Ngày 5/9/2008, một tháng sau khi Hà Tây chính thức sáp nhập vào Hà Nội, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 240/TB-VPCP (ban hành kèm theo danh sách danh mục các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư được triển khai) thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về kết quả rà soát các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội mở rộng.
Theo quyết định này, Thủ tướng đồng ý cho phép triển khai là 30 dự án (dự án nhóm Ia) và 107 dự án (Nhóm I b) tiếp tục triển khai nhưng cần điều chỉnh về nội dung quy hoạch (dự án nhóm Ib).
Chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 240/TB-VPCP nêu rõ: UBND TP Hà Nội tạo điều kiện cho các dự án phù hợp với quy hoạch, đã thực hiện đầy đủ thủ tục, quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển, xây dựng thành phố được tiếp tục triển khai. Đối với các dự án còn lại, cần hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện, bổ sung các nội dung theo đúng quy định, bảo đảm tính thống nhất, gắn kết, hài hoà giữa các dự án và phù hợp với chức năng của không gian đô thị được quy hoạch.
Trên cơ sở danh sách 30 dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho triển khai sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, phóng viên đã trực tiếp đến các dự án để ghi nhận thực trạng và không khỏi bất ngờ bở tiến độ thực hiện trong suốt 12 năm qua.
Theo đó, nằm trong danh mục 30 dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai sau khi Hà Tây sáp nhập Hà Nội, Khu đô thị Dầu khí Đức Giang Đơn (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có quy mô hơn 67 ha với dân số dự kiến tới 5.000 người được xem là dự án lớn nhất huyện Hoài Đức thời điểm đó, được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt đô thị của địa phương này. Tuy nhiên, sau 12 năm được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực hiện, theo ghi nhận của PV, hình hài của dự án Khu đô thị Dầu khí Đức Giang vẫn chỉ là một... cánh đồng hoang vắng, cỏ mọc um tùm, cả một dự án quy mô như vậy nhưng không có một bóng người. Thậm chí, ngay cả những người dân sinh sống tại khu vực cũng không biết đến sự tồn tại của một dự án từng được kỳ vọng sẽ nâng cao vị thế của huyện Hoài Đức.
Cùng chung số phận với huyện Hoài Đức, các dự án dự án được Chính phủ phê duyệt tiếp tục thực hiện sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội đến thời điểm hiện tại vẫn ... nằm im, đang… chờ chủ trương từ thành phố.
Có thể kể đến dự án Khu dịch vụ - Du lịch Phú Cường tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ. Đây là dự án do Công ty TNHH Cơ khí Phú Cường là chủ đầu tư, có quy mô 18.814,9 m2. Ngày 23/11/2007, UBND tỉnh Hà Tây đã có Quyết định số 2173/ QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án, tuy nhiên kể từ đó đến năm 2021, trải qua 14 năm nhưng các thủ tục pháp lý vẫn… dậm chân tại chỗ.
Trả lời phóng viên ĐS&PL, đại diện UBND huyện Chương Mỹ cho biết, hiện nay chủ đầu tư mới chỉ xây dựng tường bao xung quanh và trồng cây lâu năm trên diện tích được giao. Mới đây nhất, ngày 19/4/2021, Công ty TNHH Cơ khí Phú Cường có văn bản gửi Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội đề nghị có ý kiến hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu dịch vụ, du lịch Phú Cường. Đến ngày 10/6/2021, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản phúc đáp.
Một dự án khác cũng nằm “bất động” sau hàng chục năm Hà Tây sáp nhập về Hà Nội là dự án Khu đô thị Làng Thời Đại, có quy mô 149,83 ha tại Thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ). Ngày 29/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây ra Quyết định số 3069/QĐ-UBND giao Công ty cổ phần phát triển công nghiệp Phú Mỹ (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ) làm chủ đầu tư. Dù vậy, đến tháng 8/2021, thông tin từ UBND huyện Chương Mỹ cho biết dự án này vẫn chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ cũng chưa triển khai xây dựng các công trình trên diện tích đất quy hoạch.
Trao đổi với PV về các vướng mắc khi thực hiên dự án Khu đô thị Làng thời đại, ông Đỗ Trọng Phú – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Mỹ cho biết chủ đầu tư chỉ nói ngắn gọn rằng vẫn đang đề xuất thực hiện và chờ chỉ đạo từ Thành phố Hà Nội: “Thành phố vẫn đang cho rà soát, giao sở Quy hoạch – Kiến trúc đẩy nhanh việc thẩm định đề phê duyệt quy hoạch, làm cơ sở hướng dẫn nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết theo quy hoạch phân khu được duyệt”, ông Phú thông tin.
Nhiều dự án tại các huyện Đan Phượng, Chương Mỹ rơi vào cảnh chậm tiến độ, bỏ hoang sau nhiều năm. Ảnh minh hoạ
Tại huyện Đan Phượng, một trong những dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội là Khu đô thị nhà vườn, biệt thự Bình Minh tại thị trấn Phùng. Thế nhưng, theo người dân địa phương, dự án này hiện nay vẫn chưa thấy triển khai vì vướng các thủ tục pháp lý.
Đặc biệt, thông báo số 240/VPCP đã nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung “tạo điều kiện, hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện, bổ sung các nội dung, thủ tục theo đúng quy định”, tuy nhiên, trái với chỉ đạo của Thủ tướng, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng UBND TP Hà Nôi quá chậm trễ, để kéo dài thủ tục hành chính suốt 12 năm qua, không hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, không giải quyết dứt điểm các vướng mắc cho dự án.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho 30 dự án trên được triển khai, ngay sau đó các chủ đầu tư đã tiến hành các thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tiến độ dự án. Mặc dù doanh nghiệp đã nhiều lần gửi văn bản lên UBND TP Hà Nội xin hướng dẫn, thậm chí là “cầu cứu” nhưng suốt 12 năm qua thủ tục pháp lý vẫn không thể hoàn thiện, UBND thành phố và các sở ngành cứ đá qua đá lại, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.
“Mạnh đơn vị nào thì đơn vị đó chạy. Thủ tướng giao Hà Nội rà soát cho các dự án tiếp tục triển khai, nhưng rà soát gì mà 12 năm qua vẫn … rà soát?. Điều này là trái với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, đại diện một chủ đầu tư bức xúc cho biết.
Trong khi Chính phủ và các Bộ ngành đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án thì việc Hà Nội chậm trễ tháo gỡ các khó khăn pháp lý cho những dự án nói trên đã gây ra bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối mặt với hệ quả của dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, nếu lãnh đạo TP Hà Nội vẫn vô cảm, mặc cho chủ đầu tư cầu cứu mà không giải quyết dứt điểm thì sẽ đẩy doanh nghiệp đi đến bờ vực phá sản.
Hiếu Nguyễn