TP Hà Nội.

Theo Quyết định số 4927, dự án được bố trí 44 bãi thải chạy dọc theo hai bên bờ sông Tích với diện tích là 240 ha, kinh phí thực hiện là 1.440 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND Thành phố không bố trí tiền GPMB cho 44 bãi thải nên Chủ đầu tư và đơn vị thi công phải “tự lo các bãi thải” là đào xúc trực tiếp lên ô tô vận chuyển ra các bãi thải được các bên tự khai thác. Khác với xúc quăng ra bãi thải liền kề tại quyết định số 4927.

Bất cập nữa là chủ đầu tư và nhà thầu không có đường khi thi công công trình. Cụ thể, theo Văn bản số 1572 ngày 1/3/2013, UBND TP Hà Nội yêu cầu “không làm đường phụ vụ thi công riêng” mà tận dụng bờ trong quá trình thi công. Đây là một quyết định vô lý, không đúng với thực tế thi công hiện trường. Do không có đường nên nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển vật tư cũng như đưa đất ra bãi thải vì không có đường vận chuyển.

Nhiều vướng mắc tồn đọng kéo dài hơn chục năm khiến dự án cải tạo Sông Tích bị chậm tiến độ.

Ngày 4/3/2016, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 1054 phê duyệt phân kỳ đầu tư đoạn I, Giai đoạn I là 4.200 tỷ đồng. Quyết định này cũng không điều chỉnh, bổ sung nội dung bất cập về bố trí bãi thải của Quyết định 4927. Vì vậy, dù hồ sơ thiết kế được duyệt có 240 ha đất làm bãi thải bố trí sát 2 bên bờ sông để xúc quăng nhưng thực tế là không có bãi thải nào được giải phóng mặt bằng để thực hiện. Điều này dẫn tới việc tổng mức đầu tư tính toán dựa trên cơ sở pháp lý là Quyết định 4927 ngày 6/10/2010 và Quyết định 1054 ngày 4/3/2016 của UBND TP Hà Nội là sai với thực tế.

Và không giống như các tỉnh khác, hiện nay các đơn vị thi công ở Hà Nội nói chung và nhà thầu tại dự án sông Tích nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, bởi hiện nay Thành phố Hà Nội chưa thực hiện quy hoạch mỏ đất và xếp loại cấp đường theo quy định tại Quyết định số 32 ngày 17/6/2005 của Bộ GTVT.

Mặc dù ngày 30/11/2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng (Văn bản số 10377) đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Xây dựng, các Sở ngành liên quan tổ chức khảo sát xếp loại đường do Thành phố quản lý, hệ thống đường huyện, liên xã theo quy định tại Quyết định số 32 ngày 17/6/2005 của Bộ GTVT. Cũng tại văn bản này, để tiếp tục triển khai dự án sông Tích, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương có liên quan lập danh mục: với các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải và cấp huyện quản lý, xác định rõ lộ trình vận chuyển, chiều dài tuyến, kết cấu mặt đường và các yếu tố kỹ thuật khác làm cơ sở để Sở Giao thông vận tải phối hợp với các Sở: Tài chính, Xây dựng, các Sở, ngành và địa phương có liên quan khảo sát xếp loại đường theo Quyết định số 32 ngày 17/6/2005 của Bộ GTVT. Làm cơ sở pháp lý để Chủ đầu tư và Đơn vị tư vấn tính đơn giá áp vào dự toán.

Thế nhưng cho đến nay, do Sở GTVT và các Sở, ngành không kịp thời tham mưu để UBND Thành phố ban hành quyết định về xếp loại đường để xác định cước vận tải đường bộ trên cơ sở Quyết định số 32 của Bộ GTVT nên chủ đầu tư là Sở NN&PTNT không có căn cứ pháp lý để áp dụng, thanh toán cho nhà thầu trong quá trình thực dự án sông Tích.

Những bất cập nói trên đã đẩy Sở NN&PTNT vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, rối “như gà mắc tóc” vì không có cơ sở pháp lý để triển khai dự án. Bên cạnh sự “bất lực” của chủ đầu tư, thì trong suốt 10 năm qua, đơn vị thi công là công ty Bình Minh cũng đã có 58 văn bản kiến nghị giải quyết các vướng mắc nói trên nhưng chưa được Thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm.

Như vậy, dù đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư trong 10 năm qua đã có 58 văn bản “cầu cứu” nhưng các vướng mắc tại dự án 7000 tỷ của Thủ đô. Lãnh đạo thành phố Hà Nội và các sở vẫn vô cảm trước sự khổ đau của nhân dân phải chịu ô nhiễm vì môi trường hạ lưu và vẫn chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc của Sở Nông nghiệp và của dự án như không có đường thi công, không xếp loại đường, không quy hoạch mỏ đất không có bãi thải vẫn không được giải quyết.

Với một dự án trọng điểm của Thủ đô nhưng đã kéo dài hơn 1/10 thế kỷ, nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo Thành phố và các Sở Giao thông Vận tải, Tài chính, TN&MT, NN&PTNT, KH&ĐT đã “vô cảm”, chậm trễ trong việc tham mưu, báo cáo đề xuất tháo gỡ vướng mắc lên UBND Thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lãnh đạo Thành phố cũng phải chịu trách nhiệm vì đã không quyết liệt đốc thúc các Sở, ngành nhanh chóng vào cuộc để dự án trọng điểm của Thủ đô kéo dài có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Theo ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung Ương, một dự án trọng điểm của Thủ đô mà để chậm tiến độ, kéo dài suốt 10 năm qua là điều không thể chấp nhận được. Theo ông Hùng, cần phải xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức để dự án để chậm tiến độ, gây lãng phí tài sản Nhà nước, nhất là trong bối cảnh các vụ việc tiêu biểu đã xảy ra như Gang Thép Thái Nguyên. “Nếu lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội không quyết liệt, xử lý qua loa kiểu thông cảm cho nhau thì còn gì là quản lý giám sát nữa. Đã là chỉ đạo thì phải làm đến nơi đến chốn, xem xét giao nhiệm vụ, chỉ đạo đã sâu sát chưa”, ông Hùng nhấn mạnh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Hiếu Nguyễn 

Tin nổi bật