673 người được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2024, giảm 22 so với năm ngoái.
Theo công bố của Hội đồng Giáo sư nhà nước, trong số này có 62 ứng viên giáo sư, 611 ứng viên phó giáo sư, ở 25 ngành/liên ngành. Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học quân sự và Khoa học An ninh không công khai thông tin.
Hai ngành có nhiều ứng viên nhất là Kinh tế và Y học. Trong đó, Kinh tế dẫn đầu với 108 người, gồm 6 ứng viên giáo sư và 102 phó giáo sư. Y học có 6 ứng viên giáo sư và 76 phó giáo sư, tổng 82 người.
So với năm ngoái, số ứng viên giáo sư của cả hai ngành này đều giảm, lần lượt 4 và 3 người.
Hai ngành không có ứng viên được đề cử giáo sư năm 2024 là Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao và Ngôn ngữ học. Ảnh: VnExpress
Đáng chú ý, 2 ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao và Ngôn ngữ học không có ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư. Như mọi năm, Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học quân sự và Khoa học an ninh không công khai ứng viên.
Theo quy trình, các đại học thành lập Hội đồng cơ sở để chọn ứng viên đủ điều kiện, rồi đề xuất lên Hội đồng nhà nước.
Hồ sơ của ứng viên sau đó được giao cho Hội đồng ngành, liên ngành thẩm định, loại những người không đạt. Cuối cùng, Hội đồng nhà nước xem xét, thông qua danh sách đạt tiêu chuẩn, công bố vào tháng 11, 12 hàng năm.
Để được xét duyệt, ứng viên cần là tác giả chính của 3-5 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus (hệ thống dữ liệu uy tín, tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) hoặc danh mục khác do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Ảnh: Kinh tế & Đô thị
Năm ngoái, trong gần 700 đề cử ban đầu, số được công nhận là 588 người (84,6%).
Giảng viên là giáo sư, phó giáo sư có thể ở lại cơ quan nhà nước thêm tối đa 5 năm sau khi đến tuổi nghỉ hưu; được ưu tiên giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ...
Theo Bộ GD&ĐT, hầu hết giáo sư, phó giáo sư đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học.