Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

34% lao động trẻ em tại Việt Nam làm việc trên 42 giờ/tuần

(DS&PL) -

Theo ông Doãn Mậu Diệp,Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trẻ em phải lao động sớm có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tiềm năng phát triển và học hành...

Theo ông Doãn Mậu Diệp,Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trẻ em phải lao động sớm có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tiềm năng phát triển và học hành, cản trở việc thụ hưởng những điều kiện tốt hơn.

Theo ước tính của ILO, trên thế giới hiện có khoảng 152 triệu trẻ em độ tuổi từ 5 - 17 tuổi là lao động trẻ em. Lao động trẻ em vẫn tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp (chiếm 70,9%). Gần 1/5 lao động trẻ em làm việc trong ngành dịch vụ (chiếm 17,1%), trong khi 11,9% lao động trẻ em làm việc trong ngành công nghiệp.

Tại Việt Nam, kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn thế giới và rất gần với tỷ lệ của khu vực. Lao động trẻ em tồn tại đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, với khoảng 1,7 triệu trẻ em, trong số đó có đến 34% các em làm việc kéo dài trên 42 giờ/tuần.

Tại Hội thảo tư vấn xây dựng pháp luật về lao động trẻ em do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức, ngày 21/3, ông Doãn Mậu Diệp,Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trẻ em phải lao động sớm có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tiềm năng phát triển và học hành, cản trở việc thụ hưởng những điều kiện tốt hơn, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Trẻ em lao động sớm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tiềm năng phát triển. Ảnh minh họa

Để giảm thiểu lao động trẻ em, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Việt Nam đã ban hành hệ thống pháp luật và chính sách nhằm đảm bảo hiện thực hóa quyền của trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Ngay trong Bộ Luật Lao động cũng đã có các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời giờ và điều kiện làm việc đối với người chưa thành niên.

Cùng với đó, Luật Trẻ em năm 2016 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 tiếp tục có các quy định cụ thể về các hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ em. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020.

Ông Diệp cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và tham gia các hiệp định thương mại tự do thì việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động, trong đó có lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được được quan tâm hơn. Do đó, việc giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em phải được thay đổi từ nhận thức của chính trẻ em, gia đình, cộng đồng và người sử dụng lao động.

Còn theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, thực tế hiện nay, “ranh giới xác định thế nào là lao động trẻ em và trẻ em tham gia lao động là rất khó”. Điều này cần quy định rõ trong quy phạm pháp luật, cần đưa ra những tiêu chí rõ ràng. Qua đó, cần có những quy định về phạm vi đặc thù sử dụng lao động chưa thành niên.

Cụ thể như pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động cần thiết phải xác định rõ thế nào là lao động trẻ em và trẻ em được tham ở mức độ thế nào với một số ngành nghề phù hợp. Ở một số trường hợp, trẻ em tham gia lao động tại hộ gia đình trong thời gian dài, thậm chí có cả công việc nguy hiểm, độc hại gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần, rất cần phải ngăn chặn, đẩy lùi. Tuy nhiên, một mặt khác, trẻ em tham gia lao động ở một số ngành phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe là điều nên khuyến khích để tăng cường kỹ năng sống cho các em.

Vũ Đậu (T/h)

Nguồn: Tinhnhanhonline

Tin nổi bật