(ĐSPL) - Hai chiếc thuyền cao su quá tải đã chìm ngoài khơi bờ biển Libya hôm 14 và 15/11 vừa qua khiến 240 người thiệt mạng.
Hai vụ chìm thuyền liên tục trong 2 ngày ở Địa Trung Hải đã khiến ít nhất 240 người tị nạn thiệt mạng. Ảnh: Independent |
Independent dẫn nguồn tin cho biết, ít nhất 240 người tị nạn đã bị chết đuối trong 48 giờ vì thảm họa chìm thuyền ở Địa Trung Hải. Theo các nhân viên cứu hộ, chỉ có 15 người sống sót trong vụ tai nạn ngoài khơi bờ biển Libya hôm 14/11, và khoảng 135 người đã chết.
Trong một thảm họa khác xảy ra vào ngày 15/11, 95 người đã bị chìm theo con thuyền và chỉ có 9 thi thể được tìm thấy cho đến hiện nay. Tổng số người tị nạn mất mạng trong năm 2016 trên đường đến châu Âu đã lên đến 4.500 người.
Những người sống sót trong vụ đắm thuyền đầu tiên đã được đưa lên tàu của cảnh sát biển Ý ở cảng Sicily Catania vào ngày 16/11, sau đó họ sẽ tiếp xúc với cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR).
"Những người sống sót nói với chúng tôi rằng đã có khoảng 150 người trên thuyền, vì vậy đang còn khoảng 135 người mất tích", phát ngôn viên Iosta Ibba nói với AFP.
Jugend Rettet, một tổ chức phi chính phủ của Đức, cho biết tàu của họ đã thu hồi các thi thể đến từ nhiều nước khác nhau, nhưng đại đa số người tị nạn bị thiệt mạng trong thảm họa chìm thuyền không bao giờ được tìm thấy hoặc xác định.
Cũng trong ngày 15/11, một chiếc tàu trở dầu được cảnh sát Ý cử đi đã kịp thời cứu sống 23 người trên một chiếc xuồng ba lá chở theo 122 người tị nạn bị chìm. Một người sống sót nói với nhân viên của đội cứu hộ Mediterranée rằng chiếc xuồng đã bắt đầu chìm lúc 6 giờ sáng, 4 tiếng trước khi tàu chở dầu đến.
"Chúng tôi có 122 người trên thuyền, không có trẻ em dưới 15 tuổi, có 10 phụ nữ đi cùng nhưng chỉ 1 người trong số họ sống sót. Chúng tôi chờ đợi trong nước, bám lấy bất cứ cái gì xung quanh để nổi lên, nhưng hầu hết mọi người đều bị chết đuối, trong đó có em trai của tôi. Nó mới 15 tuổi”, người đàn ông nghẹn ngào nói.
"Vào 10 giờ sáng, tàu chở dầu đến và giải cứu chúng tôi. Tôi muốn gọi điện về nhà nói với gia đình rằng em trai tôi đã chết".
Những kẻ buôn lậu người vẫn tiếp tục vận hành các tàu thuyền quá tải từ bờ biển Libya mặc dù điều kiện thời tiết đang dần xấu đi, dẫn đến một chuỗi bi kịch trong những tuần gần đây.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn đã làm cho khu vực từ Libya tới Italia trở thành địa điểm gây thương vong nhiều nhất trên thế giới. Hơn 4.300 người đã chết từ đầu năm 2016 đến nay.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng nhiệm vụ chống buôn lậu người đến Liên minh châu Âu EU đã khiến những kẻ buôn lậu cố gắng “đóng gói” người tị nạn vào những thuyền nhỏ hơn để tránh bị phát hiện.
Trạm viện trợ (MOAS) về di cư nước ngoài, một tổ chức từ thiện cứu hộ, cho biết những nỗ lực ở Địa Trung Hải đã trở nên có tính thách thức hơn bao giờ hết. Những nỗ lực nhân đạo bị choáng ngợp bởi mạng lưới buôn lậu không ngừng thay đổi chiến thuật.
Hơn 340.200 người di cư và người tị nạn đã đến ở châu Âu bằng đường biển trong năm 2016. Khoảng ¼ trong số họ là người Syria, còn lại là người Afghanistan, Nigeria, Iraq, Eritreans và dân tộc khác trên toàn châu Phi, Trung Đông và châu Á.
Điều 3, Phụ lục II, Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức (a) Buôn lậu người tị nạn có nghĩa là hành vi mua bán, để có được một cách trực tiếp hay gián tiếp một lợi ích tài chính hoặc vật chất khác, từ việc nhập cảnh bất hợp pháp của một người vào một quốc gia thành viên nơi mà người đó không có quốc tịch. (b) Nhập cảnh bất hợp pháp là việc vượt qua biên giới không tuân thủ các yêu cầu hợp pháp của nước được tiếp nhận. ... Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. Link nguồn: https://www.opcw.org |
NHẤT DUY (Theo Independent)
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]Q5RpG8CPf1[/mecloud]