Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

3 "kịch bản" giải quyết BOT Cai Lậy: Nhiều ý kiến trái chiều

(DS&PL) -

Sau khi Bộ Giao thông đưa ra 3 "kịch bản" giải quyết BOT Cai Lậy đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, nếu Bộ GTVT nói vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy đúng thì phải chứng minh được cho người dân đúng thế nào, để người dân hiểu và không phản đối.

Trước những "lùm xùm" tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đưa ra 3 "kịch bản" để giải quyết.

Cụ thể, "kịch bản" thứ nhất, vẫn giữ nguyên trạm thu phí ở vị trí hiện tại, nhưng tăng cường vận động, cải thiện việc thu phí và phục vụ các nhu cầu của người tham gia giao thông. Ví dụ có chỗ cho lái xe dừng lại khi họ thắc mắc và nội dung thắc mắc sẽ được giải thích.

"Kịch bản" thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh theo yêu cầu, tức là phá phương án tài chính cũ và tính toán lại. Kịch bản này phải thương thảo với nhà đầu tư vì liên quan đến phương án tài chính và thời gian thu phí.

"Kịch bản" thứ ba, Bộ GTVT đưa ra là đặt hai trạm thu phí, một trạm đặt trên quốc lộ cũ để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ; một trạm được đặt trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến đường này.

Bộ GTVT cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu phải rà lại toàn bộ để xem xét. Do đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án để so sánh, lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, sau đó trình Thủ tướng quyết định.

Tài xế dùng tiền lẻ qua BOT Cai Lậy. Ảnh: Tri thức Trực tuyến

Trước những kịch bản do Bộ GTVT đưa tin, chia sẻ với PV báo VnExpress, ông Thân Văn Thanh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, mỗi phương án đều có điểm chưa hợp lý.

Kịch bản một là giữ nguyên trạm thu phí thì đang gặp phản ứng của tài xế. Kịch bản hai là dời trạm về tuyến tránh thì kéo dài thời gian thu phí; còn kịch bản ba sẽ phải xây dựng thêm hai trạm (cả ở quốc lộ 1 và tuyến tránh) làm tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến phương án tài chính.

Ông Thanh đề xuất phương án dùng quỹ bảo trì đường bộ trả phần đầu tư dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 (khoảng 300 tỷ đồng). Đồng thời, Chính phủ cho di dời trạm thu phí vào tuyến tránh thị xã Cai Lậy để thu phí dự án hoàn vốn đầu tư tuyến tránh khoảng 1.100 tỷ; chính quyền địa phương tiến hành phân luồng phương tiện đi vào tuyến tránh khi qua thị xã Cai Lậy. Phương án này đảm bảo lợi ích của người dân mặc dù thời gian thu phí dự án kéo dài hơn trước.

Cũng theo ông Thanh, dự án cần được kiểm toán lại về tổng mức đầu tư cải tạo quốc lộ và công khai cho người dân biết.

"Thủ tướng đã nói, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình, nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa. Do vậy các phương án cần được xem xét trên lợi ích của người dân", ông Thanh nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Trường Dân- nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho hay :" Xây dựng đường ở đâu thì đặt trạm BOT ở đó. Chủ đầu tư xây đường tránh thì phải đặt trạm ở đường tránh".

Theo ông Dân, khi tiến hành phương án dời trạm thu phí về tuyến tránh, Nhà nước nên kiểm toán lại tiền doanh nghiệp đã chi để tu bổ quốc lộ 1 và "trả lại cho họ".

"Dự án BOT Cai Lậy do Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể ký duyệt, nay ông là Bộ trưởng, vì vậy ông hiểu hơn ai hết và phải có phương án giải quyết hợp lý nhất", ông Dân nói.

Trong khi đó, báo VOV đưa tin, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho hay, phương án di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy vào đường tránh là hợp lý, hợp lòng dân nhất.

“Còn khi mà Bộ GTVT nói là vị trí đặt trạm đúng thì Bộ GTVT phải chứng minh được cho người dân đúng như thế nào, để người dân hiểu và không phản đối”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, vụ việc trạm thu phí Cai Lậy, Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang không giải quyết được phải Thủ tướng vào cuộc rõ ràng hai cơ quan này đã làm không hết trách nhiệm. Để xảy ra căng thẳng kéo dài, lặp đi, lặp lại gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội về hình ảnh của BOT.

Ông Xuyền cho rằng, trong cuộc họp chỉ đạo những yêu cầu của Thủ tướng cũng là nguyện vọng của người dân. Thứ nhất dự án phải công khai, minh bạch dự án, nhà đầu tư đã làm những, kết quả của dự án ra sao. Nếu cho rằng đặt trạm thu phí ở vị trí như hiện nay là đúng thì đúng ở chỗ nào, cần phải giải thích cho người dân biết.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng, trong thời gian dừng thu phí BOT Cai Lậy, các cơ quan nhà nước cần rà soát lại, đồng thời lắng nghe các ý kiến của người dân để đưa ra phương án hợp lý nhất.

“Các cơ quan, ban ngành cần xem xét nguyện vọng của người dân về việc di dời trạm thu phí ra khỏi QL1 vì trạm đó đặt sai vị trí chứ không phải vì vi phạm quy định của pháp luật. Đầu tư ở đâu phải thu phí ở đấy. Thiết nghĩ, Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan của tỉnh Tiền Giang nên xin lỗi người dân về việc đặt BOT sai vị trí và nhanh chóng xử lý dứt điểm những lùm xùm tại đây", ông Liên khẳng định.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật