Trong cuộc đời mình, nhà văn Kim Dung trải qua 3 cuộc hôn nhân nhưng cả 3 đều không khiến vị tác giả của những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp kinh điển cảm thấy thỏa mãn.
Kim Dung là một tiểu thuyết gia có tầm hưởng lớn đến nhiều thế hệ khán giả với loạt tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, Thần điêu đại hiệp, Thiên long bát bộ, Lộc đỉnh ký... Ông được mệnh danh là "Võ lâm minh chủ".
Những bộ tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành phim, thành game và cũng nổi tiếng không kém bản sách giấy.
Mặc dù thành công, có danh tiếng và được nhiều người yêu mến nhưng cuộc đời của "ông vua tiểu thuyết" lại gặp nhiều trắc trở với ba cuộc hôn nhân và nỗi đau "kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh".
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang. Trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, ông nhận được vô số giải thưởng như Huân chương Tử kinh (2000), Thành tựu trọn đời cho nghệ sĩ người Hoa có tầm ảnh hưởng thế giới (2008),...
Cuộc đời Kim Dung trải qua 3 cuộc hôn nhân nhưng đều không khiến ông hạnh phúc. Kim Dung đã từng thừa nhận: “Cuộc sống tình ái của tôi không thực sự viên mãn, cũng chẳng thể nói là đẹp. Nói chung là không viên mãn, cũng chẳng lấy gì làm lý tưởng”.
Kim Dung là người có lý tưởng tình yêu, ông luôn hướng đến nhất kiến chung tình, bách niên giai lão. Nhưng chính ông phải nuối tiếc vì không làm được điều đó.
Người vợ đầu tiên của Kim Dung là Đỗ Dã Phân - tiểu thư xuất thân dòng dõi. Bà chính là mối tình đầu, khiến Kim Dung "vừa gặp đã yêu". Năm 1948, hai người tổ chức đám cưới ở Thượng Hải.
Kết hôn không bao lâu, Kim Dung sang Hong Kong phát triển sự nghiệp, Dã Phân theo chồng. Ở thành phố xa lạ, Dã Phân cảm thấy khó thích nghi. Sau nhiều lần căng thẳng, tới năm 1953, hai người quyết định ly hôn sau gần 5 năm sống chung.
Kim Dung và người vợ đầu Đỗ Dã Phân. |
Khi đó còn có tin Dã Phân vụng trộm bên ngoài nhưng Kim Dung không lên tiếng. Mãi sau này, ông mới trả lời trong một cuộc phỏng vấn là: "Bây giờ nói ra cũng không là gì nữa rồi, người vợ đầu tiên phản bội tôi", năm đó nhà văn đã 74 tuổi.
Người vợ thứ hai chính là Chu Mai - người cùng ông đồng cam cộng khổ.
Được biết Chu Mai xuất thân ký giả, xinh đẹp, lanh lợi, mặt tròn, giỏi Anh văn, nhỏ hơn Kim Dung 11 tuổi. Hai người quen nhau trong thời gian Kim Dung làm ở Đại công báo và rồi hai người nên duyên chồng vợ vào ngày 1-5-1956.
Trong giai đoạn khởi đầu của Minh báo, Chu Mai đã hết lòng cùng Kim Dung đồng cam cộng khổ, vừa chăm sóc chồng vừa gánh vác công việc tòa soạn. Đêm khuya mới về nhà thì tàu Thiên Tinh đã nghỉ chạy, phải đi ghe máy về ngôi nhà nhỏ ở mỏm Tiêm Sa. Để tiết kiệm, hai vợ chồng ngồi chờ trong gió lạnh cho đủ 6 người cùng lên ghe.
Kim Dung và Chu Mai |
Thời gian ấy, tình cảm vợ chồng của Kim Dung và Chu Mai thật đậm đà. Một người từng làm việc ở Minh báo cho biết: “Lúc đó, tình cảnh Tra tiên sinh thật là thê thảm, nhiều khi hai vợ chồng cùng uống chung tách cà phê”. Con trai đầu Tra Truyền Hiệp ra đời, Chu Mai càng vất vả, phải lo chuyện nhà rồi vội vã đáp thuyền đến tòa soạn đem cơm cho chồng và miệt mài làm việc. Rồi lần lượt, ba người con khác ra đời.
Lúc ấy, Kim Dung buổi sáng viết tiểu thuyết, đắm chìm trong đao quang kiếm ảnh của thế giới giang hồ tưởng tượng; buổi chiều viết xã luận, lại quay quắt với hiện thực xung quanh. Nhà văn Nghê Khuông từng nói: “Sở dĩ Minh báo không gục ngã là nhờ vào tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung”. Tên tuổi Kim Dung nổi lên từ khi 3 bộ “Thư kiếm ân cừu lục”, “Bích huyết kiếm” và “Xạ điêu anh hùng truyện” được đăng trên Tân vãn báo và Hương Cảng thương báo. Tiếp đó, “Thần điêu hiệp lữ” được đăng liên tục trên Minh báo, số lượng độc giả tăng dần.
Minh báo ngày càng ổn định, mở ra nhiều phụ bản như Minh báo nguyệt san, Hoa nhân dạ báo, Minh báo vãn báo và có mặt ở hầu hết những nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống, số lượng độc giả tăng cao. Từ việc chinh phục giới bình dân, cho đến năm 1962, Minh báo đã được giới trí thức đón nhận. Song song đó, uy danh của Kim Dung đại hiệp cũng lan truyền bốn biển.
Vừa làm báo vừa viết tiểu thuyết kiếm hiệp, gần như 15 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp lừng danh của Kim Dung được hoàn thành trong thời gian chung sống với Chu Mai.
Nhưng chính lúc đỉnh thịnh nhất của Kim Dung cũng như của “vương quốc Minh báo” thì tình cảm vợ chồng xuất hiện những vết nứt không hàn gắn được dù họ đã chung sống với nhau 20 năm.
Tháng 10/1976, con trai đầu của Kim Dung với Chu Mai là Tra Truyền Hiệp, 19 tuổi, đang học tại Trường ĐH Columbia - Mỹ, đã treo cổ tự tử. Nguyên nhân mà Tra Truyền Hiệp tự tử nhiều người cho rằng có liên quan đến việc cha mẹ ly hôn. Truyền Hiệp nhiều lần khuyên ngăn nhưng mâu thuẫn giữa Kim Dung với Chu Mai ngày càng trầm trọng. Là người đa cảm, trong lúc bế tắc lại nhân khi cãi vã với người yêu đã khiến chàng trai trẻ xem thường tính mạng. Trong lúc ly hôn, con yêu tự sát, Kim Dung và Chu Mai trải qua nỗi thống khổ tột cùng của kiếp nhân sinh.
Sau khi ly hôn, Chu Mai sống chật vật và qua đời năm 1998 vì bạo bệnh. Mỗi lần nhắc đến người vợ thứ hai Kim Dung đều day dứt vì cảm thấy có lỗi. Trong cuộc phỏng vấn năm 90 tuổi, Kim Dung đã bật khóc khi nói về bà.
Người vợ thứ 3 của Kim Dung là Lâm Nhạc Di, kém ông tới 29 tuổi. Bà là một nhà văn và rất hâm mộ Kim Dung. Sau nhiều lần chuyện trò, tâm sự, cả hai dần thân thiết rồi trở thành vợ chồng.
Kim Dung và người vợ thứ ba Lâm Nhạc Di. |
Với cuộc hôn nhân này, Kim Dung khá kín tiếng. Dù chênh lệch tuổi khá lớn nhưng hai người luôn dành cho nhau những cử chỉ thân mật.
Cho đến nay, Kim Dung cùng người vợ thứ ba nhỏ hơn ông 29 tuổi là Lâm Lạc Di đã kết tóc hơn 40 năm và đây có lẽ là phiên bản hiện thực sinh động nhất của “Thần điêu hiệp lữ” trong mắt mọi người. Hội Những người yêu thích tác phẩm Kim Dung gọi Lâm Lạc Di là “Tiểu Long Nữ”.
Thu Hằng (T/h)