Pháp luật TP.HCM đưa tin, chiều 14/7, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phạm Thị My (60 tuổi) mức án 13 tháng 4 ngày tù, bằng thời gian tạm giam, về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh, bị cáo Bùi Văn Sâm (74 tuổi) lãnh mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ.
Theo cáo buộc, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 được tổ chức thành 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 6 đến ngày 9/7/2021; đợt 2 từ ngày 5 đến ngày 7/8/2021.
Hết đợt 1, báo chí đã phản ánh về nghi vấn lộ đề thi môn Sinh học do đề ôn tập trên mạng internet có tỷ lệ giống đến 80% đề thi chính thức. Kết quả điều tra cho thấy, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2021, Bộ GD&ĐT triển khai công tác ra đề thi theo 2 giai đoạn: Xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và tổ chức ra đề thi.
Về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành 5 đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 1 tuần. Trong 5 đợt công tác trên, ông Bùi Văn Sâm và bà phạm Thị My (đều nguyên là giáo viên Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội) được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi môn Sinh học trong kỳ thi THPT năm 2021, trong đó ông Sâm làm tổ trưởng, còn bà My làm tổ phó, cùng với một số giáo viên khác là thành viên.
Về tổ chức ra đề thi, Bộ GD&ĐT phân công bà My làm tổ trưởng ra đề thi môn Sinh học, còn ông Sâm tham gia với tư cách thẩm định.
Do bà My và ông Sâm đã tham gia tổ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi các năm 2019, 2020, biết được phần mềm rút câu hỏi ngẫu nhiên nên năm 2021 nên 2 bị cáo này đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đưa tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi.
Sau đó, 2 người này dùng câu hỏi trên để giảng dạy, ôn thi cho 8 học sinh lớp 12.
Hội đồng giám định Bộ GD&ĐT xác định, tập tài liệu do ông Sâm cung cấp với 4 tổ hợp đề thô 210, 211, 212, 213 có nội dung giống các câu hỏi giống tổ hợp đề thi chính thức trên 70%.
2 cựu giáo viên tại phiên tòa. Ảnh: Vietnamnet.
Tại phiên tòa, ông Sâm khai không chủ động bàn tán gì với My và không hiểu quy luật chọn rút câu hỏi của phần mềm quản lý nên nhờ bà My lưu các câu hỏi vào máy tính.
Ông Sâm thừa nhận được bà My 3 lần đưa các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được các thành viên biên soạn, đưa vào xây dựng ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ông trực tiếp chỉnh sửa, đưa lại cho bà My để đánh máy, in ra thành bản cứng tại nhà riêng.
Còn bà My cho rằng bà không mang tài liệu, mà chỉ là một mảnh giấy A4 viết tay ra khỏi khu vực xây dựng đề thi. Đó chỉ là “ý tưởng câu hỏi”. Từ các ý tưởng này, 2 người sau đó tại nhà riêng, chỉnh sửa thành câu hỏi để đưa vào ngân hàng câu hỏi.
Cáo trạng xác định, hành vi của các bị cáo vì động cơ cá nhân, làm trái công vụ, xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý Nhà nước, dẫn đến thiếu tính công bằng, minh bạch, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021.
Cá nhân ông Sái Công Hồng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (hiện là Phó Vụ trưởng Vụ THPT) và ông Đỗ Thế Chẩn - cán bộ Trung tâm khảo thí quốc gia, đã chỉnh sửa, thay đổi cơ chế xuất đề của phần mềm, dẫn đến phần mềm sử dụng tại Hội đồng ra đề thi không đảm bảo nguyên tắc rút đề ngẫu nhiên, vi phạm quy định của quy chế thi THPT và một số cá nhân có trách nhiệm liên quan thuộc Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, Cơ quan ANĐT Bộ Công an kết luận chưa có cơ sở xác định những người trên có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác và không biết các bị can thực hiện hành vi phạm tội nên không có căn cứ xử lý hình sự.
CQĐT có văn bản kiến nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm nêu trên và kiểm tra, rà soát quy trình, quy chế để khắc phục sơ hở, thiếu sót, không để xảy ra sai phạm tương tự, theo Vietnamnet.
Phương Linh (T/h)